TẤM GƯƠNG BẤT KHUẤT
Phát biểu chào mừng tại Hội thảo, bên cạnh tiếp tục khẳng định tầm vóc, ý nghĩa lịch sử và những đóng góp to lớn của cuộc Khởi nghĩa Trương Định, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Vĩnh cho rằng, đây cũng là dịp để tỉnh giới thiệu về mảnh đất, con người Tiền Giang trong lịch sử và hiện tại, luôn đoàn kết, cần cù, sáng tạo, nghĩa tình và mến khách.
Bình Tây Đại nguyên soái - Trương Định sinh năm 1820 tại thôn Trường Định, xã Tư Cung, Phủ Bình Sơn (nay là xã Tịnh Khê, huyện Sơn Tịnh, tỉnh Quảng Ngãi). Năm 24 tuổi (năm 1844), ông theo cha vào Nam, lấy vợ và lập nghiệp ở Gò Công (Tiền Giang).
Các đại biểu chụp ảnh lưu niệm tại Hội thảo.
Năm 1854, Trương Định chiêu mộ dân nghèo lập đồn điền ở Gia Thuận. Ông được triều đình nhà Nguyễn phong chức Phó Quản cơ, rồi Quản Cơ, tham gia chống giặc ngoại xâm cùng quân triều đình, lập được nhiều chiến công. Đến năm 1862, nhà Nguyễn ký hòa ước Nhâm Tuất, giao 3 tỉnh miền Đông cho Pháp, hạ lệnh cho Trương Định bãi binh và đi nhận chức Lãnh binh ở An Giang.
Theo yêu cầu của nhân dân và các nghĩa sĩ, Trương Định đã khước từ lệnh của triều đình và nhận danh hiệu Bình Tây Đại nguyên soái, tiếp tục cuộc chiến đấu chống Pháp. Ngày 20-8-1864, giặc Pháp bất ngờ bao vây đánh úp nghĩa quân, Trương Định bị trọng thương. Không để rơi vào tay giặc, ông đã rút gươm tự sát để bảo toàn khí tiết người anh hùng.
Sau khi Trương Định tuẫn tiết, thi hài ông được gia đình và nhân dân đưa về an táng trọng thể tại TX. Gò Công (nay là TP. Gò Công), tỉnh Tiền Giang. Đến năm 1972, nhân dân xây dựng đền thờ ông. Khí tiết của Trương Định mãi được lưu truyền sử sách và trong lòng nhân dân.
Đối với người dân Tiền Giang, tấm gương bất khuất, tinh thần chiến đấu kiên cường trong đấu tranh chống thực dân Pháp xâm lược những năm 60 thế kỷ XIX của Anh hùng dân tộc (AHDT) Trương Định là nguồn động lực to lớn để các thế hệ cán bộ, chiến sĩ, Lực lượng vũ trang và nhân dân trong tỉnh tiếp tục chiến đấu dũng cảm vì độc lập, tự do của dân tộc, vì sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; cống hiến công sức, trí tuệ, xây dựng quê hương Tiền Giang ngày càng phát triển giàu đẹp, văn minh.
Đi vào cụ thể về mục đích, ý nghĩa Hội thảo, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thành Diệu cho rằng, với mục đích góp phần làm rõ hơn những nội dung lịch sử của phong trào đấu tranh giải phóng dân tộc của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Tiền Giang nói chung; cuộc đời và sự nghiệp đấu tranh oanh liệt, kiên cường, bất khuất của AHDT Trương Định nói riêng, Hội thảo sẽ đi sâu, làm rõ một số nội dung theo các nhóm chủ đề sau đây: Bối cảnh xã hội Việt Nam và Nam kỳ nửa đầu thế kỷ XIX tác động đến cuộc Khởi nghĩa Trương Định; những tư liệu mới, phát hiện mới về thân thế, sự nghiệp của AHDT Trương Định và các nhân vật lịch sử liên quan đến Khởi nghĩa Trương Định; chiến lược, chiến thuật quân sự trong cuộc Khởi nghĩa Trương Định; ý nghĩa, tác động của Khởi nghĩa Trương Định trong phong trào kháng chiến chống thực dân Pháp ở Nam kỳ và cả nước nửa sau thế kỷ XIX.
Đồng thời, Hội thảo lần này cần có thêm thông tin về những sự kiện và di tích, di vật tiêu biểu trong cuộc Khởi nghĩa Trương Định; việc bảo tồn và phát huy giá trị cụm di tích - di sản văn hóa Khởi nghĩa Trương Định trong công cuộc xây dựng, phát triển tỉnh Tiền Giang; tình cảm của người dân Tiền Giang nói chung và người dân Gò Công nói riêng với AHDT Trương Định và phát huy tinh thần của cuộc Khởi nghĩa Trương Định trong thời kỳ phát triển kinh tế - xã hội của Tiền Giang hiện nay và giai đoạn mới.
Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thành Diệu, nghiên cứu về cuộc Khởi nghĩa Trương Định góp phần đầy đủ, sinh động hơn về bức tranh chiến đấu chống giặc ngoại xâm của nhân dân ta trong dòng chảy lịch sử dựng nước và giữ nước từ xưa đến nay.
