Thu hoạch kịp thời lúa hè thu, xuống giống sớm vụ thu đông tránh lũ

13/07/2022 - 15:07

Năm nay, nguồn nước khá thuận lợi cho sản xuất lúa vụ hè thu và thu đông, đặc biệt các địa phương vùng ĐBSCL ít chịu ảnh hưởng của hạn mặn và lũ được dự báo ở mức thấp so với trung bình nhiều năm. Song, tình hình thời tiết, mưa bão, lũ và triều cường vẫn tiếp tục diễn biến phức tạp đe dọa gây thiệt hại cho sản xuất. Do vậy ngành chức năng các địa phương cần hỗ trợ nông dân thu hoạch kịp thời lúa hè thu và tổ chức sản xuất thắng lợi vụ lúa thu đông, vụ mùa năm 2022.

Kịp thời thu hoạch lúa hè thu

Lúa vụ hè thu 2022 tại vùng ĐBSCL chủ yếu được thu hoạch bằng máy gặp đập liên hợp. Trong ảnh: Thu hoạch lúa tại huyện Thới Lai, TP Cần Thơ.

Năm nay sản xuất lúa vụ hè thu 2022 tương đối thuận lợi. Đồng thời, ngành Nông nghiệp cũng chủ động bố trí sản xuất hợp lý, lịch thời vụ chuyển dịch phù hợp với điều kiện từng vùng sinh thái. Công tác chuyển giao khoa học kỹ thuật được đẩy mạnh bằng nhiều hình thức đa dạng, tạo thuận lợi cho người dân tiếp cận kiến thức, thêm kinh nghiệm trong sản xuất. Mặt khác, các công trình thủy lợi phục vụ sản xuất trong vùng được quan tâm đầu tư, vận hành tốt, đảm bảo ngăn mặn, rửa phèn, tích trữ nước ngọt phục vụ sản xuất. Dù vậy, sản xuất lúa vụ hè thu 2022 vẫn còn gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng của dịch COVID-19, giá cả vật tư nông nghiệp tăng cao và tình hình thời tiết, sâu bệnh diễn biến phức tạp có thể đe dọa đến sản xuất... 

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), vụ hè thu 2022, toàn vùng Nam Bộ xuống giống 1,575 triệu héc-ta lúa, giảm 20.000ha so với vụ hè thu trước. Trong đó, vùng ÐBSCL xuống giống 1,493 triệu héc-ta, giảm 16.000ha; vùng Ðông Nam Bộ xuống giống 82.000ha, giảm 3.600ha. Diện tích lúa hè thu giảm chủ yếu do nông dân chuyển đổi sang trồng cây rau màu hằng năm, cây ăn trái và nuôi trồng thủy sản có hiệu quả kinh tế cao hơn.  Đến ngày 8-7, các địa phương vùng Nam Bộ đã thu hoạch được hơn 400.000ha lúa hè thu 2022. Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Quốc Doanh nhấn mạnh: “Nhiệm vụ trong vụ sản xuất lúa hè thu 2022 vẫn còn rất nặng nề, chúng ta không được chủ quan bởi vẫn còn hơn 1,1 triệu héc-ta lúa chưa thu hoạch. Các trà lúa hè thu trên đồng vẫn còn đối mặt với các nguy cơ bị ảnh hưởng bởi sâu bệnh, thời tiết bất lợi. Ngành Nông nghiệp các địa phương và cơ quan chuyên môn thuộc Bộ NN&PTNT phải theo dõi sát đồng ruộng, chủ động hướng dẫn nông dân chăm sóc và bảo vệ lúa, quyết tâm không để các loại dịch bệnh làm ảnh hưởng đến lúa vì đã đầu tư chi phí rất cao rồi. Đồng thời, lúa chín tới đâu tập trung thu hoạch nhanh gọn tới đó, để tránh rủi ro lúa bị ảnh hưởng bởi mưa gió trên đồng, qua đó cũng kịp thời “giải phóng đất” để làm tiếp vụ sau”.

