Tiền Giang: Chuyển biến về bình đẳng giới từ một mô hình

20/12/2021 - 09:06

Thực hiện Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới (BĐG), năm 2013, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTT&DL) ban hành văn bản về việc lựa chọn xã tham gia thực hiện mô hình “Xây dựng, sửa đổi hương ước, quy ước đảm bảo nguyên tắc BĐG” (gọi tắt là Mô hình) tại các tỉnh, thành phố trong cả nước. Mục đích mô hình là nhằm gìn giữ và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, nếp sống văn hóa của cộng đồng dân cư, xây dựng môi trường sống nhân văn, công bằng trong gia đình và xã hội, thúc đẩy sự phát triển của đất nước.

A A

Tại tỉnh Tiền Giang, qua 8 năm, Mô hình được triển khai thực hiện tại 6 xã, phường điểm gồm: Long Trung (huyện Cai Lậ); Mỹ Hạnh Trung (TX. Cai Lậy); Mỹ Phước (huyện Tân Phước); phường 10 (TP. Mỹ Tho); Tân Thành (huyện Gò Công Đông); Phú Thạnh (huyện Tân Phú Đông). Theo đánh giá của Sở VHTT&DL tỉnh Tiền Giang, qua 8 năm thực hiện Mô hình tại các xã, phường điểm đã nhận được sự ủng hộ trong cộng đồng dân cư.

Tuyên truyền nâng cao nhận thức của người dân về BĐG (ảnh chụp khi dịch Covid-19 chưa bùng phát). Ảnh: H.T

Nhận thức của người dân về vấn đề BĐG có nhiều chuyển biến tích cực. Người dân đã dần đưa BĐG thành một chuẩn mực mới tại địa phương, từng bước thu hẹp khoảng cách giới và nâng vị thế của người phụ nữ trong một số lĩnh vực còn bất BĐG cao, góp phần thực hiện thành công các mục tiêu của Chiến lược quốc gia về BĐG giai đoạn 2021 - 2030.

Năm 2021, Sở VHTT&DL tỉnh Tiền Giang, tiếp tục hỗ trợ 11 đơn vị cấp cơ sở của các địa phương trong tỉnh đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền, vận động, tập hợp người dân tham gia xây dựng, sửa đổi và thực hiện quy ước ấp, khu phố đảm bảo nguyên tắc BĐG. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai, ở một số nơi nhận thức của người dân về BĐG chưa đồng đều, còn coi nhẹ công tác BĐG. Bên cạnh đó, khi bản quy ước bổ sung, sửa đổi được thống nhất trong nhân dân, được cấp có thẩm quyền phê duyệt và đi vào thực hiện thì một số ít gia đình vẫn còn tư tưởng bất BĐG…

Để quy ước đảm bảo nguyên tắc BĐG (gọi tắt là Quy ước) thật sự phát huy trong cộng đồng, thời gian tới các địa phương cần chú trọng phát huy tối đa vai trò của phụ nữ trong xây dựng, sửa đổi và giám sát quá trình thực hiện Quy ước. Bởi thực tế cho thấy, ở những nơi có sự tham gia, giám sát chặt chẽ của phụ nữ thì ở đó vai trò của Quy ước nói chung và thực hiện các mục tiêu BĐG nói riêng được phát huy rất hiệu quả.

Bên cạnh đó, phát huy tốt vai trò của các ban, ngành, đoàn thể, chính quyền địa phương, tổ chức rà soát lại tất cả các quy ước trên địa bàn xã, phường để kịp thời sửa đổi, bổ sung Quy ước theo quy định. Gắn việc thực hiện Quy ước với phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, công tác gia đình và xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh trên địa bàn xã, phường.

Nâng cao hiệu quả công tác phối hợp trong việc hướng dẫn, triển khai xây dựng, sửa đổi Quy ước giữa công chức văn hóa - xã hội, tư pháp, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể liên quan trong kiểm tra, giám sát. Phối hợp trong công tác tuyên truyền về những giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của địa phương, vận động xóa bỏ các hủ tục, tập quán lạc hậu trong hôn nhân và gia đình, tác hại của bạo lực gia đình; nâng cao kiến thức về hôn nhân và gia đình, kỹ năng ứng xử trong gia đình…

Tổ chức sơ kết, tổng kết công tác triển khai thực hiện Quy ước trên địa bàn để đánh giá những kết quả đạt được cũng như những hạn chế và nguyên nhân, từ đó có sự chỉ đạo, điều chỉnh kịp thời; khen thưởng, tuyên dương các tập thể, cá nhân có nhiều thành tích trong xây dựng và triển khai thực hiện Quy ước ở địa phương, thu hút sự tham gia của người dân, đặc biệt là phụ nữ đối với việc giám sát triển khai thực hiện Quy ước trên địa bàn…

Theo NGUYỄN MINH PHÚC (Báo Ấp Bắc)