Vậy rồi, tôi theo chuyến xe rong ruổi về Phú Tân. Mới 5 giờ chiều, Trung tâm Văn hoá - Truyền thông và Thể thao huyện đã xôm tụ bởi tiếng đờn rao thử dây và nụ cười tạn mặt của nhiều khách tài tử với biên độ tuổi trải rộng từ thanh xuân đến ngoại thất tuần. Tình tự thả hồn theo hò xự cống xang xê, tôi thấy có quá nhiều gương mặt, câu chuyện đam mê sưởi ấm lòng mình.
Nghệ thuật xua tan bộn bề cuộc sống
Chiều tất bật. Quyết để 3 khách trang điểm cô dâu lại tiệm cho thợ làm, tài tử Huỳnh Phương Huệ (ấp Cái Ðôi, xã Phú Tân) cố gắng thu xếp công việc nhà để có thể kịp đến sinh hoạt CLB đúng giờ. Chỉn chu, lịch sự như những tài tử quanh mình, chị cất thanh âm hoà vào “men say nghệ thuật”.
Thoáng chốc, câu chuyện kể lại cứ nối dài mạch yêu thương. Ba má chị Huệ ngày xưa vốn rất khoái đờn ca nên hết lòng giúp nghệ nhân mù Bường (một nghệ nhân danh tiếng là thầy của nhiều soạn giả, thầy đờn giỏi sau này) ở lại nhà mình để ông vừa dạy nghệ thuật cho các con, vừa thuận tiện hoạt động bí mật. Nhà có thầy đờn giỏi nên hầu hết các anh chị em, ai cũng biết đờn, ca tuỳ theo sở thích. Hồi nhỏ má hay ca Lý con sáo ru các con ngủ, đến 6 tuổi chị biết ca theo. Năm 14 tuổi, chị đã tự tin thể hiện những bài bản Bắc, Oán hay tân cổ giao duyên tại các sòng đờn ca, đám tiệc ở địa phương.
Rồi lập gia đình, chuyện đam mê đành gián đoạn một thời gian. Ðến khi các con dần lớn, nhớ nghề quá không chịu nổi, chị quay lại. Từ đó, người ta thấy tài tử Phương Huệ thường xuyên góp mặt trong các phong trào văn nghệ. Hơn 20 năm trước, chị và chồng bàn bạc sắm dàn nhạc, tập hợp những người có chung đam mê, sở thích, thành lập CLB Ðờn ca tài tử, cùng nhau giữ lửa phong trào một khoảng thời gian rất dài.
Những năm sau này, vì tất bật với công việc cho thuê áo cưới và trang điểm cô dâu, không có điều kiện tham gia ban chủ nhiệm nữa, nhưng hễ ở địa phương có chương trình văn nghệ, buổi sinh hoạt đờn ca hay hội thi là chị lại sẵn sàng tham gia. Ðồng thời chị cũng là một trong những thành viên sốt sắng của CLB Ðờn ca tài tử huyện Phú Tân.
“Không khí những buổi sinh hoạt tại đây hào hứng, phấn khởi lắm. Vừa sảng khoái tinh thần, xua tan đi mệt nhọc để tiếp tục công việc của mình; một mặt lại có dịp trau dồi nghệ thuật bài bản, rồi từ nội dung các câu ca thấy yêu thêm quê hương mình”, tài tử Phương Huệ bộc bạch.
Dù nhịp sống hối hả trôi nhưng âm điệu ngũ cung vẫn luôn được các tài tử, nghệ nhân nối nhau giữ gìn bằng niềm đam mê cháy bỏng. Ảnh: TRẦN QUỐC BÌNH
U70 gầy dựng phong trào đờn ca
Mặc dù đã bước vào tuổi 70, nhưng hơn 3 năm qua, cứ mỗi khi đến ngày sinh hoạt CLB Ðờn ca tài tử huyện là tài tử lão thành Út Lập (Nguyễn Văn Lập, ấp Cái Ðôi, xã Phú Tân) đều tự lái xe đến tham gia đều đặn. Vốn là công chức Nhà nước, đến khi về hưu có thời gian rảnh rỗi đi đây đó giao lưu văn nghệ, một ngày ông suy nghĩ: Tại sao cứ hát vui mà không lập thành một CLB để sinh hoạt có tổ chức hẳn hòi? Vậy là năm 2019, ông phát động phong trào, cùng các bạn đờn ca thành lập CLB Ðờn ca tài tử ấp Cái Ðôi, xã Phú Tân và được bầu làm Chủ nhiệm.
