Đối với gia đình cô Nguyệt, những con dơi nhỏ bé chính là ân nhân, giúp gia đình cô có thu nhập ổn định, vượt qua những lúc thắt ngặt nhất của cuộc sống.
Chòi nuôi dơi được xây dựng giữa vườn cây ăn trái
Cả nhà sống nhờ “dạ minh sa”
Có dịp đi trên Quốc lộ N2, đoạn qua khu vực ấp 4, xã Mỹ Đông, người đi đường sẽ thấy những cái chòi “cao cẳng” được cất giữa vườn cây ăn trái. Hỏi ra mới biết đó là chòi nuôi dơi của gia đình cô Nguyễn Thị Ngọc Nguyệt. Mang tiếng là nuôi chứ thật ra là dụ dơi về ở để lấy phân. Chòi dơi cao hơn 10m, có từ 6 - 8 cây cột vững chắc, được treo nhiều tàu lá thốt nốt làm nơi trú ẩn cho dơi. Ban đầu, cột chòi làm bằng thân cây gòn, cây tràm, rồi dần dần thay bằng cột bê tông kiên cố. Mỗi chân cột chòi dơi đều được bao lưới để rắn không thể bò lên tấn công đàn dơi. Sau nửa tháng phải thay lá thốt nốt mới hay vệ sinh lá thốt nốt cũ rồi sử dụng lại. Lá thốt nốt chỉ sử dụng lại được khoảng 3 lần, nếu treo lá quá cũ, dơi sẽ bỏ đi.
Theo lời kể của cô Nguyệt, mùa nước nổi năm 1978, cuộc sống rất khó khăn, thường xuyên đói kém. Mẹ của cô Nguyệt - bà Bùi Thị Hết (tên thường gọi Tư Hết) là vợ liệt sĩ, một mình nuôi 3 đứa con còn nhỏ dại nên cuộc sống gia đình càng khó khăn hơn. Bà đi tận Châu Đốc làm thuê để kiếm gạo nuôi các con. Trong thời gian làm thuê ở khu vực biên giới của tỉnh An Giang, bà Tư Hết biết đến nghề nuôi dơi, lấy phân bán. Để dành được ít tiền, năm 1979, bà về Mỹ Đông, mua nửa thiên (tương đương 500) tàu lá cây thốt nốt, vài cây gòn... để cất chòi dụ dơi ở. Không lâu sau, đàn dơi kéo về trú ngụ ngày càng nhiều. Cứ sáng sớm, bà Tư Hết ra quét phân, mang phơi khô rồi đem bán cho nhà vườn quanh vùng. Từ hiệu quả kinh tế mang lại, nhiều chòi dụ dơi được cất thêm và duy trì nghề này suốt 40 năm nay.
Loại dơi mà gia đình cô Nguyệt nuôi trong thời gian qua là dơi muỗi. Loài dơi này thường chỉ ăn côn trùng, không ăn trái cây như giống dơi khác. Lúc trước, dơi về trú ngụ rất nhiều, chỉ có 3 chòi dơi mà mỗi ngày thu tới 6 - 7 giạ phân (1 giạ nặng 6kg), mang lại nguồn thu nhập khá, gia đình cô Nguyệt sống khỏe. Cô Nguyệt chia sẻ: “Thời điểm những năm đầu đất nước đổi mới, kinh tế gia đình rất khó khăn. Lúc đó, nhà tôi không có đất canh tác. Mẹ thường bệnh, không thể lao động nặng. Nhờ nghề nuôi dơi, lấy phân bán cho các nhà vườn mà 3 chị em tôi được ăn no, mặc ấm, học hành đàng hoàng. Em trai út của tôi - Nguyễn Thành Lâm có điều kiện học thêm chuyên môn và đã trở thành một lương y giỏi, sở hữu tiệm thuốc “có tiếng” tại chợ Đường Thét (xã Mỹ Quí)”.
Cô Nguyễn Thị Ngọc Nguyệt thu hoạch phân dơi
Đã qua thời “hoàng kim”
Ngoài là một vị thuốc chữa bệnh, “dạ minh sa” còn dùng làm phân bón rất tốt cho cây ăn trái, hoa kiểng nên được thị trường ưa chuộng. Giờ đây, không còn phải đội từng thúng phân dơi đi bán, khách hàng tìm tới tận nhà để mua dạ minh sa. Anh Phong ở TP.Cao Lãnh cũng vừa đến mua phân dơi của gia đình cô Nguyệt. Anh Phong cho hay: “Tôi trồng lan, nhận thấy bón phân dơi thì cây lan phát triển rất tốt. Dù giá có cao hơn phân hóa học nhưng tôi vẫn chọn phân dơi bón cho mấy chậu lan của mình”. Bây giờ, gia đình cô Nguyệt còn 7 chòi nuôi dơi. Dù giá 65 ngàn đồng/kg nhưng không có đủ phân dơi để bán. Số lượng dơi về trú ngụ giảm, cộng với tình trạng dơi bị bắt trộm nên khối lượng phân cũng giảm theo, thu hoạch mỗi chòi dơi trung bình chỉ khoảng 1 - 2kg/đêm. Những khi chòi mới thay lá thốt nốt hay bị rắn tấn công, dơi không về ở là “trắng tay”.
Hiện nay, chi phí đầu tư xây dựng một chòi dụ dơi ít nhất cũng hơn 10 triệu đồng, chưa kể lá thốt nốt phải thay thường xuyên. Lá thốt nốt được mua ở tỉnh An Giang với giá 12 ngàn đồng/tàu. Lá mua về phải rửa sạch, phơi khô, đục lỗ rồi thuê người treo lên chòi... Trung bình mỗi chòi dơi treo 400 - 500 tàu lá thốt nốt. Mỗi lần thay lá thốt nốt tốn chi phí không dưới 5 triệu đồng/chòi. “Cách nay khoảng 10 năm, mỗi đêm, một chòi dơi cho 2 - 3 giạ phân. Còn bây giờ, sản lượng phân dơi thu hoạch giảm rất nhiều, trong khi chi phí đầu tư lại tăng. Nghề nuôi dơi không còn mang lại lợi nhuận cao như trước. Nhưng nó như nghề truyền thống của gia đình nên tôi tiếp tục duy trì” - cô Nguyễn Thị Ngọc Nguyệt tâm sự.
Suốt mấy chục năm qua, cô Nguyệt vẫn giữ những chòi dơi để chúng có nơi trú ngụ và cô được đền ơn bằng những hạt “dạ minh sa”. Công việc nuôi dơi lấy phân của gia đình cô Nguyệt không chỉ giúp mang lại kinh tế mà còn góp phần bảo vệ loài dơi muỗi. Điều này cũng có nghĩa là đang bảo tồn động vật hoang dã, giữ gìn sự đa dạng sinh học trong tự nhiên.
Phân dơi được nhiều người gọi là “dạ minh sa” (nghĩa là cát phát sáng trong đêm). Theo bác sĩ Nguyễn Hữu Trai - Chủ nhiệm Phòng chẩn trị y học cổ truyền tại Khu di tích Nguyễn Sinh Sắc (thuộc Hội Đông y tỉnh Đồng Tháp), “dạ minh sa” là vị thuốc có vị cay, tính hàn, không có độc; có tác dụng điều trị chứng mắt khô, mờ mắt, giúp sáng mắt; điều trị bệnh động kinh; viêm tai giữa... Ngoài ra, “dạ minh sa” còn có tác dụng làm phân bón rất tốt.
Theo Báo Đồng Tháp