Tiềm năng canoeing Kiên Giang

14/09/2023 - 14:52

Sau gần chục năm tiếp cận và tập luyện bộ môn canoeing, đến nay Kiên Giang khẳng định chỗ đứng nhất định trong khu vực đồng bằng sông Cửu Long.

Canoeing là môn thể thao chính thức của Olympic. Tại nước ta, các tỉnh phía Bắc đã đầu tư phát triển môn canoeing rất mạnh. Ở miền Nam, TP. Hồ Chí Minh được xem là đầu tàu của môn thể thao này. Khu vực đồng bằng sông Cửu Long, nhiều tỉnh, thành phố đang tập trung đầu tư và bước đầu gặt hái thành tích như Bạc Liêu, Sóc Trăng, An Giang, TP. Cần Thơ…

Tại Kiên Giang, bộ môn canoeing được thành lập năm 2013 với 5 vận động viên rồi 8 vận động viên. Trải qua nhiều thăng trầm, đội chỉ còn 4 vận động viên. Thời gian qua, đội canoeing tỉnh bước đầu gặt hái thành công với 5 huy chương vàng, 7 huy chương bạc, 6 huy chương đồng tại các giải canoeing trẻ quốc gia; 3 huy chương bạc giải canoeing toàn quốc; 1 huy chương đồng giải vô địch các câu lạc bộ canoeing toàn quốc và nhiều huy chương vàng, bạc, đồng giải khu vực đồng bằng sông Cửu Long…

Gần đây nhất, các vận động viên canoeing Kiên Giang đoạt 1 huy chương vàng, 3 huy chương bạc và 1 huy chương đồng tại Đại hội thể thao đồng bằng sông Cửu Long lần thứ IX-2023. 

Vận động viên canoeing Kiên Giang “tập chay” kỹ thuật, động tác bơi tại Trung tâm Huấn luyện và Thi đấu thể thao Kiên Giang.

Theo huấn luyện viên Danh Hồng Xi, so các đội khác, vận động viên của Kiên Giang không thua nhiều, dù còn khiêm tốn về cơ sở vật chất phục vụ tập luyện và rất ít được thi đấu cọ xát.  “Qua thời gian tập luyện và thi đấu, canoeing Kiên Giang đạt thành tích đáng tự hào. Hiện 4 tay chèo Nguyễn Minh Khiết, Tiên Chanh Thi, Danh Hoài Nam và Danh Điệp đều rất triển vọng. Nếu được trang bị thuyền đua tốt và tập huấn tập trung như các địa phương khác thì canoeing Kiên Giang còn tiến bộ hơn”, huấn luyện viên Danh Hồng Xi khẳng định. 

Vận động viên Tiên Chanh Thi từng nhiều năm được chọn vào đội tuyển trẻ quốc gia chia sẻ: “Với môn đua thuyền canoeing cần có đam mê mãnh liệt mới theo được vì môn này đòi hỏi nhiều thể lực và sự dẻo dai, nhất là tập luyện, thi đấu trong điều kiện ngoài trời. Nếu muốn phát triển hơn phải chấp nhận xa gia đình, nỗ lực tập luyện hơn 200% so bình thường để mong có thành tích tốt, hướng tới thành công”. 

Theo các vận động viên môn canoeing, tập luyện môn này khá gian khổ. Bất kể nắng hay mưa, các tay chèo vẫn cứ lướt đi trên sông. Tuy nhiên, điều bất lợi với đội đua thuyền Kiên Giang nói riêng cũng như các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long nói chung là phải tập trên sông có nước chảy xiết, tàu xuồng qua lại nhiều, trong khi thi đấu môn canoeing lại được tổ chức trên mặt hồ phẳng lặng nên vận động viên các tỉnh phía Nam thường thua thiệt vận động viên phía Bắc vì chưa thích nghi với điều kiện thi đấu. Do đó, các vận động viên luôn quyết tâm thi đấu cao hơn sức mình mỗi khi tham dự giải.

“Đội Kiên Giang ít thành viên và ít được thi đấu cọ xát, tập huấn tập trung với nhiều đội khác khiến tính cạnh tranh và nâng cao trình độ giữa các đội, vận động viên giảm nhiều”, anh Tiên Chanh Thi nói.

 Giám đốc Trung tâm Huấn luyện và Thi đấu thể thao Kiên Giang Đồng chí Nguyễn Quốc Vinh cho biết đặc thù của thể thao thành tích cao là thời gian đào tạo vận động viên dài, có khi 5-7 năm, thậm chí 10 năm mới có vận động viên chuyên nghiệp đạt thành tích tốt. Đối với Kiên Giang, không chỉ riêng môn canoeing, lực lượng vận động viên ở tất cả các môn đang đào tạo, liên kết đào tạo hầu hết đang ở độ tuổi từ 16-20.

"Đây là lực lượng trẻ được ngành thể thao hướng tới mục tiêu lâu dài, nhất là tại Đại hội thể thao toàn quốc 2026. Trước mắt, các em đều có thành tích tốt ở các giải đấu khu vực, giải trẻ quốc gia nên ngành thể thao đang tập trung đầu tư và đặt nhiều kỳ vọng, tin tưởng vào lực lượng này sẽ gặt hái thành tích về cho tỉnh thời gian tới”, đồng chí Nguyễn Quốc Vinh nói.

Cũng theo đồng chí Nguyễn Quốc Vinh, ngành thể thao tham mưu hoàn thiện đề án phát triển thể thao thành tích cao trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2023-2030, tầm nhìn đến năm 2040 để định hướng phát triển thể thao lâu dài; xây dựng kế hoạch định hướng đầu tư phát triển các môn thể thao hướng đến Đại hội thể thao toàn quốc lần thứ X năm 2026.

Trước mắt, ngành tập trung thực hiện kế hoạch ngắn hạn trong năm 2024 đầu tư 14 môn, trong đó ưu tiên một số môn được xác định có thế mạnh, nguồn vận động viên và khả năng đạt thành tích của các em như karate, vovinam, cử tạ, bắn cung, cờ vua, bóng chuyền bãi biển nữ và một số nội dung của môn điền kinh để tuyển chọn, đào tạo nguồn vận động viên cho tỉnh.

Song, ngành rất cần bổ sung thêm nguồn kinh phí thực hiện tốt công tác tuyển chọn, đào tạo, mua sắm trang thiết bị… phục vụ tập luyện, hướng đến mục tiêu phát triển thể thao bền vững tỉnh nhà.

Theo TRUNG HIẾU (Báo Kiên Giang)