Tiền Giang: Viết tiếp những ước mơ, hoài bão

13/06/2022 - 15:16

Chương trình học bổng “Chắp cánh ước mơ” năm học 2021 - 2022 do Báo Ấp Bắc tổ chức, với sự tài trợ kinh phí của Công ty TNHH MTV Xổ số kiến thiết Tiền Giang, mong muốn là chiếc cầu nối, là điểm tựa để học sinh - sinh viên (HSSV) có hoàn cảnh khó khăn thực hiện ước mơ, hoài bão và không ngừng vươn lên trong cuộc sống.

A A

Ban Tổ chức Chương trình học bổng “Chắp cánh ước mơ” năm nay kỳ vọng chương trình không chỉ mang lại ý nghĩa cho HSSV có điều kiện kinh tế gia đình còn khó khăn, mà còn góp phần làm vơi đi những mất mát, đau thương do tác động của dịch Covid-19. Bởi dịch Covid-19 vừa qua đã để lại những khoảng trống rất khó lấp đầy trong một sớm, một chiều.

Đó là những trường hợp con mất cha, vợ mất chồng, con cháu thiếu vắng ông bà do “cơn bão Covid-19” quét qua. Thực tế này để lại nhiều hệ lụy, ảnh hưởng rất lớn đến việc học của nhiều HSSV, nhất là những em vốn đã chịu nhiều khó khăn trong cuộc sống.

Có dịp đọc qua từng hoàn cảnh của các em HSSV được đề nghị nhận học bổng “Chắp cánh ước mơ” năm học 2021 - 2022 mới thấm thía cuộc sống này vẫn còn nhiều hoàn cảnh khó khăn cần sự chung tay, góp sức của cả cộng đồng.

Có em tự khai: “Cha bị tai biến, mẹ mất do Covid-19, ở với dì, gia đình khó khăn”; có em lại tóm tắt: “Mẹ và ông ngoại mất do Covid-19, ba bị tai biến nhẹ, mất sức lao động, hiện phải sống với cậu, mợ, hoàn cảnh cũng khó khăn” hay cũng có trường hợp: “Mẹ mất do Covid-19, cha mất việc, gia đình khó khăn…”; hoặc: “Em bị ba mẹ bỏ lúc 2 tuổi, ở với ông bà nội. Ông nội mới mất, bà nội vừa bị tai nạn giao thông…”.

Cuộc sống là những vòng quay, ai rồi cũng sẽ thay đổi nếu biết cố gắng, vươn lên. Nhưng trong sâu thẳm mỗi người khi được chạm đến từng hoàn cảnh khó khăn trong xã hội, dường như đều cảm nhận được vị cay cay trong từng khóe mắt. Đó cũng là lẽ thường trong cuộc sống vốn đa sắc màu.

Xuất phát từ nhu cầu, đòi hỏi chính đáng của cuộc sống, Ban Tổ chức Chương trình học bổng “Chắp cánh ước mơ” xem đây là một trong những hoạt động xã hội mang lại nhiều ý nghĩa, thể hiện tinh thần cộng đồng trách nhiệm của Báo Ấp Bắc, Công ty TNHH MTV Xổ số kiến thiết Tiền Giang và những đơn vị đồng hành tổ chức đối với những HSSV có hoàn cảnh khó khăn nhưng luôn nỗ lực phấn đấu vươn lên, đạt thành tích học tập tốt. Những người tổ chức chương trình luôn mong muốn góp thêm động lực để cất lên những hoài bão tươi mới hơn cho các em trong cuộc sống còn nhiều khó khăn.

Nghị lực vượt khó của 2 sinh viên nghèo

Những vất vả, thiếu thốn trong cuộc sống hằng ngày không làm mất đi nghị lực sống, quyết tâm vươn lên trong học tập, lao động của Nguyễn Trọng Nhân và Phạm Thị Thùy Trang, sinh viên Trường Đại học Tiền Giang. Mỗi em một hoàn cảnh gia đình khác nhau nhưng các em đều có điểm chung là vượt khó, học giỏi để trở thành người có ích.

* NGUYỄN TRỌNG NHÂN: Học thật tốt để có điều kiện lo cho mẹ

Từ nhỏ cho đến nay, em Nguyễn Trọng Nhân (sinh năm 2001, ở xã Long An, huyện Châu Thành), sinh viên năm 3, Khoa Kỹ thuật công nghệ, chỉ sống trong tình yêu thương của mẹ. Hoàn cảnh gia đình Nhân rất khó khăn, không có đất canh tác.

