Tổ hợp tác đánh bắt thủy sản giúp ngư dân vươn khơi, bám biển.
PHÁT HUY HIỆU QUẢ
Huyện Gò Công Đông, tỉnh Tiền Giang có trên 700 phương tiện đánh bắt xa bờ; trong đó, thị trấn Vàm Láng có hơn 400 tàu cá, phần lớn các tàu có công suất trên 90 mã lực. Hằng năm, đội tàu đánh bắt mang về đất liền hơn 20.000 tấn hải sản phục vụ nhu cầu tiêu thụ trong nước và chế biến xuất khẩu. Việc hợp tác trong đánh bắt xa bờ đang phát huy hiệu quả, ngày càng được nhân rộng.
Ông Lý Văn Liểng, Tổ trưởng Tổ hợp tác Khai thác thủy sản Trường Duy (khu phố 2, thị trấn Vàm Láng) cho biết, thành lập và đi vào hoạt động từ năm 2014, đến nay tổ hợp tác có 12 tàu thuyền đánh bắt xa bờ với 84 thành viên, mỗi chuyến đánh bắt kéo dài hơn 3 tháng. Việc tham gia tổ hợp tác đã giúp gia đình tiết kiệm chi phí sản xuất, nâng cao hiệu quả trong mỗi chuyến khai thác.
Còn theo ông Nguyễn Văn Mùi (khu phố Lăng 3, thị trấn Vàm Láng), gia đình ông gia nhập Tổ hợp tác Khai thác thủy sản Minh Tiến đánh bắt xa bờ được 7 năm. Hiện tổ hợp tác có 5 tàu thuyền với 35 thành viên, phương tiện được đầu tư trang thiết bị hiện đại như bộ đàm, định vị.
“Từ ngày tổ hợp tác thành lập, tôi thấy có sự đoàn kết trong đánh bắt thủy sản xa bờ. Các thành viên trong tổ hỗ trợ với nhau bằng nhiều hình thức như điểm nào có tôm, cá, thành viên sẽ gọi thành viên trong tổ đến đánh bắt hay hỗ trợ kịp thời khi có sự cố trên biển. Hay khi có tàu lạ đến vùng biển của mình, anh em sẽ thông tin cho Cảnh sát biển, kiểm ngư và Lực lượng Biên phòng biết để đến làm việc”.
Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND thị trấn Vàm Láng Huỳnh Thanh Toàn cho biết: “Những năm qua, cấp ủy, chính quyền thị trấn Vàm Láng phối hợp với cấp ủy Đồn Biên phòng Kiểng Phước thành lập được 18 tổ hợp tác khai thác đánh bắt thủy sản. Mô hình tổ hợp tác trên được ngư dân tham gia rất tích cực, lợi nhuận của ngư dân ngày càng được nâng lên”.
GÓP PHẦN GIỮ VỮNG CHỦ QUYỀN
Ngoài việc hỗ trợ, giúp đỡ nhau trong đánh bắt, việc hình thành các tổ hợp tác đánh bắt thủy sản xa bờ còn giúp cho các tàu hỗ trợ nhau vươn khơi được xa hơn, chuyến đi biển được dài ngày hơn, hỗ trợ nhau trong công tác tìm kiếm cứu hộ - cứu nạn trên biển, góp phần bảo vệ chủ quyền quốc gia.
Thành viên tổ hợp tác hỗ trợ nhau để cùng phát triển.
Bên cạnh đó, với sự hỗ trợ của chính quyền địa phương và Bộ đội Biên phòng, các tổ hợp tác khai thác đánh bắt thủy sản xa bờ không chỉ là điểm tựa cho nhau khi đánh bắt trên biển, mà còn cung cấp cho lực lượng chức năng nhiều thông tin có giá trị trong công tác tìm kiếm cứu hộ - cứu nạn trên biển, trong đấu tranh phòng, chống tội phạm.
Thiếu tá Nguyễn Thành Chiến, Chính trị viên Đồn Biên phòng Kiểng Phước (Bộ đội Biên phòng Tiền Giang) cho biết: “Thực hiện Chỉ thị 01 của Thủ tướng Chính phủ, Đồn Biên phòng Kiểng Phước phối hợp cấp ủy, chính quyền 3 xã, thị trấn tiến hành thành lập các tổ tàu thuyền đánh bắt an toàn trên biển. Qua công tác phối hợp, đồn và địa phương đã thành lập được 32 tổ đánh bắt an toàn trên biển.
“Qua các tổ đánh bắt an toàn trên biển, cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Kiểng Phước đã tuyên truyền những chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, nhất là việc khai thác không vi phạm chủ quyền vùng biển nước láng giềng đến ngư dân. Mặt khác, các tổ đánh bắt an toàn trên biển cũng đã cung cấp thông tin về tình hình trên biển để cấp ủy, chính quyền địa phương và Đồn Biên phòng Kiểng Phước chủ động trong công tác phối hợp và triển khai thực hiện” - Thiếu tá Nguyễn Thành Chiến chia sẻ.
Duy trì ổn định hoạt động, hiệu quả các tổ hợp tác đánh bắt thủy sản xa bờ không chỉ giúp cho ngư dân vươn khơi, bám biển, mà còn góp phần phát huy sức mạnh tổng hợp của nhân dân trong công tác quản lý, bảo vệ chủ quyền lãnh thổ an ninh biên giới quốc gia, góp phần xây dựng, củng cố nền biên phòng toàn dân, thế trận an ninh nhân dân ngày càng vững chắc.
Theo Báo Ấp Bắc