Tích cực ứng phó thiên tai

16/06/2021 - 09:57

Thực hiện tinh thần chỉ đạo chung của Tỉnh ủy và UBND tỉnh Hậu Giang trong ứng phó các loại hình thiên tai là phải luôn trong tư thế chủ động và sẵn sàng, các ngành chức năng từ tỉnh đến cơ sở đã và đang thực hiện nhiều giải pháp.

A A

Ngành chức năng huyện Châu Thành cắm nhiều bảng cảnh báo sạt lở bờ sông để người dân phòng ngừa hiệu quả.

Nỗi lo sạt lở và giông lốc

Mặc dù mới vào đầu mùa mưa, nhưng tình hình thời tiết trên địa bàn tỉnh trong thời gian gần đây luôn diễn biến phức tạp, khó lường. Theo đó, một trong những nỗi lo lớn của ngành chức năng và người dân trên địa bàn tỉnh vào lúc này là tình hình sạt lở bờ sông ngày càng diễn ra nghiêm trọng, nhất là tại một số địa phương đầu nguồn của tỉnh như huyện Châu Thành, thành phố Ngã Bảy và huyện Châu Thành A. Chỉ tính riêng từ đầu năm đến nay, huyện Châu Thành là địa phương có số vụ sạt lở bờ sông nhiều nhất của tỉnh khi có đến 22/24 điểm (2 điểm còn lại là ở thành phố Ngã Bảy). 

Người dân tại nhiều địa phương vùng hạ nguồn của tỉnh đang tích cực gia cố bờ bao bảo vệ diện tích lúa, nuôi trồng thủy sản, hoa màu… trước khi mùa lũ về. 

Minh chứng là chỉ trong ngày 9-6 vừa qua, huyện Châu Thành xảy ra liên tiếp 3 vụ sạt lở bờ sông lần lượt ở kênh Cái Muồng, ấp Phước Thuận, thị trấn Ngã Sáu; kênh Mái Dầm, ấp Phú Đông, thị trấn Mái Dầm và vụ sạt lở xảy ra nghiêm trọng nhất là ở kênh Mái Dầm, thuộc ấp Đông Sơn, xã Đông Phước. Vụ sạt lở với chiều dài 27m, sâu vào bờ nơi rộng nhất 11m, diện tích mất đất gần 300m2. Sạt lở đã làm sụp mất một căn nhà tiền chế nền lót gạch của người dân cùng với 2 xe máy, 1 xe đạp điện và tất cả đồ gia dụng, tiền mặt; ước thiệt hại gần 400 triệu đồng.

Ông Nguyễn Thanh Phong, Chủ tịch UBND huyện Châu Thành, thông tin: Tình hình sạt lở bờ sông trên địa bàn huyện luôn diễn biến phức tạp, nhất là vào mùa mưa như hiện nay làm cho nền đất mềm kết hợp với việc thay đổi dòng chảy của nguồn nước làm cho tình hình càng diễn ra nghiêm trọng hơn. Nhìn chung, tháng nào trên địa bàn huyện cũng có xảy ra sạt lở bờ sông, từ đó gây ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống, sản xuất và đi lại của người dân. Về công tác khắc phục hậu quả, ngay từ đầu năm, địa phương đã chủ động xây dựng kế hoạch và lên phương án phòng, chống thiên tai nên các ngành chức năng của huyện luôn trong tư thế chủ động, sẵn sàng ứng phó khi có sự cố thiên tai xảy ra và thực hiện tốt phương châm “4 tại chỗ”. Nhờ vậy, bà con bị ảnh hưởng sạt lở được hỗ trợ kịp thời trong công tác khắc phục để ổn định cuộc sống; đồng thời ngành chức năng cũng thực hiện việc cắm các biển báo nguy hiểm và kéo rào chắn tại khu vực sạt lở để người dân biết mà né tránh trong lúc chờ khắc phục.

