Thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, xây dựng quê hương giàu đẹp

03/08/2020 - 09:34

Thông qua nhiều phong trào thi đua do các cấp hội nông dân trong tỉnh phát động thời gian qua đã góp phần phát huy tốt vai trò của nông dân trong phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới và giảm nghèo bền vững. Nổi bật nhất là phong trào “Nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững” (NDSXKDG) đã khơi dậy tinh thần năng động, sáng tạo vươn lên làm giàu của bà con.

Vợ chồng anh Hiếu (thứ 1, thứ 2 từ trái qua) luôn nỗ lực để kinh tế gia đình ngày càng phát triển.

Nông dân năng động

Nhờ tích cực tham gia phong trào NDSXKDG do các cấp hội nông dân phát động, đến nay, kinh tế gia đình ông Đặng Văn Năm, ở ấp Thạnh Mỹ C, xã Bình Thành, huyện Phụng Hiệp, ngày càng khởi sắc.

Để nâng cao hiệu quả sản xuất, cách nay 5 năm, ông mạnh dạn chuyển đổi gần 8.000m2 mía kém hiệu quả sang trồng nhãn Ido. Hiện tại, vườn nhãn của ông đang chuẩn bị cho thu nhập vụ trái thứ 4. Theo ước tính, vụ nhãn này thu nhập của gia đình khoảng 150 triệu đồng.

“Qua tìm hiểu, thấy cây nhãn Ido cho hiệu quả kinh tế cao nên tôi bàn bạc gia đình quyết tâm chuyển đổi. Để việc sản xuất đạt hiệu quả, tôi kỹ lưỡng chọn lựa cây giống và học tập kinh nghiệm, kỹ thuật chăm sóc nhiều nơi. Đến nay, tôi cơ bản vững về kinh nghiệm, kỹ thuật xử lý trái cho nhãn đạt năng suất, chất lượng cao theo mong muốn”.

Vườn nhãn sắp cho thu hoạch của gia đình ông Năm.

Với ý chí luôn vươn lên vượt khó, sự năng động, dám nghĩ, dám làm của mình mà nhiều năm nay, đời sống kinh tế gia đình ông Năm ngày càng ổn định. Hiệu quả của mô hình tạo sức lan tỏa rộng ở địa phương. Đến nay, xã thành lập được Tổ hội nghề nghiệp trồng nhãn Ido với hơn 10 thành viên.

Kinh tế gia đình ổn định, ông Năm có điều kiện hỗ trợ tạo việc làm cho nhiều lao động địa phương. Hàng năm, ông còn vận động người thân trao tặng 1-2 tấn gạo cho hộ nghèo. Ông còn tiêu biểu, gương mẫu trong phong trào xây dựng cảnh quan môi trường sáng - xanh - sạch - đẹp, góp phần cho địa phương thực hiện đạt tiêu chí nông thôn mới.

Trong khi đó, cách nay khoảng 1 năm, gia đình anh Ngô Minh Hiếu, ở ấp Thạnh Thắng, xã Hỏa Tiến, chủ động trả lại sổ hộ nghèo do đời sống kinh tế gia đình ổn định. Ngày mới ra riêng, hộ anh không có đất canh tác còn phải nuôi con nhỏ, vì thế cuộc sống luôn túng thiếu. Để giúp gia đình anh vươn lên vượt khó, Hội Nông dân xã phối hợp với chính quyền ấp tạo điều kiện để anh tiếp cận vốn vay phát triển kinh tế.

Có được vốn, vợ chồng tập tành mua bán và cuộc sống dần ổn định. Năm 2018, với số tiền tích lũy được, anh cất được căn nhà khang trang. Cuối năm 2019, gia đình anh quyết định xin thoát nghèo. “Được người quen hướng dẫn và có đồng vốn vay, vợ chồng tôi chuyển sang nghề mua cau bán lại. Mỗi ngày thu nhập từ 400.000-500.000 đồng nên kinh tế gia đình dần cải thiện”, anh Hiếu chia sẻ.

Không chỉ có thu nhập ổn định, gia đình anh còn tạo việc làm thời vụ cho khoảng 10 lao động ở địa phương. “Mỗi khi vựa có nhu cầu tiêu thụ cau sấy, tôi phải mướn thêm người làm tiếp. Bình quân mỗi người cũng kiếm được khoảng 100.000 đồng/ngày”, anh Hiếu cho biết.

Nhiều giải pháp hỗ trợ nông dân

Theo Hội Nông dân tỉnh, 5 năm qua, các cấp hội nông dân trong tỉnh luôn chú trọng chỉ đạo triển khai tuyên truyền trong cán bộ, hội viên, nông dân các chủ trương, mục đích, ý nghĩa và tầm quan trọng của phong trào NDSXKDG. Từ đó thu hút đông đảo hội viên, nông dân tích cực hưởng ứng thi đua lao động, sản xuất, tham gia các nhiệm vụ chính trị của Hội và địa phương.

Nhằm phát huy hiệu quả phong trào thi đua, giúp NDSXKDG, Hội Nông dân tỉnh chủ động phối hợp và ký kết liên tịch với sở, ngành, đơn vị chức năng trong và ngoài tỉnh thực hiện thông tin, tuyên truyền sâu rộng trong nông dân thực hiện các đề án hỗ trợ nông dân phát triển sản xuất như: Đề án chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi trên địa bàn tỉnh Hậu Giang giai đoạn 2014-2016 và định hướng đến năm 2020 (Đề án 1.000), Đề án phát triển giống cây trồng, vật nuôi và thủy sản chất lượng cao tỉnh Hậu Giang giai đoạn 2016-2020...

