Ông Nguyễn Phước Thiện - Phó Giám đốc phụ trách điều hành hoạt động Sở NN&PTNT tỉnh Đồng Tháp cho biết, mục tiêu của chương trình trên là giúp nông dân thay đổi tư duy từ sản xuất theo tập quán sang sản xuất theo quy trình, tiêu chuẩn của người tiêu dùng, sản xuất những gì thị trường cần thay cho cung ứng thị trường những gì mình có, đồng thời sản xuất theo hướng an toàn, bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu…
Ngay lập tức, Sở NN&PTNT đã quán triệt chỉ đạo trên của UBND tỉnh về các chủ trương, định hướng đổi mới tư duy sản xuất nông nghiệp sang làm kinh tế nông nghiệp, làm thay đổi nhận thức trong sản xuất, hướng đến nền nông nghiệp hiệu quả và bền vững. Bên cạnh đó, Sở đã phối hợp với Trường Quản lý Cán bộ Nông nghiệp II, Trường Cao đẳng Cộng đồng Đồng Tháp, Trường Chính trị Đồng Tháp xây dựng chương trình đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn cho đội ngũ giảng viên, công chức/viên chức phụ trách công tác nông nghiệp và nông thôn mới, thành viên các hợp tác xã, tổ hợp tác và nông dân tiêu biểu về kiến thức kinh tế nông nghiệp.
Đồng Tháp nỗ lực cung cấp kiến thức, hỗ trợ nông dân thay đổi tư duy trong sản xuất nông nghiệp.
Nhờ đó, tính đến hết tháng 6/2019, lồng ghép tổ chức tập huấn cho hơn 29.700 nông dân về phát triển kinh tế nông nghiệp, 10 lớp bồi dưỡng, đào tạo cho 500 người quản lý Hợp tác xã nông nghiệp hiểu và vận dụng được những kiến thức trong đánh giá, xếp loại hợp tác xã, thi hành các chính sách nông nghiệp nông thôn.
Đồng thời, ngành nông nghiệp Đồng Tháp cũng đã tổ chức lớp tập huấn tham quan thực tế về thị trường nông sản cho hội quán, hợp tác xã kết hợp giới thiệu các sản phẩm nông sản tại Diễn đàn “Kết nối tiêu thụ các sản phẩm nông sản phía Bắc (rau củ, trái cây) và tỉnh Đồng Tháp” tại TP. HCM. Có 40 học viên trong tỉnh tham gia lớp tập huấn và gần 100 sản phẩm tiêu biểu của hợp tác xã, dự án khởi nghiệp được giới thiệu rộng rãi.
Phản hồi từ cơ quan chức năng, các học viên và chính người dân cho thấy: Diễn đàn trên là hoạt động có ý nghĩa rất lớn đối với việc tái cơ cấu nông nghiệp của Đồng Tháp. Thứ nhất, đã cung cấp thông tin kiến thức cho người nông dân về thông tin thị trường, vùng nguyên liệu sạch, vấn đề kinh tế hợp tác, nâng cao kỹ năng, khả năng tìm kiếm, xúc tiến liên kết, hợp tác thương mại, giới thiệu, quảng bá nông sản làm tăng giá trị, chất lượng và cải thiện thu nhập của người nông dân. Thứ hai, giúp người nông dân hiểu được quy luật vận hành của cơ chế thị trường, điều chỉnh sản xuất, đa dạng hóa nông sản cũng như khắc phục tình trạng cung vượt cầu. Thứ ba, tạo ra nhiều cơ hội kết nối, giao lưu hợp tác với các doanh nghiệp trong các lĩnh vực ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao, cung ứng vật tư đầu vào và tiêu thụ nông sản.
Về đào tạo người nông dân, theo lãnh đạo Sở NN&PTNT tỉnh Đồng Tháp, nội dung các chương trình đào tạo không chỉ lý thuyết suông mà còn gắn với thực hành, học tập chia sẻ kinh nghiệm và để nông dân trực tiếp thực hiện các phần việc của mình như: Đổi mới sản xuất, giám sát chất lượng nông sản, tự thương thảo, trao đổi với doanh nghiệp, đối tác và trực tiếp tiếp cận với các thị trường lớn để nâng cao năng lực, kiến thức, quy luật vận hành của cơ chế thị trường, tạo sản phẩm nông sản chất lượng đủ sức cạnh tranh. Các chương trình tập huấn đáp ứng được “cái nông dân cần”.
“Thay đổi tư duy, nhận thức người nông dân là việc không hề dễ dàng và cũng không thể qua một vài lớp tập huấn là có thể. Muốn tư duy của nông dân được thay đổi thì việc đầu tiên là những nhà quản lý nông nghiệp phải thay đổi. Tiếp đó, là phải thực hiện “tri thức hóa” nông dân, đẩy mạnh kết nối cung cầu, đa dạng hoá phương thức tuyên truyền, thực hiện kiên trì, bền bỉ… thông qua các hình thức toạ đàm, hội nghị, phóng sự trên truyền hình,… để nông dân, người sản xuất có cái nhìn trực quan, tiếp nhận kiến thức và chủ động thay đổi tư duy làm kinh tế nông nghiệp…”, ông Nguyễn Phước Thiện khái quát.
Theo Công Luận