Tiền Giang: Bình Xuân nay đã khác

15/09/2022 - 10:45

Vùng đất Anh hùng, nơi đặt căn cứ Tỉnh ủy Gò Công thời kỳ chống Mỹ cứu nước (nay là tỉnh Tiền Giang), nay đã vươn mình mạnh mẽ và “khoác” lên mình “chiếc áo” hoàn toàn mới.

A A

1. Trở lại Bình Xuân những ngày cuối tháng 8, chúng tôi cảm nhận được những đổi thay của vùng đất rất đỗi anh hùng này. Bình Xuân, một trong những vùng đất nằm cuối nguồn Dự án Ngọt hóa Gò Công, một thời gian dài thuộc huyện Gò Công Đông, nay đã trở thành một phần của TX. Gò Công, hiện đã có những “sắc xuân” mới. “Chiếc áo” mới của Bình Xuân ngày càng tươi mới, lộng lẫy hơn xưa rất nhiều.

Trong câu chuyện gần đây với chúng tôi, Mẹ Việt Nam Anh hùng (VNAH) Giảng Thị Gấm (sinh năm 1943, ấp 3, xã Bình Xuân) vẫn chưa nguôi những giọt nước mắt. Mẹ khóc vì nhớ con, khóc vì mừng là được Đảng và Nhà nước tặng danh hiệu cao quý và mừng hơn cho đất nước đã độc lập.

Nhưng trong sâu thẳm, cũng là những ký ức đau thương khi 2 con của Mẹ phải nằm lại tại chiến trường Tây Nam của Tổ quốc, mẹ chưa thể nào vơi đi hết được. Là mẹ VNAH duy nhất còn sống trên địa bàn xã Bình Xuân, Mẹ rất đỗi tự hào khi đất nước không ngừng đổi thay, làng quê khởi sắc, trong đó có Bình Xuân Anh hùng.

Bình Xuân đã “thay áo mới”.

Mảnh đất Anh hùng Bình Xuân ấy đã sản sinh ra rất nhiều bà mẹ như thế. Ông Nguyễn Văn Viên, con Mẹ VNAH Phan Thị Sáu, từng tâm sự với chúng tôi rằng, trải qua 2 cuộc kháng chiến, dân tộc ta đã giành thắng lợi và thống nhất đất nước đã được hơn 45 năm. Những vết tích chiến tranh đã được hàn gắn, cuộc sống đang được hồi sinh và càng phát triển về mọi mặt.

Nhìn về chặng đường đã qua, ông Viên nói rằng, từ khi đất nước hòa bình đến nay, các gia đình thương binh, liệt sĩ rất biết ơn Đảng, Nhà nước và nhân dân ta. Mặc dù còn nhiều khó khăn nhưng Đảng và Nhà nước đã ban hành nhiều chính sách đối với thương binh, gia đình liệt sĩ như trợ cấp thường xuyên, trợ cấp khó khăn, hỗ trợ thờ cúng liệt sĩ, quy tập mộ chí, xây dựng vỏ mộ; xây dựng, tu sửa và tổ chức viếng nghĩa trang liệt sĩ nhân các ngày lễ lớn.

Đảng và Nhà nước cũng đã thực hiện nhiều chế độ đãi ngộ về vật chất, tinh thần cho thương binh và gia đình liệt sĩ như vận động các cơ quan, đơn vị, cá nhân nhận phụng dưỡng Mẹ VNAH, xây dựng nhà tình nghĩa… Đó là những việc làm thể hiện sự tri ân, nhằm bù đắp một phần đối với những hy sinh, mất mát của các gia đình chính sách. Đó cũng là nền tảng để quê hương Bình Xuân có nhiều điều tươi mới hơn.

Đi cùng với những đổi thay của quê hương, ông Nguyễn Long Đăng cũng mấy chục năm gắn bó, chứng kiến từng bước thăng trầm của mảnh đất Bình Xuân Anh hùng này. Ông Đăng kể lại với chúng tôi rằng, xưa người dân muốn qua bên kia sông phải đi xuồng chèo, rồi đến đò máy, nay là phà sắt.

Trong ký ức của người dân vùng đất Anh hùng này, từ ngày thành lập làng Bình Xuân năm 1780 (đến nay tròn 240 năm), con sông Gò Công đã ngăn cách đôi bờ. Sông Gò Công xưa là thủy lộ chính lưu thông huyết mạch của sinh hoạt xứ Gò Công đi các nơi và cũng là đường ngăn bước tiến của giặc ruồng bố trong thời kỳ chống Pháp, chống Mỹ, khi Bình Xuân bên kia sông là căn cứ địa cách mạng.

