Thoát nghèo nhờ nuôi bò vỗ béo

14/05/2020 - 09:17

Nhiều năm qua, bà con nông dân trên địa bàn huyện Mỹ Tú phát triển nghề chăn nuôi bò sữa đem lại nguồn thu nhập tốt. Thông qua con bò sữa, người chăn nuôi đã phát triển nuôi thêm con bò thịt, đặc biệt khoảng 10 năm trở lại đây, hộ dân nuôi bò theo hình thức vỗ béo (mua bò lớn mang về nuôi tiếp một thời gian cho bò đạt trọng lượng lớn hơn để xuất bán ra thị trường). Với cách làm trên đã giúp cho hàng chục hộ dân trên địa bàn xã Thuận Hưng (Mỹ Tú) thoát nghèo bền vững.​

Ghé thăm ông Lâm Vân, ở ấp Trà Lây 2, xã Thuận Hưng (Mỹ Tú), ông Vân không ngần ngại chia sẻ cách thức nuôi đàn bò vỗ béo mà ông áp dụng nhiều năm qua. Chính nhờ nuôi bò mà từ hộ nghèo, không ruộng đất sản xuất, phải đi làm thuê làm mướn quanh năm thì nay gia đình ông đã thoát nghèo bền vững, có thu nhập mỗi năm hơn 50 triệu đồng nhờ tiền bán đàn bò vỗ béo.

Ông Lâm Vân, ở xã Thuận Hưng (Mỹ Tú) thoát nghèo nhờ nuôi bò vỗ béo. Ảnh: THÚY LIỄU

Chuồng nuôi bò của ông chừng 20m2 nhưng trong chuồng nuôi lúc nào cũng có tầm 4 - 6 con bò. Ông Vân bộc bạch: “Tôi thoát nghèo cũng nhờ tất cả vào mấy con bò nuôi thịt nhưng trước tiên là nhờ sự hỗ trợ của Nhà nước cho 1 con bò nuôi. Từ con bò cái ban đầu, nó sinh sản ra mỗi năm 1 con và cứ thế nhân đàn lên, 2 con cái sinh sản ra bê nuôi lớn bán thịt. Tôi gắn bó với nghề nuôi bò hơn 15 năm qua”.

 “Sau thời gian dài nuôi bò sinh sản, lấy bê con nuôi lớn bán thịt, lợi nhuận đem lại không nhiều nên tôi chuyển sang nuôi bò vỗ béo được 3 năm nay. Cái hay của nuôi bò vỗ béo là chỉ cần người nuôi chịu khó đi tìm nguồn con giống chất lượng rồi đem về thúc cho bò ăn thêm một số loại thức ăn cần thiết nhằm tăng trọng lượng bò. Để bò mau xuất bán thịt, tôi thường mua bò tầm 8 tháng tuổi về vỗ béo, mua bò phải lựa chọn giống như bò lai Pháp, Brahman có tầm vóc lớn, nuôi lớn nhanh và lượng thịt cũng nhiều. Bò 8 tháng trọng lượng tầm 70kg, giá mua khoảng 15 triệu đồng/con nhưng đem về nuôi vỗ béo thêm 6 tháng, trọng lượng bò tăng lên là 120 - 130kg/con. Khi xuất bán được 25 triệu đồng/con, trừ chi phí người nuôi lợi nhuận hơn 10 triệu đồng/con. Tính ra mỗi năm, tôi nuôi vỗ béo và xuất bán được 5 con bò thịt do diện tích chuồng nhỏ. Tuy nhiên phải qua khâu trung gian là thương lái thu mua nên giá chưa được cao, vì vậy mong muốn được kết nối doanh nghiệp tiêu thụ bò thịt để người chăn nuôi yên tâm chăn nuôi” - ông Vân chia sẻ thêm.

“Tính ra nuôi bò vỗ béo khỏe hơn nhiều lần so với nuôi bò sữa. Chỉ việc cho bò ăn đầy đủ các loại thức ăn cần thiết theo hướng dẫn kỹ thuật của ngành chuyên môn, chuồng nuôi phải thông thoáng, làm mùng cho bò ngủ để hạn chế ruồi, muỗi đốt” - anh Nguyễn Thanh Phương, ở ấp Trà Lây 2, xã Thuận Hưng (Mỹ Tú) chia sẻ về nghề nuôi bò vỗ béo mà anh đã thực hiện 3 năm qua. Theo lời anh Phương, trước đây anh nuôi bò sữa, giá sữa không tốt nên lợi nhuận không nhiều. Mà bò sữa mỗi ngày phải vắt sữa, chăm sóc thật cẩn thận, suốt ngày không rảnh tay. Còn đối với con bò vỗ béo muốn thu lợi nhuận nhiều, trước hết người nuôi cần có kinh nghiệm lựa chọn giống bò mua về nuôi. Thường anh chọn mua bò cao sản mà hộ dân trong xã nuôi được 6 tháng - 10 tháng để đem về vỗ béo từ 4 - 8 tháng là xuất bán, lợi nhuận thu tầm 4 triệu - 6 triệu đồng/con. 1 năm bình quân anh vỗ béo và xuất bán 20 con bò thịt, trừ hết các khoản chi phí, anh bỏ túi số tiền hơn 100 triệu đồng.

Trưởng Trạm Chăn nuôi và Thú y huyện Mỹ Tú Phạm Minh Tú cho biết: “Nghề nuôi bò vỗ béo phát triển mạnh trong vài năm gần đây. Trong những lần đi tập huấn cho nông dân chăn nuôi bò sữa, thấy bò sữa đẻ bê đực bà con bán giá thấp nên tôi trình bày với cấp trên về ý tưởng triển khai mô hình nuôi bò vỗ béo. Ban đầu thử nghiệm nuôi 10 con, thấy đàn bò phát triển tốt, người nuôi có lợi nhuận và hiện mô hình nhân rộng tại 2 xã Thuận Hưng, Phú Mỹ với số bò tăng lên 209 con. Đồng thời, nhằm giúp hộ nuôi duy trì phát triển đàn bò vỗ béo, huyện đã tranh thủ các nguồn vốn từ các chương trình, dự án do các tổ chức và tỉnh triển khai trên địa bàn huyện nhằm hỗ trợ cho người nuôi như: tập huấn kỹ thuật, cung cấp thức ăn chăn nuôi bò đến hộ. Hiện tại, huyện đang tiến hành việc liên kết doanh nghiệp tiêu thụ đầu ra cho con bò vỗ béo tại các xã đã thực hiện mô hình. Huyện cũng đang chuẩn bị các bước thành lập các tổ hợp tác, hợp tác xã để đảm bảo số lượng bò thịt cung ứng doanh nghiệp thường xuyên khi đã ký kết bao tiêu. Tới đây, người chăn nuôi bò vỗ béo yên tâm cho sản phẩm bò thịt sau xuất bán và bán trực tiếp qua doanh nghiệp giá sẽ tốt hơn…”.

Theo THÚY LIỄU (Báo Sóc Trăng)