Tình trạng sạt lở tại Cà Mau ngày càng diễn biến phức tạp

07/08/2024 - 09:55

Tình trạng sạt lở ven biển, sông rạch tại tỉnh Cà Mau ngày càng diễn biến phức tạp. Sạt lở làm thiệt hại hạ tầng giao thông, mất rừng phòng hộ, nhà ở và uy hiếp đến đất sản xuất của người dân.

Tình hình sạt lở bờ sông trên địa bàn tỉnh Cà Mau rất nan giải.

Nhìn nhà trôi sông

Bà Nguyễn Thị Út Lia ở khóm 8, thị trấn Rạch Gốc, huyện Ngọc Hiển, tỉnh Cà Mau, nhìn ngôi nhà nằm hoàn toàn dưới dòng sông Rạch Gốc, khóc nức nở: “Chạy nhanh chứ không là chết rồi”. Bà Út Lia khóc là bởi gia đình 4 người phút chốc đã mất chỗ an cư, bây giờ không biết phải ở đâu. “Tôi nghe rắc rắc, tưởng mưa rớt xuống mái nhà, rồi nghe mọi người la lên sạt đất. Tôi chạy ra khỏi cửa thì căn nhà sạt xuống sông cái ầm. Ðồ đạc đâu có kịp dời, mất hết không còn gì nữa” - bà Út Lia chia sẻ. Vụ sạt lở này diễn ra vào khuya 8-7, không chỉ nhà bà Út Lia mà còn có 3 ngôi nhà khác bị thiệt hại hoàn toàn và 5 căn thiệt hại một phần. Ông Huỳnh Thanh Ðảm, Chủ tịch UBND thị trấn Rạch Gốc, cho biết: “Vị trí này tiếp tục xuất hiện nhiều vết nứt kéo dài, nguy cơ sạt lở tiếp rất cao. Chúng tôi đã thông báo và hỗ trợ người dân lân cận di dời để đảm bảo an toàn. Trên địa bàn cũng còn 4 vị trí khác có nguy cơ bị sạt lở cao”.

Từ tháng 6 đến nay, sạt lở bờ sông đã làm sập 18 căn nhà của người dân trên địa bàn huyện Ngọc Hiển, ước thiệt hại trên 1,6 tỉ đồng. Còn tại huyện Năm Căn hiện có 65 đoạn bờ sông có nguy cơ sạt lở cao, với tổng chiều dài gần 100km. Ðiểm nóng sạt lở bờ sông của huyện Năm Căn nằm ven tuyến kênh Ðầu Chà - Biện Trượng, thuộc xã Lâm Hải. Vừa qua, 1 vụ sạt lở xảy ra làm nhà của gia đình ông Ðinh Văn Ngon trôi theo dòng nước và chia cắt giao thông đường bộ. “Sông này trước đây rất nhỏ, sạt lở kéo dài mới lớn vậy đó. Nhà tôi cất ngoài mé sông, mấy năm trước bị sạt lở lần đầu, tôi cất nhà lại tại đó ở tiếp. Vừa qua, sạt lở kéo sập cả nhà xuống sông, chính quyền xã đến động viên tôi cất vào sâu bên trong. Tôi thấy nguy hiểm quá, vào luôn đất vuông nhà cất, đi làm mệt nhọc về ngủ nghỉ yên lòng, gia đình cũng an toàn” - ông Ngon nói.

Toàn tỉnh Cà Mau hiện có khoảng 425km bờ sông, rạch bị sạt lở và có nguy cơ bị sạt lở với nhiều mức độ khác nhau. Tình hình sạt lở bờ biển cũng rất nan giải, với 187/254km bờ biển bị sạt lở. Trong vòng 10 năm trở lại đây, sạt lở bờ biển đã làm mất 5.250ha đất rừng. Tại Hội nghị Hội đồng Ðiều phối vùng ÐBSCL được tổ chức tại Cà Mau vừa qua, lãnh đạo UBND tỉnh Cà Mau cho biết mỗi năm sạt lở làm mất khoảng 200-300ha đất rừng phòng hộ ven biển. Nhiều nơi đã gần đến khu vực rừng sản xuất của người dân. Khi rừng phòng hộ lở hết, đến vuông tôm của người dân thì tốc độ sạt lở sẽ rất nhanh. Tỉnh Cà Mau cũng kiến nghị cần cho cơ chế xã hội hóa để khắc phục sạt lở.