Vụ lúa hè thu 2022, nông dân vùng ĐBSCL tiếp tục sản xuất các loại lúa cho gạo thơm ngon, đặc sản và chất lượng cao để nâng cao giá trị sản xuất. Đồng thời đẩy mạnh cơ giới hóa, ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật để giảm chi phí, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm và tạo thuận lợi về đầu ra. Ông Trần Tấn Phương, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Sóc Trăng, cho biết: “Vụ hè thu 2022, tỉnh xuống giống được hơn 140.000ha lúa, trong đó lúa chất lượng trung bình chiếm chỉ hơn 3% diện tích, còn lại gần 97% là lúa thơm, đặc sản và chất lượng cao”. Theo Sở NN&PTNT TP Cần Thơ, đến ngày 6-7, nông dân trên địa bàn thành phố đã thu hoạch được 67.885/73.506ha lúa vụ hè thu, sớm hơn 1.958ha so với cùng kỳ, năng suất ước đạt 59,5 tạ/ha, cao hơn 1,52 tạ/ha so với cùng kỳ...

Theo Cục Trồng trọt thuộc Bộ NN&PTNT, năng suất lúa vụ hè thu 2022 tại ÐBSCL ước đạt 57,14 tạ/ha, tăng 0,51 tạ/ha, sản lượng ước đạt 8,53 triệu tấn. Còn năng suất lúa bình quân của toàn vùng Nam Bộ trong vụ hè thu 2022 ước đạt 57,12 tạ/ha, tăng 0,4 tạ/ha và sản lượng ước đạt 9 triệu tấn.

Tổ chức sản xuất tốt vụ thu đông và vụ mùa

Lúa vụ thu đông 2022 tại Nam Bộ chủ yếu sản xuất ở ĐBSCL, với diện tích gieo trồng dự kiến đạt 700.000ha. Còn vụ mùa 2022, toàn vùng Nam Bộ có kế hoạch gieo sạ 268.500ha lúa, gồm 172.000ha tại ÐBSCL và 96.500ha tại Ðông Nam Bộ. Để sản xuất thắng lợi lúa vụ thu đông và vụ mùa năm 2022, các cơ quan chuyên môn thuộc Bộ NN&PTNT khuyến cáo, các địa phương cần chủ động bố trí thời vụ sản xuất và thời gian xuống giống phù hợp theo từng tiểu vùng để tránh ảnh hưởng của lũ vào cuối vụ, triều cường và các điều kiện sản xuất bất lợi...

Tổng cục Thủy lợi thuộc Bộ NN&PTNT, dự báo triều cường năm 2022 ở mức rất cao và cao hơn trung bình nhiều năm, vì vậy các tỉnh ở vùng Giữa và vùng Ven biển cần hết sức lưu ý và gia cố các hệ thống đê bao, bờ bao để ứng phó với triều cường và lũ kết hợp triều cường. Ông Lê Thanh Tùng, Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt, cũng lưu ý vùng Giữa (một phần của vùng phù sa cặp sông Tiền, sông Hậu từ Tiền Giang qua, Vĩnh Long, Cần Thơ và một phần của Hậu Giang, Trà Vinh, Sóc Trăng...) là vùng rất nguy hiểm trước nguy cơ bị lũ vì hệ thống đê bao chưa tốt, các địa phương cần có phương án chủ động bố trí thời vụ phù hợp để tránh lũ cuối vụ.

Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Quốc Doanh yêu cầu Cục Trồng trọt phối hợp với các địa phương, đơn vị liên quan rà soát, xác định cụ thể quy mô, diện tích sản xuất lúa thu đông 2022 tại từng địa phương và tính toán khung thời vụ phù hợp để đảm bảo an toàn và hiệu quả. Năm nay, dự báo lũ ở mức thấp nhưng không chủ quan, cần đề phòng lũ kết hợp với mưa bão và triều cường. Các cơ quan chuyên môn thuộc Bộ và địa phương cần kịp thời cập nhật, thông tin, dự báo về thời tiết, mưa lũ, triều cường và chủ động phòng tránh các loại dịch hại. Tiếp tục hỗ trợ, khuyến khích người dân tăng cường sản xuất lúa chất lượng cao, áp dụng các tiến bộ kỹ thuật và quy trình canh tác tiên tiến để giảm mạnh chi phí, nâng cao chất lượng và giá bán sản phẩm. Đẩy mạnh tuyên truyền, giúp nông dân giảm mạnh lượng sử dụng giống, phân bón và thuốc bảo vệ thực vật. Tăng cường công tác kiểm tra, quản lý các loại phân bón, thuốc bảo vệ thực vật bán trên thị trường để đảm bảo chất lượng và giá bán, tránh hàng giả…

Theo KHÁNH TRUNG (Báo Cần Thơ)