Hiện, anh Lê Quốc Tuấn, (xã Tân Lập 2, huyện Tân Phước, tỉnh Tiền Giang) nuôi chồn hương sinh sản với 22 con. Trong đó, gần chục con chồn cái đang sinh sản.
Từ ngày nuôi chồn hương sinh sản, anh Lê Quốc Tuấn (xã Tân Lập 2, Tân Phước, Tiền Giang) đổi đời. Ảnh: Trần Đáng
Nuôi chồn hương sinh sản dễ và nhàn
Trước đây, nói đến xã Tân Lập 2, người ta liên tưởng đến một vùng phèn chua nặng, độc canh cây khóm. Khắp xã, nhìn đâu cũng thấy những liếp khóm nối đuôi nhau kéo dài tít tắp.
Giờ, xã Tân Lập 2 thay da đổi thịt sau những năm tháng làm nông thôn mới. Hạ tầng cơ sở, giao thông…, xây mới tinh tươm. Đời sống kinh tế của bà con địa phương không còn dựa vào cây khóm, mà đa cây, đa con.
Trong xu thế phát triển, anh Tuấn cũng tìm cho mình một hướng đi riêng. Sau thời gian thăm dò, anh chọn việc nuôi chồn hương sinh sản để khởi nghiệp.
Nghe lời người em tham vấn, anh Tuấn quyết định bỏ ra 16 triệu đồng mua 4 con chồn hương, trong đó có 3 con cái về nuôi.
Theo anh Tuấn, nuôi chồn hương sinh sản không khó, rất nhàn. Thậm chí, vừa nuôi chồn hương sinh sản vừa có thể làm thêm để kiếm thêm thu nhập.
Anh Tuấn chia sẻ, để nuôi chồn hương chất lượng, nên chọn những con giống nhanh nhẹn, không dị tật, lông mượt mà, mắt tinh… Nếu nuôi chồn hương sinh sản, phải chọn con giống được nuôi từ nhỏ, vì chúng đã được thuần với môi trường nuôi nhốt.
Chồn sinh sản phải từ 8 tháng tuổi trở lên. Khi chồn giao phối xong, phải tách con cái và đực ra để nuôi riêng. Chồn mang thai trong vòng 90 ngày. Thời gian đầu chồn con bú sữa mẹ, đến khi được 35 ngày tuổi chồn sẽ tập ăn thức ăn. Chồn con 60 ngày tuổi sẽ cho tách bầy.
Ngoài tự nhiên, mỗi năm chồn hương đẻ 1 lứa. Tuy nhiên, khi nuôi trong môi trường thuần hóa, chồn có thể đẻ 2 lứa/năm. Mỗi lứa 3 - 6 con.
Thức ăn yêu thích của chồn hương chủ yếu là chuối. Ngoài ta, tăng cường thêm cá, thịt đã được chế biến.
Nuôi chồn hương sinh sản anh Tuấn không tốn nhiều chi phí thức ăn bởi anh tận dụng thức ăn tại địa phương với giá khá rẻ. Ảnh: Trần Đáng
"Trong ngoài, vào buổi sáng và tối tôi chỉ tốn khoảng 30 phút cho đàn chồn hương ăn. Thời gian còn lại tôi làm thêm để kiếm thêm thu nhập", anh Tuấn bộc bạch.
Theo anh Tuấn, nuôi chồn hương sinh sản chuồng trại phải vệ sinh sạch sẽ, thoáng mát.
"Làm chuồng nuôi chồn hương sinh sản bằng xi-măng tốt hơn chuồng lưới vì có bóng tối và ít làm chồn mẹ, con rụng lông", anh Tuấn chia sẻ.
Ngoài ra, anh Tuấn cho rằng, trong điều kiện nuôi nhốt, chồn hương rất dễ mắc bệnh tiêu chảy, nên phòng bệnh bằng cách trộn thuốc kháng sinh vào trong thức ăn. Thêm vào đó, chồn hương cũng dễ mắc bệnh cầu trùng hoặc bị bệnh thương hàn.
Nuôi chồn hương sinh sản ăn đứt cây khóm
Chồn hương là một loài động vật hoang dã. Thịt chồn hương thơm ngon, thịt ngọt và mềm, là đặc sản nên rất được thị trường ưa chuộng.
Hiện, trên thị trường giá chồn hương thịt 1,9 – 2,1 triệu đồng/kg. Giá chồn hương giống 2 – 3 tháng tuổi là 8 triệu đồng/cặp.
Với tổng đàn chồn hương sinh sản hiện nay, trừ đi chi phí, mỗi năm anh Tuấn có lợi nhuận khoảng 200 triệu đồng/năm.
"Lợi nhuận nuôi chồn hương sinh sản ăn đứt trồng cây khóm. Nuôi chồn hương sinh sản không cần hàng mẫu đất, không quần quật suốt ngày trên rẫy như cây khóm", anh Tuấn thổ lộ.
Theo anh Tuấn, nuôi chồn hương sinh sản lợi nhuận ăn đứt trồng khóm. Ảnh: Trần Đáng
Ông Nguyễn Văn Quang, Phó Chủ tịch UBND xã Tân Lập 2 cho biết, thời gian đầu nuôi chồn hương sinh sản anh Tuấn gặp nhiều khó khăn do chưa nắm được kỹ thuật nuôi chồn hương sinh sản và chăm sóc. Tuy nhiên, sau đó, anh Tuấn đã hoàn chỉnh quy trình nuôi chồn hương và đã gắt hái được thành công.
"Hiện, kinh tế gia đình anh Tuấn đang phát triển rất tốt với nghề nuôi chồn hương sinh sản. Xã đang triển khai chương trình xây dựng xã nông thôn mới nâng cao, nên mô hình nuôi chồn hương sinh sản của anh Tuấn đang là mô hình điểm để nhân rộng nhằm nâng cao thu nhập cho người dân trên địa bàn", ông Quang cho biết.
Anh Tuấn cho biết, thời gian tới anh sẽ phát triển đàn chồn hương sinh sản để vừa bán chồng hương thương phẩm vừa làm giống để bán cho bà con nông dân muốn khởi nghiệp với nghề nuôi chồn hương.
Theo Dân Việt