Các cấp hội cũng tích cực tăng cường tuyên truyền, vận động hội viên, nông dân thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng phát triển sản xuất quy mô lớn, tập trung gắn với bảo quản, chế biến và tiêu thụ theo chuỗi giá trị. Tiếp tục đẩy mạnh ứng dụng khoa học, công nghệ, cơ giới hóa trong sản xuất; thực hiện xuống giống đúng lịch thời vụ, chủ động ứng phó kịp thời, hiệu quả nhằm giảm đến mức thấp nhất thiệt hại do dịch bệnh, thiên tai gây ra. Tăng cường các hoạt động chuyển giao, ứng dụng tiến bộ khoa học, kỹ thuật, công nghệ, hướng dẫn nông dân áp dụng các quy trình, biện pháp sản xuất, kinh doanh hiệu quả…

Kết quả 5 năm qua, tỉnh có 383.560 lượt nông dân được chuyển giao khoa học, kỹ thuật, công nghệ; các cấp hội nông dân hỗ trợ xây dựng được nhãn hiệu cho 11 loại sản phẩm chủ lực địa phương, được chứng nhận nhãn hiệu hàng hóa (như chanh không hạt Hậu Giang, quýt đường Long Trị, cá thát lát Hậu Giang, khóm Cầu Đúc Hậu Giang...). Trong đó, 3 nông sản (cam sành, khóm Cầu Đúc, cá thát lát) đã phát triển thành thương hiệu nổi tiếng và 5 loại nông sản (bưởi, cam sành, khóm, cá thát lát, cá rô đồng) thực hiện đạt tiêu chuẩn GAP, an toàn vệ sinh thực phẩm.

Ngày càng nhiều gương nông dân tiêu biểu

Theo ông Châu Minh Tiến, Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh, hiệu quả của phong trào NDSXKDG tác động tích cực đến chuyển dịch cơ cấu sản xuất nông nghiệp, chuyển đổi giống cây trồng, vật nuôi, thúc đẩy nông dân tăng cường ứng dụng tiến bộ khoa học, kỹ thuật và công nghệ vào sản xuất đạt năng suất, chất lượng, tăng thu nhập trên cùng một đơn vị diện tích canh tác. Phong trào thi đua NDSXKDG đã khuyến khích, động viên nông dân, phát huy tinh thần đoàn kết, tương thân, tương ái, giúp nhau xóa đói giảm nghèo, thi đua làm giàu; xây dựng nếp sống văn hóa ở nông thôn; tích cực tham gia thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới.

Đồng thời cũng góp phần chuyển đổi cơ cấu sản xuất nông nghiệp theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn nhiều ngành nghề, dịch vụ; hình thức sản xuất, kinh doanh được quan tâm cải tiến như làm vườn kết hợp với du lịch, tạo thêm việc làm mới cho lao động nông thôn. Từ năm 2015 đến nay, các hộ NDSXKDG đã giúp 108.437 lao động có việc làm, thu nhập từ 5-10 triệu đồng/lao động/tháng.

Thông qua phát động phong trào thi đua NDSXKDG, trên địa bàn tỉnh xuất hiện ngày càng nhiều gương nông dân điển hình tiên tiến với những mô hình kinh tế hiệu quả. Hội viên, nông dân tích cực tham gia xây dựng và phát triển mô hình kinh tế tập thể, toàn tỉnh có 21 trang trại (19 trang trại chăn nuôi, 1 trang trại nuôi trồng và 1 trang trại khác), 179 hợp tác xã (4.003 thành viên), 562 tổ hợp tác (11.549 thành viên). Các cấp hội còn vận động hộ NDSXKDG giúp đỡ vốn, cây, con giống và kinh nghiệm sản xuất cho 5.871 lượt hộ dân với tổng số tiền hỗ trợ 20.807 triệu đồng, qua đó giúp 3.139 hộ nông dân thoát nghèo.

Phong trào nông dân ngày càng hấp dẫn đã thu hút, tạo sự gắn bó chặt chẽ hơn giữa tổ chức hội với hội viên, nông dân, góp phần nâng cao tỷ lệ tập hợp nông dân vào Hội. Trong 5 năm qua, Hội đã kết nạp 33.095 hội viên, từ đó thúc đẩy xây dựng, củng cố tổ chức hội ngày càng vững mạnh, nâng cao chất lượng tổ chức hội và các phong trào nông dân, góp phần phát triển kinh tế, xã hội, nâng cao đời sống nông dân.

Có thể khẳng định, phong trào NDSXKDG ngày càng đáp ứng nguyện vọng chính đáng trong toàn Hội. Từ đó, hội viên, nông dân tích cực đổi mới cách nghĩ, cách làm, vận dụng sáng tạo những tiến bộ khoa học, kỹ thuật vào sản xuất, phát triển kinh tế gia đình, góp phần quan trọng vào công cuộc xóa đói giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới, thúc đẩy kinh tế - xã hội tỉnh nhà ngày càng phát triển.

Toàn tỉnh hiện có 50.226 hộ đạt danh hiệu NDSXKDG, chiếm 38,05% tổng số hộ nông dân, tăng 1,81% so năm 2015. Trong đó, cấp cơ sở chiếm 64%, cấp huyện 25,8%, cấp tỉnh 9,8%, cấp Trung ương 0,4%. Hộ có thu nhập từ 100-500 triệu đồng/ha/năm là 11.393 hộ; hộ đạt từ 500 triệu đồng đến 1 tỉ đồng/ha/năm 1.183 hộ; hộ đạt trên 1 tỉ đồng/ha/năm 130 hộ...

Theo MỸ AN (Báo Hậu Giang)