Chủ động và sớm phòng, chống

Tại huyện Năm Căn - một trong những nơi chịu sạt lở bờ sông nghiêm trọng, việc truyền tải thông tin dự báo, cảnh báo sớm các vị trí sạt lở đang được ngành chức năng quan tâm thực hiện. Ðối với các tuyến lộ, bờ bao có nguy cơ sạt lở cao sẽ huy động các lực lượng liên quan hỗ trợ người dân gia cố, khắc phục. Bên cạnh đó, các tuyến kênh khó khắc phục về lâu dài, sẽ vận động người dân di dời nhà cửa vào sâu bên trong.

❝ Hiện tỉnh Cà Mau đã xây dựng xong Ðề án phòng, chống sạt lở bờ biển, bờ sông giai đoạn 2021-2030 và định hướng đến 2050, đang xin ý kiến các Bộ, ngành để trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Trước mắt, Cà Mau kiến nghị Trung ương quan tâm, hỗ trợ để khắc phục 21km bờ biển Ðông bị sạt lở đặc biệt nghiêm trọng, với kinh phí khoảng 1.300 tỉ đồng; 5,7km bờ sông, với kinh phí 684 tỉ đồng; đầu tư các công trình thủy lợi, khắc phục sụt lún đất ở vùng ngọt hóa của tỉnh với kinh phí khoảng 197 tỉ đồng.

Ông Lê Văn Sin, Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Năm Căn, cho biết: “Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn huyện thường xuyên phối hợp ngành chức năng và UBND các xã, thị trấn tăng cường tuyên truyền, nâng cao ý thức phòng, chống sạt lở cho người dân. Rà soát các vị trí, cắm biển cảnh báo; kiểm soát, quản lý việc xây dựng, nâng cấp nhà ở, công trình ven sông, ven biển; xử lý việc lấn chiếm lòng sông, bờ sông. Ðối với khu vực đông dân cư ven sông chưa thể di dời, khuyến cáo người dân không chất chứa vật nặng, không để người già, phụ nữ và trẻ em ngủ nghỉ qua đêm ở nơi có nguy cơ sạt lở”.

Theo Chi cục Thủy lợi tỉnh Cà Mau, địa chất tỉnh hình thành trên nền đất mềm yếu, khả năng chịu lực thấp, cùng với việc thiếu hụt nguồn phù sa bồi đắp; sự gia tải quá mức đối với bờ sông, bờ biển trong quá trình phát triển đô thị, khu dân cư, hệ thống đường giao thông cùng với dòng chảy, các phương tiện thủy lưu thông tạo ra các hàm ếch ven bờ là những nguyên nhân chính gây ra sạt lở.

Ông Nguyễn Thanh Tùng, Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi tỉnh Cà Mau, cho biết: "Tỉnh Cà Mau chủ trương rà soát các khu vực có nguy cơ xảy ra sạt lở để có phương án, kế hoạch, dự án chủ động phòng, chống sớm, từ khi chưa xảy ra. Ngoài những giải pháp mềm, ở những nơi sạt lở đặc biệt nghiêm trọng, tỉnh cũng triển khai các công trình để kịp thời phòng và tránh sạt lở có thể gây thiệt hại nghiêm trọng hơn như nơi bờ biển xung yếu, các khu đô thị, khu dân cư tập trung. Bên cạnh đó, cũng cần có các công trình chỉnh trị sông, bờ biển, giữ ổn định dòng chảy ở những nơi xói lở phức tạp”.

Theo HIẾU NGHĨA (Báo Cần Thơ)