Tín ngưỡng thờ cúng Nguyễn Trung Trực trở thành di sản văn hóa quốc gia

10/10/2023 - 15:10

Những ngày này, tại TP. Rạch Giá (Kiên Giang) không khí náo nhiệt của lễ và hội tràn ngập. Nhiều năm qua đã thành thông lệ, cứ đến ngày giỗ của cụ Nguyễn, người dân khắp mọi miền về với TP. Rạch Giá, nơi có ngôi đình Nguyễn Trung Trực để tỏ tấm lòng. Và tín ngưỡng thờ cúng cụ Nguyễn dần đã được nâng lên và trở thành di sản. Tối 10-10, Đảng bộ, quân, dân tỉnh Kiên Giang sẽ đón nhận bằng di sản văn hóa phi vật thể quốc gia “Lễ hội Đình thần Nguyễn Trung Trực - Rạch Giá, tỉnh Kiên Giang”.

Giữa tháng 8 âm lịch hàng năm, người dân khắp nơi về TP. Rạch Giá chuẩn bị tổ chức lễ hội kỷ niệm ngày hy sinh của Anh hùng dân tộc Nguyễn Trung Trực.

Những ngày diễn ra lễ hội, hàng vạn người tề tựu về đây để thắp hương, bày tỏ lòng ngưỡng mộ, tri ân người anh hùng dân tộc. 

Trước năm 1975, lễ hội chưa được tổ chức quy mô, chỉ mang tính chất cúng giỗ. Năm 1986, cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt kêu gọi, vận động tôn tạo, tu bổ lại khu vực mộ và đình Nguyễn Trung Trực - Rạch Giá.

Ngày 22-3-1988, Bộ Văn hóa và Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) công nhận mộ và đình Nguyễn Trung Trực là di tích lịch sử quốc gia. Sau khi được xếp hạng, đình Nguyễn Trung Trực trở thành trung tâm sinh hoạt văn hóa và giáo dục truyền thống yêu nước cho nhân dân.

Năm 1988, kỷ niệm 120 năm ngày hy sinh của Nguyễn Trung Trực, chính quyền, Ban bảo vệ di tích lịch sử - văn hóa mộ và đình Nguyễn Trung Trực và nhân dân tổ chức nâng quy mô thành lễ hội tiêu biểu của tỉnh, từ đó lễ hội được tổ chức đều đặn, trở thành ngày hội lớn của vùng Nam bộ.

Lễ hội Nguyễn Trung Trực thu hút trên 1 triệu lượt khách thập phương về dự mỗi năm.

Theo Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao tỉnh Kiên Giang Nguyễn Văn Sáu, lễ hội Nguyễn Trung Trực có sức lan tỏa ngày càng rộng, từ một lễ giỗ bình thường được nâng lên thành lễ hội truyền thống hàng năm của tỉnh. Lễ hội trở thành nét đẹp văn hóa mang ý nghĩa sâu sắc, thể hiện đạo lý uống nước nhớ nguồn, giáo dục thế hệ trẻ về truyền thống yêu nước và tinh thần quật cường chống giặc ngoại xâm, bảo vệ đất nước. Đặc điểm riêng của lễ hội là tính gắn kết cộng đồng thể hiện qua tinh thần thiện nguyện của người dân tham gia.

“Kinh phí tổ chức lễ hội chủ yếu do người dân và doanh nghiệp đóng góp. Người đi lễ hội cùng ăn, cùng ở, cùng làm, cùng hưởng thành quả lao động mà mình góp phần trong lễ hội. Hiếm có lễ hội nào mà người dân lại tự giác cùng nhau chia sẻ giá trị tinh thần và vật chất như lễ hội Nguyễn Trung Trực”, đồng chí Nguyễn Văn Sáu cho biết.

Đối với người dân không chỉ ở Kiên Giang mà còn nhiều tỉnh, thành phố khu vực Nam bộ, lễ hội Nguyễn Trung Trực tác động lớn đến đời sống văn hóa tinh thần của người dân. Đặc biệt hơn vì từ năm nay lễ hội trở thành di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Điều này khẳng định với bạn bè trong nước và quốc tế khi nói đến Kiên Giang là nhắc đến vùng đất có bề dày lịch sử truyền thống; các giá trị luôn được giữ gìn, bảo tồn và phát huy…

Với những giá trị đặc sắc, “Lễ hội Đình thần Nguyễn Trung Trực - Rạch Giá, tỉnh Kiên Giang” được đưa vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia theo Quyết định số 151/QĐ-BVHTTDL, ngày 2-2-2023.

Bà Nguyễn Thị Bích Phượng, ngụ phường Vĩnh Bảo, TP. Rạch Giá chia sẻ: “Lễ hội Nguyễn Trung Trực là hoạt động văn hóa được người dân mong đợi. Năm nay, tôi tự hào khi Kiên Giang chính thức đón nhận bằng di sản văn hóa phi vật thể quốc gia đối với lễ hội. Tôi cùng bà con chung tay giữ gìn, phát huy giá trị di sản”.

Đồng chí Nguyễn Văn Sáu cho biết: “Thời gian tới, chúng tôi tiếp tục tăng cường tuyên truyền giá trị đặc sắc của lễ hội để nhân dân tự hào về loại hình di sản văn hóa của địa phương, góp phần làm giàu kho tàng văn hóa nhân loại, trở thành động lực và nguồn lực quan trọng để phát triển kinh tế - xã hội, để văn hóa trở thành sức mạnh nội sinh trong xây dựng và phát triển tỉnh nhà”.

Theo NGUYỄN MINH (Báo Kiên Giang)