Bên cạnh sạt lở thì tình hình giông lốc trong thời gian gần đây trên địa bàn tỉnh cũng xảy ra nghiêm trọng khi làm sập và tốc mái nhiều căn nhà của người dân. Qua ghi nhận từ Văn phòng Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai - Tìm kiếm cứu nạn (PCTT-TKCN) tỉnh, từ đầu năm đến nay (trọng tâm là từ tháng 4), giông lốc đã làm sập hoàn toàn 8 căn nhà dân, tốc mái 16 căn; trong đó thành phố Vị Thanh có 8 căn, huyện Vị Thủy có 9 căn, thị xã Long Mỹ có 5 căn và huyện Long Mỹ có 2 căn. Ngoài ra, giông lốc còn làm tốc mái một xưởng sản xuất và hư một trạm biến điện của một doanh nghiệp trên địa bàn thị xã Long Mỹ.

Tích cực triển khai nhiều giải pháp

Bà Trần Hoa Phượng, Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố Vị Thanh, cho hay: Giống như một số địa phương ở hạ nguồn của tỉnh, trên địa bàn thành phố Vị Thanh cũng thường xuyên xảy ra giông lốc làm sập và tốc mái nhà của người dân trong mùa mưa. Do đó, trước khi mùa mưa đến, Ban Chỉ huy PCTT-TKCN thành phố luôn tăng cường công tác tuyên truyền, vận động người dân chủ động thực hiện các giải pháp phòng ngừa nhằm giảm thiểu thiệt hại khi có giông lốc xảy ra như: thực hiện chằng chống nhà cửa thiếu an toàn, mé những nhánh cây lớn xung quanh nhà cũng như ngoài đường có nguy cơ đổ ngã, kiểm tra mái tôn nhà được chắc chắn… Ngoài ra, cũng xây dựng và triển khai các nhiệm vụ phòng, chống thiên tai theo tinh thần chỉ đạo chung của tỉnh là luôn trong tư thế chủ động, sẵn sàng ứng phó các loại hình thiên tai; đồng thời tổ chức trực ban vào từng thời điểm theo quy định.

Giống như thành phố Vị Thanh, bà Nguyễn Hoài Thúy Hằng, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh, cho biết: Đơn vị đang chỉ đạo các trường trong tỉnh không được chủ quan, lơ là mà tích cực thực hiện chằng chống mái trường đảm bảo an toàn trong mùa mưa, cũng như bảo quản tốt các trang thiết bị tại mỗi trường. Ngoài ra, đơn vị cũng tiến hành xây dựng kế hoạch về kỳ thi tốt nghiệp THPT an toàn trong mùa mưa. Mặt khác, còn đề nghị các phòng giáo dục trong tỉnh thực hiện tốt giải pháp giữ trẻ vùng lũ an toàn trong mùa mưa, trong đó có chọn điểm trường giữ trẻ an toàn. Bên cạnh đó, cũng phối hợp với một số ngành liên quan tổ chức mở nhiều lớp phổ cập bơi cho học sinh từ cấp tiểu học nhằm giúp các em tự bảo vệ được bản thân và tránh tình trạng học sinh bị đuối nước trong mùa mưa lũ. Đồng thời sẽ tăng cường đưa những kiến thức cơ bản về phòng, chống thiên tai vào dạy học để nâng cao ý thức cảnh giác cho các em học sinh…

Theo dự báo của cơ quan chuyên môn thì năm nay số lượng bão và áp thấp nhiệt đới hoạt động trên Biển Đông có khả năng ở mức xấp xỉ trung bình nhiều năm (khoảng 11-13 cơn), trong đó có khoảng 4-5 cơn ảnh hưởng đến nước ta. Đặc biệt, các tỉnh thuộc khu vực Nam bộ (có tỉnh Hậu Giang) cần đề phòng những cơn bão, áp thấp nhiệt đới hoạt động vào các tháng cuối mùa mưa (từ tháng 10-12). Về dự báo mực nước trên hệ thống kênh, rạch trong tỉnh biến đổi theo triều và từ giữa tháng 8 đến đầu tháng 11 sẽ ảnh hưởng triều cường Biển Đông và lũ trên sông Hậu. Đỉnh lũ năm nay cao nhất xuất hiện vào đầu đến giữa tháng 10 tới, trong đó tại trạm Vị Thanh có khả năng đạt từ 0,75-0,91m (ở mức xấp xỉ năm 2020), tại thành phố Ngã Bảy là từ 1,55-1,65m (có khả năng xấp xỉ và thấp hơn năm 2020). Các địa phương trong tỉnh cần đề phòng những đợt triều cường cuối năm trùng với thời gian gió mùa Đông Bắc hoạt động mạnh, mực nước triều có thể dâng cao bất thường và diễn biến phức tạp gây ngập úng và sạt lở.

