Tiền Giang: Sáng chế ô tô điện chuyển bệnh trong bệnh viện

17/01/2023 - 10:48

Kỹ sư Nguyễn Thanh Tùng, Giám đốc DNTN Chánh Tân Đức (ấp 3A, xã Đạo Thạnh, TP. Mỹ Tho, tỉnh Tiền Giang) đã nghiên cứu và cho ra đời ô tô điện giúp di chuyển bệnh nhân giữa các khoa, phòng trong bệnh viện rất tiện dụng.

A A

Kỹ sư Nguyễn Thanh Tùng bên cạnh xe điện do anh sáng chế.

Kỹ sư Tùng cho biết, qua tìm hiểu, được biết Bệnh viện Quân y 120 (phường 6, TP. Mỹ Tho) có nhu cầu trang bị xe điện phục vụ việc di chuyển bệnh nhân đang điều trị tại bệnh viện khi cần chuyển đến Khoa Cấp cứu hoặc thực hiện các xét nghiệm cận lâm sàng (do khoảng cách giữa các khoa, phòng khá xa và bệnh nhân nặng, già yếu không thể tự đi được), anh bắt tay vào nghiên cứu, thiết kế mô hình ô tô điện theo ý tưởng riêng của mình.

Đại diện Bệnh viện Quân y 120 cho biết, xe điện do kỹ sư Nguyễn Thanh Tùng sáng chế được đưa vào vận hành tại bệnh viện hơn 5 tháng nay; xe giúp vận chuyển bệnh nhân trong nội bộ bệnh viện rất tiện dụng (mỗi ngày vận chuyển từ 70 - 80 lượt bệnh nhân); xe vận hành êm, mạnh, không gây ô nhiễm môi trường trong khi giá bán chỉ bằng 1/3 so với xe điện nhập khẩu cùng loại.

Qua tham khảo các loại xe điện hiện có trên thị trường, kỹ sư Tùng nhận thấy, hầu hết các dòng xe điện nhập khẩu đều sử dụng nguồn điện từ các bình ắc quy chuyên dụng để cung cấp cho các mô tơ truyền động và thường có giá bán khá cao.

Mặt khác, loại bình ắc quy chuyên dụng này có tuổi thọ không cao và không thể thực hiện chế độ sạc nhanh trong một số trường hợp khẩn cấp. Từ đó, anh đặt ra mục tiêu trước mắt là phải tìm tòi, thiết kế ra loại pin Lithium nhằm giúp giảm giá thành, thay thế cũng như khắc phục những nhược điểm của xe điện sử dụng bình ắc quy.

Từ bảng vẽ thiết kế ban đầu, sử dụng một số linh kiện phụ trợ cùng các cells pin nhập khẩu từ Trung Quốc, kỹ sư Tùng đã tạo ra khối pin Lithium-ion (60V, 200AH) với nhiều tính năng vượt trội như: Khối pin có thể hoạt động liên tục trong 4 giờ (tương đương quãng đường di chuyển từ 120 - 160 km), thời gian sạc đầy mất 8 giờ. Song song đó, anh cũng sử dụng các phần mềm chuyên dụng để thiết kế cho mẫu xe điện dùng để di chuyển bệnh nhân trong bệnh viện rất tiện dụng.

Theo đó, xe điện do kỹ sư Tùng thiết kế có thể chở được 6 người kèm 1 băng ca dành cho bệnh nhân nặng. Xe sử dụng số điện, gồm 1 số tới, 1 số lùi và 1 số mạnh (khi lên dốc cao), xe di chuyển rất êm, mỗi ngày chỉ sạc điện một lần là đủ điện để vận hành (nếu tăng ca vào ban đêm thì sạc thêm lần 2); vận tốc tối đa của xe điện có thể đạt 40 km/giờ.

Theo kỹ sư Tùng, xe điện do anh sáng chế có giá bán khoảng 100 triệu đồng, chỉ bằng 1/3 so với xe điện do Trung Quốc sản xuất. Sau khi nghiên cứu thành công và cho ra đời mẫu xe điện đầu tiên, kỹ sư Tùng tiếp tục cải tiến mẫu mã; đồng thời, nghiên cứu tạo ra thiết bị sạc nhanh (khoảng 1 giờ) nhằm giúp tăng tầng suất hoạt động của xe điện khi nhu cầu vận chuyển tăng lên.

Kỹ sư Tùng cho biết, thực hiện chủ trương của Bộ Giao thông Vận tải, trong tháng 9-2022, Sở Giao thông Vận tải có Công văn 2139 đề nghị Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, UBND các huyện, thành phố, thị xã thông báo đến các công ty du lịch, điểm tham quan du lịch trên địa bàn quản lý lập Đề án Sử dụng xe 4 bánh chạy bằng năng lượng điện chở khách tham quan, du lịch trong phạm vi hạn chế gửi về Sở Giao thông Vận tải để tổng hợp báo cáo UBND tỉnh.

Đây sẽ là cơ hội tốt để anh tiếp tục nghiên cứu cho ra đời một số mẫu xe điện cung cấp cho doanh nghiệp lữ hành hay doanh nghiệp vận tải đưa đón khách du lịch, nhất là tại một số tuyến đường nội ô thuộc địa bàn TP. Mỹ Tho.

Ông Lê Văn Việt, Phó Chủ tịch Hiệp hội Giao thông Vận tải tỉnh Tiền Giang cho rằng, giải pháp sáng chế ra xe điện của kỹ sư Nguyễn Thanh Tùng phù hợp với chủ trương của Nhà nước về khuyến khích sử dụng năng lượng điện, năng lượng tái tạo, giúp thay thế dần nhiên liệu hóa thạch (xăng, dầu…).

Tuy nhiên, để đảm bảo đủ điều kiện, tiêu chuẩn lưu thông trên đường, anh Tùng cần liên hệ với Sở Giao thông Vận tải, Sở Khoa học và Công nghệ để được hướng dẫn lập hồ sơ thẩm định thiết kế hoặc công nhận sản phẩm tự chế. Khi phương tiện được cấp giấy kiểm tra chất lượng xuất xưởng và giấy chứng nhận chất lượng thì mới được lưu thông trên đường và khi đó, giải pháp sáng chế của anh Tùng có thể được thương mại hóa theo quy định của pháp luật.

Theo HUỲNH VĂN XĨ (Báo Ấp Bắc)