Thư viện tỉnh Sóc Trăng, 30 năm kết nối và lan tỏa tri thức

05/04/2022 - 09:51

Qua 30 năm thành lập và phát triển, đến nay, Thư viện tỉnh Sóc Trăng đã có những bước tiến vượt bậc, góp phần phục vụ, cung cấp tài liệu, sách, báo cho bạn đọc nghiên cứu, thu thập thông tin, giải trí, giúp nâng cao trình độ dân trí, phát triển kinh tế - xã hội địa phương.

Bạn đọc tra cứu tài liệu. Ảnh: KGT

Tháng 4-1992, tỉnh Sóc Trăng được tái lập. Ngược dòng thời gian trở về những ngày đầu sau khi tái lập tỉnh, với những khó khăn chung của tỉnh mới vừa tái lập, trong đó có khó khăn của ngành Văn hóa Thông tin (nay là ngành Văn hóa - Thể thao và Du lịch) nói chung, ngành Thư viện nói riêng.

Lúc bấy giờ, Thư viện TX. Sóc Trăng được nâng lên thành thư viện của tỉnh Sóc Trăng với nhiều khó khăn bước đầu. Đồng chí Nguyễn Văn Tùng - Giám đốc Thư viện tỉnh Sóc Trăng nhớ lại: “Bước đầu hoạt động của Thư viện tỉnh gặp rất nhiều khó khăn, từ cơ sở vật chất đến kinh phí, nhân sự. Trụ sở thư viện là một căn nhà tròn, với diện tích chỉ hơn 200m2, vừa làm kho chứa sách, vừa là nơi tổ chức các hoạt động phục vụ bạn đọc. Vốn tài liệu ban đầu của Thư viện tỉnh chỉ có 43.000 bản sách, hầu hết đều đã cũ kỹ, lạc hậu và hư rách nhiều, số sách còn sử dụng được chỉ khoảng 30.000 bản. Trang thiết bị rất hạn chế, không đáp ứng được yêu cầu chuyên môn; rất ít cán bộ có trình độ chuyên môn nghiệp vụ. Về tình hình mạng lưới thư viện huyện, thị xã và cơ sở, khi tỉnh Sóc Trăng được tái lập năm 1992 thì trên toàn tỉnh có 4/7 thư viện huyện, thị xã còn hoạt động, mạng lưới phòng đọc sách ở cơ sở hầu như không có”.

Tuy vậy, bằng sự quyết tâm nỗ lực của ngành Thư viện, sự quan tâm hỗ trợ của các cấp, các ngành, sự chỉ đạo trực tiếp của Sở Văn hóa Thông tin (nay là Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch) cộng với những điều kiện thuận lợi từ những chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước đã tạo nên những động lực to lớn, giúp hệ thống thư viện dần được củng cố và ngày càng phát triển mạnh mẽ. Đến năm 2001, công trình trụ sở Thư viện tỉnh đã được khởi công xây dựng tại số 2A Trần Quang Diệu, Phường 2, TP. Sóc Trăng (Sóc Trăng), đến 10-2003 hoàn thành đưa vào sử dụng với nhiều trang thiết bị hiện đại, ứng dụng công nghệ thông tin phục vụ đắc lực cho hoạt động chuyên môn.

Bên cạnh đó, hàng năm, hệ thống thư viện trong tỉnh bổ sung từ 7.000 - 10.000 bản sách. Đến nay, vốn tài liệu tại Thư viện tỉnh có trên 100.000 bản sách, tạo điều kiện để tổ chức các hoạt động phục vụ nhiều đối tượng bạn đọc đến thư viện. Thư viện tỉnh đã phục vụ hàng trăm ngàn lượt bạn đọc mỗi năm. Song song đó, hàng năm Thư viện tỉnh còn phối hợp tổ chức Hội báo Xuân; hỗ trợ các huyện, thị xã, thành phố tổ chức các hoạt động trưng bày, triển lãm phục vụ bạn đọc, tổ chức các hoạt động chào mừng Ngày Sách Việt Nam; trưng bày, giới thiệu sách chào mừng các ngày lễ lớn; thực hiện luân chuyển hàng ngàn bản sách đến thư viện các huyện, thị xã, thành phố và phòng đọc sách cơ sở. Ngoài ra, Thư viện tỉnh Sóc Trăng đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin vào các hoạt động chuyên môn; số hóa 100% tài liệu địa chí tỉnh Sóc Trăng. Thực hiện thư viện lưu động “Ánh sáng tri thức”… 

Đồng chí Nguyễn Văn Tùng cho biết thêm: “Sau 30 năm xây dựng và phát triển, hệ thống thư viện trong tỉnh đạt nhiều thành tựu to lớn, nhiều tập thể và cá nhân được trao tặng nhiều phần thưởng cao quý, trong đó, Thư viện tỉnh đã đón nhận Huân chương Lao động hạng Ba của Chủ tịch nước trao tặng. Ngoài ra, thư viện cũng đạt nhiều giải thưởng tại các cuộc thi khu vực và toàn quốc. Thư viện đã thu thập, bảo quản, tổ chức khai thác và sử dụng các tài liệu được xuất bản tại địa phương, viết về địa phương, các tài liệu trong nước và nước ngoài, phù hợp với đặc điểm, yêu cầu xây dựng và phát triển về chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, an ninh, quốc phòng trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Mặc dù hiện tại hoạt động phục vụ bạn đọc trực tiếp tại thư viện có giảm, tuy nhiên bạn đọc truy cập vào trang website thư viện để tra cứu, tìm kiếm tài liệu lại chiếm số lượng lớn. Thời gian tới, đơn vị từng bước nâng cao hoạt động thư viện theo hướng hiện đại, thư viện điện tử; tiếp tục phát huy các thế mạnh của thư viện; củng cố cơ sở vật chất, con người ở thư viện tuyến huyện, thư viện, phòng đọc sách cơ sở, quan tâm thư viện xã nông thôn mới”.

Theo Báo Sóc Trăng