Tuổi cao, ban đầu lại chỉ có thể ca được bài vọng cổ hoặc các điệu Nam Ai, Nam Xuân… nên ông cố gắng học thêm nhiều thể điệu, bài bản mới đủ các thể loại Nam, Bắc, Oán, Hạ, như một cách làm gương cho mọi người.
Tôi khá bất ngờ khi nghe tài tử lão thành bật mí rằng, CLB Ðờn ca tài tử ấp Cái Ðôi chỉ khoảng hơn 10 thành viên nhưng mỗi tháng có 3 lần họp mặt: một lần sinh hoạt chính thức vào ngày 16 và hai ngày 6, 26 là để tập dượt chương trình. Hầu hết các thành viên đều lớn tuổi lại không phải “dân nghề” nên ai cũng quyết tâm học và cố gắng tập luyện. Tập thể cùng nhau đóng góp để mua sắm đầy đủ thiết bị âm thanh, nhạc cụ... Hoạt động của CLB theo thời gian có sự tiến bộ rõ rệt.
Miệt mài chia sẻ, đoạn lại chầm chậm bước lên sân khấu ca giao lưu, thanh âm của vị tài tử lão thành đã nhuốm màu thời gian nhưng thanh xuân dường như vẫn cứ đầy đặn trong ánh mắt, cách cầm micro thả hồn theo từng giai điệu…
Bước vào tuổi thất thập, tài tử lão thành Út Lập (ấp Cái Ðôi, xã Phú Tân) vẫn bền bỉ gắn bó và giữ lửa phong trào tại địa phương mình.
Ðã mê rồi thì theo đuổi tới cùng
Khi chương trình gần kết thúc, có một nữ tài tử ca trạc tuổi ngoài 60 tìm đến gặp tôi với vẻ rụt rè xin quá giang một đoạn đường.
Trên chuyến xe về lại thêm một dịp nối liền mạch xúc động trước niềm đam mê cháy bỏng. “Mê lắm chú ơi, nghe ở đâu có sòng đờn ca là tranh thủ tới liền, ngặt nỗi đi suốt như vầy thì tiền đâu mà đi xe ôm. Thôi đành chịu khó quá giang từng chập, có bữa đi sinh hoạt CLB của huyện mà không quá giang chuyến về được là đành tìm nhà người quen xin ngủ lại. Nhờ con đưa rước cũng được, nhưng thấy nó ngồi đợi mình ca hát, tội nó lắm…”, tài tử Phạm Thị Hoá chia sẻ chân tình.
Gắn bó với đờn ca từ hồi còn con gái, mấy chục năm theo đuổi chưa lúc nào thấy chán. Ông xã cũng biết đờn, những lúc rảnh là hai vợ chồng thường cùng nhau tập luyện, có khi tới khuya lắc luôn. Miễn chỗ nào có sòng đờn ca, nhận được lời mời là dù gần hay xa bà cũng tìm đến giao lưu nhiệt tình. Thậm chí nhiều năm trước, do mê quá nên mót tiền mua dàn âm thanh, lập CLB Ðờn ca tài tử ấp Bàu Chấu rồi mời các bạn tài tử cùng về sinh hoạt tại nhà. Mỗi buổi tổ chức tại nhà, dù không khá giả nhưng cỡ nào cũng phải có bữa cơm đãi khách cho ấm cúng cuộc vui.
Chơi tài tử mà ca vọng cổ hay bài bản vắn thì thường quá, nghĩ vậy nên bà cố gắng tự học nhịp nhàng các bài bản khó như Giang nam, Tứ đại, Phú lục… qua sách vở, kênh Youtube rồi sưu tầm lời bài ca học thuộc để mỗi lần có dịp giao lưu là lấy ra “đãi bạn”. Miễn có dịp tham gia các cuộc thi văn nghệ cấp xã, huyện, bà lại hăng hái góp mặt, tất cả đều xuất phát từ đam mê chân phương, chẳng nghĩ ngợi, mong cầu bất cứ điều gì.
Xe dừng tại điểm xuống, dõi theo bước chân bà bước đi. Từng gương mặt gói ghém bao niềm đam mê khi nãy chầm chậm được điểm lại với thật nhiều sự trân quý. “Ðờn ca tài tử là một cái cây. Không thể nào đứng ở trên hái xuống mà phải vun vén, tưới tắm từng ngày để nở từng lộc non, nhuỵ thắm và từng trái ngọt…”, câu nói của tài tử Kim Trang lúc từ giã vừa như lời thủ thỉ tâm tình, vừa như sự gửi gắm, một lần nữa xao xuyến lòng tôi.
Theo MINH HOÀNG PHÚC (Báo Cà Mau)