Đóng hàng xuất khẩu dừa xiêm xanh. Ảnh: CTV
Ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn đã tổ chức tiến hành kiểm tra, đánh giá và cấp mã số đối với các vùng trồng dừa tươi có nhu cầu xuất khẩu sang Trung Quốc và đáp ứng đủ điều kiện theo Công văn số 1776/BNN-BVTV ngày 23-3-2023 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các yêu cầu được nêu trong “Nghị định thư về yêu cầu kiểm dịch thực vật đối với dừa tươi Việt Nam xuất khẩu sang Trung Quốc”. Toàn tỉnh có 133/134 vùng trồng cơ bản đáp ứng các điều kiện về sản xuất theo quy định hiện hành; đăng ký cấp mã số vùng trồng dừa tươi xuất khẩu với diện tích trên 8.000ha và gần 13.000 hộ tham gia.
Để cạnh tranh với các thương nhân nước ngoài, ngành dừa đẩy mạnh quảng bá xây dựng chỉ dẫn địa lý; áp dụng công nghệ tiên tiến vào sản xuất nhằm giảm chi phí đầu tư, giảm giá thành sản xuất để tăng khả năng cạnh tranh trên thị trường trong và ngoài nước. Đến nay, với hơn 200 sản phẩm từ dừa của địa phương đã xuất khẩu được hơn 90 quốc gia và vùng lãnh thổ. Phần lớn các sản phẩm của ngành chế biến dừa có giá trị gia tăng cao: cơm dừa nạo sấy, bột sữa dừa, sữa dừa đóng lon, than hoạt tính... Chế biến các sản phẩm từ dừa có sản lượng tăng khá so với cùng kỳ như nước dừa đóng lon tăng 14,14%; nước cốt dừa tăng 4,55%. Xuất khẩu các sản phẩm từ dừa tăng trưởng khá so với cùng kỳ như nước cốt dừa tăng 15,38%; cơm dừa nạo sấy tăng 11,11%.
Cây dừa được canh tác để tạo ra nông sản là trái dừa mang lại giá trị kinh tế cho nông hộ; hai loại hình khai thác trái dừa ở tỉnh là dừa xiêm xanh uống nước và dừa nguyên liệu. Giai đoạn sơ chế và chế biến thông qua các doanh nghiệp đã tạo ra hàng trăm sản phẩm từ dừa. Riêng nước dừa đã được chế biến thạch dừa, nước màu dừa, nước dừa đóng hộp, mặt nạ dừa…
Từ nguyên liệu cơm dừa qua công đoạn vắt ép lấy nước cốt dừa để làm nguyên liệu sản xuất sữa dừa được sử dụng rộng rãi trong chế biến ẩm thực, phục vụ ngành du lịch và dịch vụ (giai đoạn 2016 - 2020 sản xuất trên 320 triệu lít); làm kẹo dừa; phần phế phẩm (xác cơm dừa sau khi vắt nước cốt) sẽ được kết hợp với các phụ liệu tạo ra sản phẩm bánh hoa dừa, cho giá trị cao, sản phẩm này đã có mặt trong chuỗi cửa hàng, siêu thị của WinCommerce trên toàn quốc.
Ứng dụng công nghệ tách dầu ly tâm không gia nhiệt, phần vỏ lụa (lớp vỏ giữa cơm dừa và gáo dừa) và phần cơm dừa bám dính ở vỏ lụa này được thu gom để tiếp tục thu hồi lượng dầu dừa còn sót lại, xác bã sẽ trở thành nguyên liệu đầu vào của các cơ sở chế biến thức ăn chăn nuôi gia súc và thủy sản. Ngoài ra, từ nguyên liệu là dầu dừa, các cơ sở chế biến đã ứng dụng khoa học công nghệ để sản xuất thành công nước rửa tay từ dầu dừa bằng phương pháp xà phòng hóa kết hợp tinh dầu.
Phần vỏ trái dừa (khô) khi ứng dụng công nghệ se chỉ xơ dừa và nén mụn dừa, gắn với sản xuất phân bón hữu cơ thì giá trị của sản phẩm từ dừa nâng lên gấp nhiều lần. Tỉnh đã sản xuất thành công sản phẩm đất sạch từ mụn dừa, làm phân bón hữu cơ hoặc cơ chất làm giá thể góp phần tái phục vụ trong ngành nông nghiệp, trả lại sự màu mỡ cho đất. Hiện nay, hầu hết các doanh nghiệp, trang trại trồng trọt đều sử dụng mụn dừa làm chất nền ươm, nuôi cây trồng.
Riêng đối với phần gáo dừa, được sử dụng làm than thiêu kết và than hoạt tính phục vụ cho ngành hóa lọc và đặc biệt là lĩnh vực thủ công mỹ nghệ, tạo ra sản phẩm có giá trị cao.
Các sản phẩm từ dừa phục vụ cho xây dựng rất đa dạng từ cột trụ, xà gỗ, ván gỗ các loại, ván lót sàn nhà, vách ngăn... Các sản phẩm chế tác từ gỗ dừa và gáo dừa rất phong phú từ đồ nội thất, các sản phẩm nhà bếp… Trong đó, sản phẩm giấy dừa và ống hút dừa được đánh giá cao. Giấy xơ dừa có thể làm giấy 3D xuyên sáng, giấy mỹ thuật, bao bì thực phẩm - mỹ phẩm, túi xách, hoa giấy… Ống hút là sản phẩm được sản xuất từ nước dừa, thân thiện với môi trường và an toàn với người sử dụng, góp phần vì cộng đồng bảo vệ môi trường, hạn chế rác thải nhựa.
Theo HOÀNG PHƯƠNG (Báo Đồng Khởi)