Được biết, mẹ Nhân là người vợ thứ 2 của cha mình nên không được 2 bên gia đình chấp nhận. Tuy nhiên, cha em cũng đã mất cách đây 4 năm trong một vụ tai nạn giao thông. Mẹ Nhân bị bệnh tâm thần nhẹ, trước đây có đi làm cỏ mướn để kiếm tiền trang trải sinh hoạt cho 2 mẹ con. Nhưng mấy năm nay, bệnh tình của mẹ em ngày càng yếu đi nên không thể làm được gì. Hai mẹ con Nhân chỉ sống nhờ vào sự trợ cấp chính sách và lòng nhân ái của những nhà hảo tâm.

Nhân buồn bã tâm sự: “Ông, bà ngoại đã mất, các dì cũng nghèo. Trước đây, những lúc không đến trường ai thuê gì em cũng làm. Em luôn nguyện với lòng là cố gắng học thật tốt để sau này có việc làm ổn định lo cho mẹ. Do đó, khi vào đại học, em vẫn tiếp tục đi làm thêm để kiếm tiền trang trải chi phí học tập. Tranh thủ buổi chiều tối, em xin làm phục vụ cho các quán nước; cuối tuần thì xin làm phục vụ cho các đám tiệc. Hằng ngày, sau giờ học, giờ làm, em đều về nhà với mẹ, vì mẹ ở nhà có một mình, gần đây mẹ lại hay bỏ nhà đi, có hôm đi mà không nhớ đường về”.

Dù gánh nặng “cơm, áo, gạo, tiền” luôn đè nặng lên đôi vai nhưng chưa bao giờ Nhân có ý định nghỉ học, bỏ dở ước mơ của mình. Em luôn cố gắng học tập trong khó khăn chồng chất...

* PHẠM THỊ THÙY TRANG: Nghị lực của cô bé mồ côi

Với dáng người nhỏ nhắn, em Phạm Thị Thùy Trang (sinh năm 2003, ở xã Điềm Hy, huyện Châu Thành) luôn tươi cười với mọi người nhưng ẩn sau nụ cười đó là một hoàn cảnh khiến nhiều người phải chạnh lòng khi biết đến.

Mồ côi cha khi mới 2 tuổi, mẹ lấy chồng khác rồi bỏ đi biền biệt, Trang phải sống với ông, bà nội già yếu, gia cảnh khó khăn trăm bề nhưng Trang, sinh viên năm nhất Khoa Sư phạm và Khoa học cơ bản vẫn quyết tâm trở thành một giáo viên mầm non.

Trang chia sẻ: “Em chỉ còn nhớ mang máng hình ảnh của cha và mẹ. Năm em 4 tuổi, mẹ có về thăm một lần duy nhất, rồi bỏ đi luôn cho đến nay. Em sống với ông bà nội, chú thiếm út và 3 đứa con của chú thiếm. Ông nội và chú út đi làm phụ hồ, còn thiếm út thì đi giữ trẻ. Hoàn cảnh gia đình khá chật vật.

Có những lúc gia đình bế tắc, túng quẫn, thương tấm lưng còng của ông nội, em đã có ý định nghỉ học để đi làm. Trong dịp hè năm rồi, em đã xin làm công nhân ở Khu công nghiệp Long Giang (huyện Tân Phước) gần 2 tháng.

Nhưng với suy nghĩ chỉ có học mới có thể thoát nghèo nên em đã nghỉ làm công nhân, quyết tâm thi vào đại học. Em ước mơ trở thành một điều dưỡng và đã thi đậu vào Đại học Cần Thơ, nhưng vì không có điều kiện, nên em quyết định học sư phạm ở Trường Đại học Tiền Giang để đỡ phần học phí”.

Hiện tại, Trang ở trọ gần Trường Đại học Tiền Giang để vừa tiện cho việc học, vừa tranh thủ đi làm thêm. Trang cho biết: “Hè năm lớp 10, 11, em xin đi làm ở trạm dừng chân, số tiền dành dụm được, em nghe lời ông nội mua chiếc xe đạp điện để tiện cho việc đi học. Hiện tại, chiếc xe là phương tiện để em đi lại phục vụ cho việc học và làm thêm. Cuối tuần, em thường đi xe buýt về nhà thăm ông, bà nội và chú thiếm. “Trước mắt, em cố gắng học thật tốt để dành học bổng ở trường cho đỡ chi phí; đồng thời, cân bằng giữa việc học và làm thêm để kiếm tiền trang trải cuộc sống” - Trang chia sẻ.

Chia tay Trọng Nhân và Thùy Trang, 2 sinh viên nghèo ham học, chúng tôi không khỏi khâm phục ý chí vượt khó của 2 em. Cuộc đời không may khi 2 em không có được gia đình trọn vẹn như bao bạn bè cùng trang lứa nhưng với tinh thần lạc quan, cùng ý chí và nghị lực, chúng tôi tin tưởng rằng 2 em sẽ có đủ sức mạnh để vượt qua khó khăn và thực hiện được mơ ước.

Theo Báo Ấp Bắc