Xưa thuận lợi, nhưng từ ngày hòa bình lập lại đến nay đã hơn 45 năm, việc ngăn cách của sông Gò Công có nhiều khó khăn cho sinh hoạt, đi lại cho nhân dân trong và ngoài xã Bình Xuân. Vì lẽ đó, khi cầu Bình Xuân nối nhịp đôi bờ đã hiện thực hóa niềm mơ ước bao đời của người dân.

Đường tỉnh 873 đang được thi công, mở ra cơ hội mới cho Bình Xuân.

2. Câu chuyện đổi thay của Bình Xuân được nối dài qua niềm tự hào của Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Bình Xuân Huỳnh Hồng Huệ. Kể về Bình Xuân hôm nay, đồng chí Huỳnh Hồng Huệ tự hào rằng, được sự quan tâm của UBND tỉnh, sau khi cầu Bình Xuân được xây dựng, đời sống nhân dân trong xã thay đổi rất nhiều; các cơ sở thương mại, dịch vụ 2 bên tuyến đường tỉnh 873 được mở ra đi cùng với các cửa hàng, quán ăn và dịch vụ khác tạo điều kiện cho Bình Xuân thêm khởi sắc.

Ngoài cầu Bình Xuân, đường tỉnh 873 được đầu tư đến cầu Mỹ Lợi, dự kiến đến Tết Nguyên đán tới đây sẽ hoàn thành, xã Bình Xuân sẽ tiếp tục phát triển hơn nữa. Bởi một khi đường giao thông hoàn chỉnh, ngoài cơ sở thương mại, khu dân cư mở ra, việc giao lưu hàng hóa, mua bán sẽ thuận lợi hơn, đời sống của người dân được phục vụ tốt hơn.

Dẫn chứng về những nét mới của Bình Xuân, theo đồng chí Huỳnh Hồng Huệ, con số rõ ràng nhất là thu nhập bình quân đầu người thay đổi rất nhiều so với trước đây, bởi ngoài làm nông nghiệp thuần túy, người dân còn mở thêm dịch vụ mua bán, làm công nhân ở các doanh nghiệp. Nhờ đó, tỷ lệ hộ nghèo của xã giảm rất nhanh, từ 27% của nhiều năm trước hiện nay chỉ còn khoảng 2,4%.

Năm 2023 tới đây khi Bình Xuân được xây dựng thành xã nông thôn mới nâng cao, tỷ lệ hộ nghèo của xã sẽ tiếp tục giảm xuống. Câu chuyện tương lai của xã cũng được đồng chí Huỳnh Hồng Huệ phác họa, sau khi đường tỉnh 873 hoàn thành, gắn với việc mở rộng đô thị bao gồm hết ấp Thành Nhì, hơn 2/3 ấp Thành Nhứt và một phần ấp 1 được thực hiện theo chủ trương chung của TX. Gò Công, Bình Xuân sẽ tiếp tục được thay mới, tinh tươm hơn.

Còn trong kinh tế nông nghiệp, Bình Xuân chủ yếu vẫn tập trung vào lúa cao sản, lúa thơm nhằm tăng thu nhập cho người dân; bên cạnh vận động người dân trồng cây ăn trái có hiệu quả. “Sau mấy mươi năm, Bình Xuân nay đã thay đổi ngoạn mục. Đường nông thôn đã được bê tông hay nhựa hóa, không còn đường đá đỏ hay đá 0x4 như trước đây, nhà cửa người dân khang trang hơn rất nhiều.

Trước đây, người dân đi làm ăn, kiếm sống ở nhiều nơi nhưng nay không còn phổ biến. Năm 2020, Bình Xuân bị rút khỏi danh sách xã nghèo (xã diện bãi ngang ven biển) nhưng xã rất vui”- đồng chí Huỳnh Hồng Huệ cho biết.

Câu chuyện về những đổi thay của Bình Xuân vẫn còn tiếp nối. Chúng tôi rời Bình Xuân vào ngày nắng đẹp. Đó còn là cái nhìn và cảm nhận của những ai đã từng được đến Bình Xuân những ngày mùa Thu Tháng Tám này.

Đất nước cũng đang trên đường hội nhập, nhiều địa phương cũng thay đổi nhiều. Nhưng trong sâu thẳm, có được Bình Xuân của ngày hôm nay là nhờ sự lãnh đạo của Đảng, sự góp công, góp của và cống hiến hết sức to lớn của toàn dân tộc, mà đặc biệt là sự đóng góp xương máu của các Anh hùng liệt sĩ. Đó còn là kết quả của sự vươn lên bằng nội lực và sự trợ lực từ nhiều yếu tố bên ngoài. Chúng tôi tin rằng, con đường mới của Bình Xuân rồi sẽ tiếp tục thênh thang, rộng mở hơn.

Theo Báo Ấp Bắc