Thoát nghèo nhờ nuôi le le

12/11/2019 - 09:11

Đến ấp Hòa Thạnh (xã Đồng Thạnh, huyện Gò Công Tây, tỉnh Tiền Giang) hỏi về mô hình nuôi le le của anh Nguyễn Minh Đỡ (sinh năm 1975) dường như ai cũng biết. Nhờ nuôi le le mà gia đình anh đã thoát nghèo, có cuộc sống ổn định.

Sau khi hoàn thành nghĩa vụ quân sự, trở về địa phương năm 1996, cuộc sống gia đình anh Nguyễn Minh Đỡ gặp nhiều khó khăn (thuộc diện hộ cận nghèo). Anh phải đi làm thuê khắp nơi để lo cho gia đình. Với tính cần cù, chịu khó học hỏi mô hình sản xuất hay, năm 2010 anh mạnh dạn đầu tư mô hình nuôi le le.

Anh Nguyễn Minh Đỡ bên đàn le le của gia đình.

Anh Đỡ cho biết, muốn nuôi được le le phải biết rõ đặc tính của chúng để làm chuồng trại thích hợp. Đó là chuồng trại, ao nuôi phải thoáng mát; đắp bờ cao và giăng lưới xung quanh; đồng thời, trồng thêm các loại cỏ dại, rau muống… để tạo môi trường hoang dã cho le le dễ thích nghi. Với khoảng hơn 500 m2 đất, anh Đỡ đã xây dựng chuồng trại nuôi le le khá giống với môi trường mà loài vật này ưa thích trong tự nhiên.

Khi bắt đầu nuôi, anh Đỡ chỉ có 1 cặp le le giống được bạn bè giúp đỡ. Đến nay, anh phát triển được đàn le le bố mẹ lên gần 30 cặp. Trung bình mỗi năm, le le bố mẹ đẻ 2 lứa/năm, mỗi lứa đẻ từ 10 đến 13 trứng và tự ấp khoảng 25 - 27 ngày thì nở con.

Le le con từ 1 - 3 tháng tuổi có thể bán với giá trung bình khoảng 400 - 500 ngàn đồng/cặp, le le trưởng thành từ 6 tháng tuổi trở lên có giá từ 1 - 1,2 triệu đồng/cặp… Đặc biệt, le le không bị bệnh nên cho hiệu quả kinh tế khá cao. Mỗi năm anh bán khoảng 150 cặp le le, trừ chi phí thu lãi gần 60 triệu đồng/năm…

Anh Đỡ cho biết, để có được đàn le le sinh sản như hôm nay, anh đã không ít lần thất bại. Song, với tính cần cù, chịu khó, anh Đỡ tự mày mò tìm hiểu đặc tính sinh trưởng của le le. Đó là trong môi trường tự nhiên hay điều kiện thả nuôi bán hoang dã le le cũng đều đẻ, ấp trứng vào mùa mưa (khoảng tháng 7, 8 hằng năm) và một con le le cái thường đẻ từ 13 - 15 trứng.

Qua quan sát chu kỳ sinh sản đàn le le của gia đình, anh rút ra kinh nghiệm, muốn cho le le đẻ và ấp trứng trong môi trường thả nuôi bán hoang dã, trước hết người nuôi phải chọn không gian nuôi yên tĩnh, rộng; nguồn nước trong ao, hồ phải sạch, nhiều cỏ dại… như trong tự nhiên.

Bước tiếp theo, khi le le trưởng thành, anh lựa chọn từng cặp le le đực và cái nhốt riêng, trong đó để nhiều rơm, rạ, cỏ khô lót sẵn vào thúng, rổ cho le le tự hoàn thiện tổ của chúng. Thức ăn của le le chủ yếu là lúa, lục bình, rong rêu… Le le con từ khi đẻ đến khi xuất chuồng khoảng 8 tháng. Theo anh, le le càng sinh sản nhiều thì người nuôi càng có lợi nhuận cao, vì không tốn chi phí mua con giống.

Thời gian tới, anh Đỡ dự tính thuê đất để phát triển thêm đàn le le của gia đình. Hiện nay, nguồn le le thịt của anh Đỡ chủ yếu cung cấp cho những mối ở TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh lân cận. Anh Đỡ khẳng định, nuôi le le trong môi trường bán hoang dã không chỉ giúp giảm nghèo bền vững, mà còn nhanh làm giàu.

Theo Báo Ấp Bắc