Thức ăn đường phố

10/08/2018 - 08:32

Trong thời buổi công nghiệp, thức ăn đường phố là một phần không thể thiếu trong cuộc sống. Không cầu kỳ, đắt đỏ như những món ăn ở các nhà hàng, thức ăn đường phố là những món ăn gần gũi, giản dị gắn liền với cuộc sống đời thường của người dân.

Khoảng 5 giờ chiều, khi phố phường lên đèn đó cũng là lúc những chiếc xe đẩy được người bán hàng chất đầy những món ăn hay những tiệm ăn vặt, quán ăn lề đường xung quanh khu vực công viên Hai Bà Trưng, Nguyễn Huệ… được bày biện để phục vụ đông đảo thực khách.

Các món ăn dân dã, như: xôi, chè, bánh bò, bánh da lợn, bánh bèo, bánh bông lan, hột vịt lộn, trứng cút lộn… tha hồ cho thực khách lựa chọn. Cứ chiều tà, các thực khách lại dập dìu kéo đến, kẻ mua người bán, cười nói vui vẻ huyên náo cả một đoạn đường.

Có nhiều gian hàng chuyên bán các loại xúc xích, đậu bắp, bò viên chiên, cá viên chiên hoặc thập cẩm cả chục món ăn; có cả bánh Takoyaki (bánh mực của Nhật), bánh tráng trộn, bánh trứng nướng, cơm cháy kho quẹt... Tuy là những món ăn được bày bán lề đường nhưng được bài trí rất đẹp mắt, nêm nếm vừa miệng nên không chỉ có khách hàng là giới trẻ, mà nhiều người lớn cũng ghé mua về nhà ăn tối.

Các gian hàng bán thức ăn đường phố đậu san sát nhau

Em Nguyễn Thanh Hải (16 tuổi, ngụ phường Mỹ Bình, TP. Long Xuyên) cho biết: “Chiều tối, em thường hẹn bạn bè ra khu vực công viên Hai Bà Trưng để uống trà sữa, trà tắc bệt. Chỉ cần một cái rổ úp ngược làm bàn và thực khách ngồi bệt xuống đất (có lót tấm cao su), là vừa ngồi ngắm sao nhìn người đi đường, thưởng thức những món ăn vặt khoái khẩu, vừa trò chuyện với đám bạn cũng thú vị lắm! Vào quán thì cảm thấy ngột ngạt, ngồi ở công viên thấy mình như hòa với thiên nhiên, thoải mái và sảng khoái hơn. Những hôm thời tiết nóng nực có ly trà tắc lạnh giải khát thì còn gì bằng”.

Trên các con đường Trần Hưng Đạo, Lê Lợi, Hùng Vương, Hà Hoàng Hổ, Bùi Thị Xuân, Bùi Văn Danh, Võ Thị Sáu, Ung Văn Khiêm, Phạm Cự Lượng... và nhiều con hẻm xung quanh đã trở thành khu ẩm thực đêm, thu hút rất đông khách đến thưởng thức hàng trăm món ăn tại các khu vực này. Từ các món mang hương vị miền Tây như: bún cá, bún cua, cơm tấm, bún mắm… đến những món ăn mang hương vị biển như: các loại ốc nướng mỡ hành, nướng phô mai, nghêu hấp... tất cả đều có đủ.

Nhiều người là học sinh, sinh viên, nhân viên văn phòng, người lao động cứ chiều tối là tìm đến đây, họ coi những con đường, ngõ hẻm như là chỗ để nạp năng lượng, với nhiều món ăn nhẹ bao no mà giá lại bình dân. Có thể nói, những con đường này, đã trở thành “niềm nhớ” cho những ai đang rỗng bụng và muốn xoa dịu cơn đói bằng những món ăn ngon, hấp dẫn.

“Thức ăn đường phố từ lâu đã trở thành nhu cầu của người dân, nhất là ở thành thị. Những bữa ăn vừa nhanh, gọn, rẻ chính là lựa chọn hàng đầu của hầu hết người dân lao động, sinh viên hoặc những người có thu nhập thấp, trung bình... như chúng tôi. Thời buổi công nghiệp, thời gian eo hẹp, điều kiện sinh hoạt không cho phép, đành phải “cơm đường, cháo chợ”, dù rất muốn một bữa cơm gia đình. Đối với gia đình tôi, thức ăn đường phố là một phần tất yếu của cuộc sống. Cả ngày đi làm đến tối mịt mới về, mệt mỏi, lại phải lo cho con cái thì thời gian đâu để đi chợ, nấu nướng nên đành phải ăn ở hàng quán thôi.Có những chỗ bán thức ăn ở lề đường, vỉa hè nhưng khá đông khách vì “ngon, bổ, rẻ”; điển hình: 1 tô bún cua 15.000 đồng mà có cua, huyết, chả, thịt hay dĩa cơm tấm 16.000 đồng, với hạt tấm nhuyễn, thịt khìa, trứng kho, chang nước mắm kèo kẹo, trộn đều lên và thưởng thức. Thế là vừa nhanh, gọn, lại rẻ, tiện quá còn gì bằng”- chị Lê Thị Hồng (37 tuổi, ngụ phường Mỹ Xuyên, TP. Long Xuyên) chia sẻ.

Ngày nay, thức ăn đường phố ngày càng trở nên phổ biến, tiện lợi cho người tiêu dùng, với nguồn thức ăn đa dạng và đầy sức hấp dẫn. Mặt khác, đây còn là nguồn thu nhập đáng kể cho nhiều người, nhất là phụ nữ, những người di cư từ nông thôn ra thành thị. Loại hình này đã mang đến cơ hội việc làm, tạo bước khởi đầu cho những ai có vốn kinh doanh ít. Tuy còn nhiều vấn đề phải bàn về an toàn vệ sinh thực phẩm hay trật tự an toàn giao thông đô thị, nhưng những con đường bán đồ ăn vặt từ lâu đã là địa chỉ thân quen để nhiều gia đình, người thân, bạn bè hẹn hò cùng nhau thưởng thức những món ăn ngon.

Mong rằng, ngành chức năng sớm có những giải pháp thiết thực, tổ chức quy hoạch những tuyến đường có vỉa hè rộng, thông thoáng, kẻ vạch giới hạn và cho phép bán hàng rong, kèm theo  đó là tuyên truyền và tăng cường kiểm tra các điều kiện về vệ sinh môi trường, an toàn thực phẩm... Tin rằng, nếu có sự sắp xếp phù hợp, chúng ta có được mỹ quan đô thị, lối đi riêng cho người đi bộ, đồng thời giữ được sinh kế cho nhiều người.

THẢO NGUYỄN