Thu hoạch tôm ẢNH: TRẦN THANH PHONG
Gặp ông Linh (45 tuổi, ngụ ấp Biển Đông B, xã Vĩnh Trạch Đông) ngoài đầm tôm, nhiều người cứ tưởng là người giữ vuông thuê bởi làn da đen đúa, lúc nào cũng đội nón lụp xụp, cặm cụi dưới ao. Thật ra ông là một tỉ phú, hiện sở hữu trên 100 công vuông (mỗi công khoảng 1.300 m2), 2 xe ô tô và biệt thự thuộc hàng lớn nhất vùng.
Hơn 15 năm nuôi tôm bất bại
Nhờ nuôi tôm trúng lớn, ông Linh liên tiếp mở rộng quy mô. Hiện ông có 3 khu nuôi tôm công nghiệp với diện tích hơn 10 ha. Ngoài phân chia ra nhiều ao lắng, ông có tổng cộng 51 ao nuôi tôm công nghiệp. Chỉ tính riêng vụ nuôi tôm năm 2018, ông Linh thu hoạch trên 60 tấn tôm thương phẩm, thu lãi trên 4 tỉ đồng.
Ông Linh kể, gia đình ông có 4 công đất trồng lúa nhưng từ năm 2003, nước mặn xâm nhập nên không trồng lúa được nữa. Lúc đó, ông đã đi nhiều nơi tìm hiểu, học hỏi kinh nghiệm nuôi tôm. Sau khi “học lóm” được chút ít kinh nghiệm, ông quyết tâm cải tạo 4 công đất trồng lúa thành ao nuôi tôm sú. Thật bất ngờ, vụ nuôi đầu tiên ông trúng lớn, thu hoạch 4,7 tấn tôm, bán được 470 triệu đồng, sau trừ chi phí còn lãi 300 triệu đồng. Theo ông Linh, thời điểm đó 300 triệu đồng có giá trị rất lớn, bằng người dân làm hàng trăm công lúa. Bởi người làm lúa khi đó lợi nhuận cao lắm chỉ khoảng 500.000 đồng/công.
Có tiền, ông tiếp tục mua thêm đất, cải tạo thêm 2 ao nuôi tôm. Năm tiếp theo, ông Linh lại trúng đậm, thu lãi cả tỉ đồng. Theo ông Linh, từ năm 2003 đến nay, qua hơn 15 năm nuôi tôm bất bại, có năm nuôi tôm chậm lớn, tôm mất giá, cũng có nhiều ao thiệt hại, nhưng tổng kết năm nào ông cũng có lợi nhuận từ 3 - 4 tỉ đồng.
Ông Linh kiểm tra tôm sú nuôi công nghiệp
Hướng dẫn kỹ thuật cho hàng ngàn hộ dân
Ông Linh chia sẻ, trong quá trình nuôi tôm ông tự đúc kết, tích lũy kinh nghiệm là chính. Theo đó, mỗi năm ông thuê máy ủi, máy cuốc cải tạo ao nuôi một lần. Trong quá trình xử lý nước trước khi thả tôm nuôi phải có ao lắng, lưới lọc giám sát, xử lý diệt khuẩn đáy ao. Về con giống, phải lựa chọn giống tốt từ các công ty sản xuất giống có uy tín, chất lượng, đặc biệt phải biết rõ nguồn gốc tôm bố mẹ. Trong quá trình nuôi phải quản lý chặt chẽ về môi trường, sự phát triển của tôm ở cụ thể từng ao nuôi. Khi môi trường có biến động như tôm ăn chậm, đứt râu, đen mang, màu nước thay đổi… thì chủ động xử lý, phòng ngừa. Để ổn định môi trường, giảm ô nhiễm nguồn nước, đáy ao định kỳ phải cấy vi sinh, tạt vôi, tạo khoáng...
Ông Linh cho biết, để đạt được kết quả tốt trong nhiều vụ nuôi tôm liên tiếp, gia đình ông phải thức khuya dậy sớm theo dõi, chăm sóc từng ao nuôi. Hằng đêm, từ 19 - 24 giờ ông phải “đi tuần” kiểm tra các ao nuôi tôm, sau 24 giờ thì giao người con trai thay ca túc trực. Bởi nuôi tôm công nghiệp với mật độ cao, khi xảy ra các sự cố như cúp điện đột ngột, dàn quạt bị gãy đổ, môi trường nguồn nước thay đổi đột ngột nếu không phát hiện kịp thời thì tôm nuôi sẽ thiệt hại bất cứ lúc nào.
Ông Linh nuôi tôm liên tục từ 2 - 3 vụ/năm nên đã tạo việc làm và thu nhập ổn định cho khoảng 20 thanh niên địa phương, với thu nhập bình quân khoảng 7 triệu đồng/người/tháng. Ngoài ra, ông còn thưởng thêm từ hiệu quả nuôi tôm. Nếu thu hoạch được 1 tấn tôm sú thì thưởng thêm 2 triệu đồng, 1 tấn tôm thẻ thưởng thêm 1,5 triệu đồng.
Những lao động gắn bó lâu năm, chuyên cần nhưng có khó khăn về nhà ở được ông xây tặng nhà tình thương, mỗi căn trị giá khoảng 40 triệu đồng… Đặc biệt, những kinh nghiệm nuôi tôm đạt hiệu quả đúc kết được, ông Linh tư vấn, hướng dẫn kỹ thuật cho hàng ngàn hộ nuôi tôm ở các tỉnh Bạc Liêu, Sóc Trăng và Cà Mau... thông qua các cửa hàng thuốc thú y thủy sản ở địa phương...
Theo TRẦN THANH PHONG (Thanh Niên)