Những nội dung nêu trên vừa có ý nghĩa khoa học vừa có ý nghĩa thực tiễn sâu sắc. Kết quả thu được từ Hội thảo khoa học này sẽ làm phong phú thêm tư liệu, tài liệu khoa học liên quan đến cuộc đời, sự nghiệp AHDT Trương Định và cuộc khởi nghĩa do ông lãnh đạo; đồng thời góp phần cung cấp những luận cứ khoa học đáng tin cậy phục vụ cho sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội cho tỉnh Tiền Giang và sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.
ĐỀ CAO “ÁI QUỐC”
Nhìn nhận từ các nhà khoa học mới hiểu rõ hơn về ý nghĩa, tầm vóc của Khởi nghĩa Trương Định. Theo Đại tá, Tiến sĩ Lê Thanh Bài, Phó Viện trưởng Viện Lịch sử quân sự (Bộ Quốc phòng), trong phong trào kháng Pháp thế kỷ XIX, tuy chỉ tồn tại trong thời gian ngắn (1859 - 1864), nhưng cuộc khởi nghĩa do Trương Định lãnh đạo đã để lại dấu ấn không chỉ về quy mô mà còn dấu ấn về sự phản kháng, ly khai với triều đình nhà Nguyễn và tính độc lập, tự chủ của người lãnh đạo trong việc đề ra chủ trương kháng chiến, những yếu tố này đã làm nên tính chất của cuộc khởi nghĩa.
Trong phần kết luận, Đại tá - Tiến sĩ Lê Thanh Bài đánh giá, Khởi nghĩa Trương Định là cuộc khởi nghĩa tiêu biểu nhất trong giai đoạn đầu của phong trào đấu tranh chống thực dân Pháp xâm lược. Ông đã nhận thấy sự yếu kém của triều đình trong lãnh đạo nhân dân chống ngoại xâm, vượt qua tư tưởng “trung quân”, đề cao “ái quốc”, dựa vào dân để tiến hành kháng chiến.
Tư tưởng và hành động của Trương Định phù hợp với yêu cầu, nguyện vọng của quần chúng, nên được nhân dân ủng hộ, hăng hái tham gia nghĩa quân; che chở, nuôi dưỡng nghĩa quân; quyên góp tiền bạc, lương thực, vũ khí, đã tham gia công tác vận chuyển, phá hoại, phối hợp chiến đấu mọi mặt với nghĩa quân, nên tạo sức mạnh cho phong trào. Do vậy, cuộc khởi nghĩa của Trương Định mang tính chất của nhân dân rõ rệt, là yếu tố căn bản để Trương Định giành được những thắng lợi to lớn. Khởi nghĩa Trương Định đánh dấu sự biến chuyển về tính chất phong trào đấu tranh chống thực dân Pháp xâm lược.
Dựa trên những tiền đề mang tính chất nhân dân trong Khởi nghĩa Trương Định, các cuộc khởi nghĩa về sau đã kế thừa và nâng lên ở mức cao hơn, tạo nên nét căn bản cho phong trào kháng Pháp nửa cuối thế kỷ XIX.
Còn theo nghiên cứu của Tiến sĩ Nguyễn Thanh Tiến, Trưởng Khoa Lịch sử (Trường Đại học Sư phạm TP. Hồ Chí Minh) cho thấy một góc nhìn khác hơn, ý nghĩa hơn về cuộc Khởi nghĩa Trương Định… Theo đó, cuộc Khởi nghĩa Trương Định có vai trò và ý nghĩa quan trọng trong phong trào kháng Pháp ở Nam kỳ nửa sau thế kỷ XIX. Trong bối cảnh không thuận lợi của Việt Nam lúc bấy giờ, Trương Định vẫn giương cao ngọn cờ chống giặc Pháp xâm lược.
Tấm lòng hy sinh vì nước của ông không chỉ được nhân dân kính ngưỡng, mà còn được triều đình Vua Tự Đức trân trọng ghi nhận trong sách sử của triều đại, cho lập đền thờ cúng. Điều đó chứng tỏ phong trào kháng chiến của Trương Định tuy đi ngược với chủ trương hòa nghị của triều đình sau hòa ước năm 1862, song bản thân ông không bị triều đình truy cứu.
Đặt trong bối cảnh Việt Nam nói chung, Nam kỳ nói riêng lúc bấy giờ, khi mà triều đình Huế đã mắc sai lầm trong việc thực hiện hòa ước năm 1862, nguồn lực lại phân tán do tình hình loạn lạc ở Bắc kỳ, có thể thấy cuộc khởi nghĩa do Trương Định lãnh đạo đã chịu tác động bất lợi như thế nào. Song, chính trong bối cảnh như vậy, Trương Định và nghĩa binh do ông lãnh đạo càng thể hiện rõ quyết tâm chống giặc, nêu cao tinh thần “vị quốc vong thân” rất đáng trân trọng.
Nhìn nhận một cách tổng thể hơn, như phần kết luận tham luận tại Hội thảo của Chủ tịch UBND TP. Gò Công Giản Bá Huỳnh đề cập, đã tròn 160 năm trôi qua kể từ ngày AHDT Trương Định tuẫn tiết, nhưng âm vang của cuộc Khởi nghĩa Trương Định vẫn còn in sâu trong lòng mỗi người dân Tiền Giang nói chung và Gò Công nói riêng.
Trương Định - vị AHDT kiên cường, bất khuất, niềm tự hào của người dân Gò Công. Tinh thần “Quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh” của ông đã trở thành biểu tượng cao cả của lòng yêu nước và ý chí quật cường của dân tộc Việt Nam.
Theo ANH PHƯƠNG - MINH THÀNH (Báo Ấp Bắc)