Ông Nguyễn Huy Khôi, Chủ nhiệm dự báo nguồn nước - Viện quy hoạch Thủy lợi miền Nam, chia sẻ: Tuy mực nước đang ở mức thấp, nhưng hiện nay đã và đang bắt đầu xuất hiện các cơn bão, áp thấp nhiệt đới tác động trực tiếp gây mưa lớn trên lưu vực hạ lưu sông Mekong. Vì vậy, kiến nghị các địa phương vùng ĐBSCL phải theo dõi chặt chẽ những thông tin dự báo từ cơ quan chuyên môn trong và ngoài nước để sớm xây dựng kế hoạch ứng phó nhanh chóng và kịp thời.

Theo đó, để chủ động bảo vệ sản xuất cho người dân, ngành nông nghiệp tỉnh đã và đang phối hợp cùng các địa phương trong tỉnh tổ chức kiểm tra nhằm kịp thời xử lý những hư hỏng của hệ thống đê bao, bờ bao để đảm bảo an toàn cho diện tích lúa, hoa màu, vườn cây ăn trái, vùng mía nguyên liệu, vùng nuôi thủy sản và khu dân cư. Bên cạnh đó, còn chỉ đạo cơ quan chuyên môn của đơn vị tổ chức kiểm tra bờ sông, kênh, rạch đang có diễn biến sạt lở cao để tổ chức cảnh báo và di dời người dân đến nơi ở an toàn. 

Ông Nguyễn Thanh Phong, Chủ tịch UBND huyện Châu Thành, thông tin thêm: Địa phương đang khẩn trương khắc phục những điểm đã sạt lở để sớm ổn định cuộc sống cho người dân. Mặt khác, huyện cũng đang xây dựng đề án ứng phó thiên tai, trong đó có sạt lở. Cụ thể là cùng với cơ quan chuyên môn tìm ra nguyên nhân và đưa ra giải pháp khắc phục sạt lở hiệu quả; đồng thời xây dựng bản đồ cảnh báo những điểm có nguy cơ sạt lở cao để thông báo cho người dân biết nhằm chủ động phòng ngừa hiệu quả.

Ông Đồng Văn Thanh, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, đề nghị các địa phương trong tỉnh tổ chức rà soát, cập nhật và hoàn thiện kế hoạch, kịch bản, phương án ứng phó thiên tai và tìm kiếm cứu nạn phù hợp tại từng đơn vị; cũng như chuẩn bị sẵn sàng vật tư, trang thiết bị, nhân lực cho lực lượng tham gia ứng phó thiên tai được kịp thời khi có tình huống xấu xảy ra; nhất là các tình huống bão muộn trên Biển Đông đổ bộ vào khu vực ĐBSCL (trong đó có tỉnh Hậu Giang). Ngoài ra, tổ chức rà soát hệ thống truyền tin, thông tin liên lạc, ứng dụng khoa học công nghệ phục vụ công tác tuyên truyền, phổ biến kiến thức phòng, chống thiên tai; cũng như thông tin kịp thời tới các địa phương, tổ chức, người dân trong vùng thiên tai về diễn biến thiên tai, giải pháp ứng phó, nhất là thông tin tới người dân vùng sâu, vùng thường xuyên xảy ra thiên tai. Mặt khác, tăng cường công tác tập huấn, hội thảo về phòng, chống thiên tai ở các cấp cơ sở cho lực lượng nòng cốt để khi xảy ra thiên tai thì lực lượng này là người trực tiếp cứu hộ, cứu nạn, khắc phục thiên tai, giảm thiểu thiệt hại về người và tài sản cho người dân...

Tổng thiệt hại do giông lốc, sạt lở bờ sông gây ra từ đầu năm đến nay trên địa bàn tỉnh hơn 3,8 tỉ đồng, tăng hơn 2,6 tỉ đồng so với cùng kỳ; trong đó riêng thiệt hại do giông lốc làm nhà sập và tốc mái nhà dân là hơn 2,2 tỉ đồng.

Theo HỮU PHƯỚC (Báo Hậu Giang)