Tiền Giang: Đến giảng đường bằng những tờ vé số của mẹ

14/11/2023 - 16:09

Mang trong mình căn bệnh tim nhưng hằng ngày bà Thái Thị Ba, ngụ ấp Long Hưng, xã Phước Thạnh, TP. Mỹ Tho, tỉnh Tiền Giang vẫn không cho phép mình được nghỉ ngơi, rong ruổi khắp các nẻo đường của TP. Mỹ Tho để bán vé số.

A A

Vất vả là vậy, nhưng bà Ba luôn hãnh diện về con gái của mình là em Võ Ánh Ngọc, sinh viên năm thứ 3, ngành Giáo dục Tiểu học, Trường Đại học Cần Thơ. Bà Ba ví đứa con gái như là “tấm vé số độc đắc” của đời mình. Cứ ngỡ cuộc đời bình yên sẽ đến với hai mẹ con, nào ngờ, mới đây, Ánh Ngọc phát hiện căn bệnh hội chứng thận hư khiến cuộc sống hai mẹ con ngày càng chồng chất khó khăn.

KHÔNG DÁM NGHỈ 1 NGÀY

Ngày nào cũng vậy, thức dậy từ tờ mờ sáng, bà Ba dắt chiếc xe đạp đi bán vé số - công việc gắn với đời bà hơn 20 năm qua. Đạp xe đến gần chợ Bình Đức, bà tấp vào quán nhỏ ven đường, mời những người đang uống cà phê mua vé số. Ông Nguyễn Văn Thái, ngụ xã Bình Đức, huyện Châu Thành cho biết: “Tôi biết cô Ba hơn 10 năm nay, đi bán vé số nuôi đứa con gái học đại học. Ngày nào cũng vậy, tôi mua ủng hộ cô ấy 1 tờ”. Cứ thế, từ sáng đến trưa, bà Ba bán hết 100 tờ vé số và tiền lời được khoảng 110.000 đồng.

Ánh Ngọc (đứng giữa) và các bạn trong một chương trình tình nguyện do trường tổ chức.

Giữa cái nóng gay gắt của buổi trưa, đậu xe bên đường, lấy tay quẹt nhanh những giọt mồ hôi, bà Ba khoe với tôi ngày hôm nay tranh thủ bán cho hết vé số, trưa về làm cơm cho cô con gái đi học ở TP. Cần Thơ về chơi. Đúng 11 giờ, bà lụi cụi về phòng trọ, tranh thủ lặt mớ rau, làm cá chuẩn bị bữa cơm trưa cho hai mẹ con. Kể về cuộc đời mình, bà Ba rưng rưng nước mắt, cũng giống như bao người phụ nữ khác, bà Ba kết hôn với người đàn ông trạc tuổi mình.

Tình yêu của hai vợ chồng được đơm hoa, kết trái bằng sự ra đời của cô con gái kháu khỉnh. Cuộc sống mưu sinh khó khăn, thiếu trước hụt sau dẫn đến cãi vã, hai vợ chồng li dị khi con gái chưa đầy 1 tuổi. Chia tay chồng, bà Ba ở vậy nuôi con. Làm nhiều công việc khác nhau, bà Ba bén duyên với nghề bán vé số.

Rồi bà Ba cũng quen dần với nghề, được nhiều mối quen ủng hộ, bà kiếm được tiền lo cho cuộc sống hai mẹ con. Con gái càng lớn, học càng cao, chi phí càng nhiều, bà phải chạy vay mượn khắp nơi, chính vì vậy trong nhà luôn thiếu trước, hụt sau.  Mỗi ngày bà ăn uống qua loa, cũng chẳng dám mua sắm gì cho mình.  Năm 2018, thấy được hoàn cảnh khó khăn của gia đình, các mạnh thường quân, chính quyền địa phương đã xây dựng cho hai mẹ con căn nhà khăn quàng đỏ để che nắng, che mưa.

Bà Ba chia sẻ: “Hiện nay, trong người tôi có đủ thứ bệnh như tim, viêm xương khớp, cườm ở mắt nhưng tôi không dám nghỉ bán vé số ngày nào, vì nếu nghỉ 1 ngày, lấy đâu ra tiền để trả nợ cho người ta. Bệnh nặng, nhiều lúc tôi mua thuốc uống cho qua, không dám đi khám bác sĩ. Cứ ngỡ mọi khổ đau, bệnh tật đổ lên đầu, tôi sẽ gánh chịu hết, nào ngờ khoảng 2 tháng trước, thấy 2 bàn chân của con gái sưng to, kèm theo những cơn đau, tôi mượn tiền của hàng xóm dẫn cháu đi TP. Hồ Chí Minh khám thì được các bác sĩ chẩn đoán là bệnh hội chứng thận hư, phải điều trị lâu dài. Nghe bác sĩ thông báo, người tôi như chết lặng”.

“TỜ VÉ SỐ ĐỘC ĐẮC” CỦA MẸ

Đó là cách mà bà ví von khi nói về đứa con gái của mình. Những bước chân đi bán vé số của bà Ba đã chắp thêm “đôi cánh ước mơ” cho con gái của mình. Vâng lời mẹ, 12 năm liền, Ánh Ngọc luôn chăm ngoan, học giỏi. Ánh Ngọc kể rằng: “Em rất tự hào về mẹ, ngay từ nhỏ, mẹ em luôn dạy cho em giá trị của cuộc sống, sống làm người tử tế. Đặc biệt là dạy cho em biết quý giá trị của đồng tiền, biết yêu thương, giúp đỡ mọi người xung quanh”.

Ánh Ngọc và mẹ.

12 năm miệt mài học tập, năm 2021, Ánh Ngọc trúng tuyển vào ngành Giáo dục Tiểu học của Trường Đại học Cần Thơ. Ánh Ngọc trải lòng: “Ngày cầm tờ giấy trúng tuyển, hai mẹ con vừa mừng, vừa khóc, mẹ dự định sẽ cho em nghỉ học vì không có tiền lo học phí, chi phí sinh hoạt. Hơn 2 tháng lo lắng, mẹ phải xoay xở khắp nơi lo cho em. Được sự giúp đỡ của người thân và hàng xóm, ngày khăn gói nhập học, em khóc không nói nên lời”.

Lên đại học, ngoài giờ đến trường, Ánh Ngọc tranh thủ đi làm thêm. Hết đi làm gia sư, em đi làm bồi bàn, rồi phụ bán bông, bán bánh ngoài chợ để có tiền trang trải việc học. Trong 2 năm học vừa qua, Ánh Ngọc là sinh viên đạt kết quả học lực xuất sắc, tham gia tích cực các hoạt động của khoa, của trường. Hiện Ánh Ngọc đang bước vào kỳ kiến tập sư phạm. Ánh Ngọc kể với chúng tôi: “Năm đầu tiên, em được nhận chi phí hỗ trợ sinh viên sư phạm với số tiền trên 3,5 triệu đồng.

Còn từ năm thứ 2 trở đi, em cũng như các bạn chưa được lãnh nên cuộc sống khá khó khăn, đặc biệt là căn bệnh của em phải điều trị lâu dài. Sắp tới, sau kỳ kiến tập, lớp em sẽ có chuyến đi thực tế theo chương trình học.

Tuy nhiên, em rất lo lắng, bởi hiện tại ngoài tiền thuốc hằng tháng đã quá sức đối với mẹ em, khoảng chi phí khoản 7 triệu  đồng là quá lớn với gia đình em. Em thật sự chưa dám nói với mẹ vì sợ mẹ lo lắng. Thật sự trong cái họa có cái may mắn là bệnh tình của em chỉ mới giai đoạn đầu. Em chỉ hy vọng mình có được sức khỏe, ra trường có công việc ổn định, chăm lo cho mẹ để mẹ không phải khổ nữa”.

Hơn 3 năm qua, với bà Ba, mỗi lần con về thăm nhà đó là cả niềm vui lẫn nỗi lo. Mỗi lần tiễn con đi, bà lại lặng lẽ ôm xấp vé số trên tay hòa vào dòng người ngược xuôi trên đường, tiếp tục hành trình mưu sinh vì con. Hy vọng rằng, chính quyền địa phương, các mạnh thường quân cùng chung tay góp sức để giúp đỡ em Ánh Ngọc có thể thực hiện ước mơ của mình.

Theo Đ.PHI (Báo Ấp Bắc)