Trà Vinh: Chuyển đổi số ngành nông nghiệp

01/11/2023 - 09:10

Chuyển đổi số có ý nghĩa quan trọng với tất cả các lĩnh vực trong thời đại 4.0 hiện nay. Trong đó, chuyển đổi số ngành nông nghiệp có vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế. Đây là quá trình ứng dụng các công nghệ kỹ thuật số từ sản xuất đến chế biến, phân phối đến tiêu thụ sản phẩm. Từ đó, thay đổi cách thức quản lý, sản xuất và tiêu thụ sản phẩm từ truyền thống sang hiện đại và thông minh.

Hệ thống giám sát độ mặn tự động được cập nhật theo chu kỳ cài đặt để (thông qua điện thoại thông minh) thực hiện bơm nước lên cánh đồng bê tông nổi ấp Cầu Tre, xã Phú Cần, huyện Tiểu Cần.

Được biết, giá trị sản xuất ngành nông nghiệp chiếm khoảng 30% trong cơ cấu GRDP của tỉnh, trong đó người dân sản xuất nông nghiệp chiếm tỷ lệ cao (trên 70%). Do đó, ứng dụng chuyển đổi số vào sản xuất nông nghiệp, giúp tăng năng suất, chất lượng, sản lượng từ sản phẩm nông nghiệp có vai trò quan trọng đối với sự phát triển kinh tế địa phương. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã đẩy mạnh thực hiện các hoạt động chuyển đổi số ở tất cả các lĩnh vực do ngành phụ trách.

Theo đồng chí Lê Thị Linh, Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn): nhằm thực hiện hiệu quả chuyển đổi số, ngành quan tâm đào tạo đội ngũ trí thức, kỹ sư có trình độ chuyên môn cao, ứng dụng hiệu quả các công nghệ 4.0 trong sản xuất nông nghiệp. Tiếp nhận, chuyển giao ứng dụng khoa học - kỹ thuật, công nghệ tiên tiến đến tổ chức, cá nhân áp dụng vào thực tiễn sản xuất, tiêu thụ sản phẩm.

Trong đó, lĩnh vực trồng trọt đang ứng dụng mô hình máy bay không người lái phun thuốc bảo vệ thực vật, bón phân. Sử dụng phần mềm quản lý sâu bệnh PPDMS 2.0, nhằm đưa ra dự báo dài hạn, trung hạn, ngắn hạn; các mô hình bẫy rầy thông minh, dự báo thời tiết qua Zalo nhóm, bơm nước tự động (sản xuất lúa cánh đồng lớn), mô hình nhà lưới kiểm soát nhiệt độ, ẩm độ tự động. Định vị cấp mã số vùng trồng, truy xuất nguồn gốc sản phẩm.

Nông dân Thạch Rene, ấp Cầu Tre, xã Phú Cần cho biết: trong sản xuất lúa ở vùng kênh bê-tông nổi Cầu Tre, toàn bộ diện tích sản xuất trên 110ha đều giám sát được độ ẩm của đất, độ mặn từ nguồn nước ngoài kênh thông qua điện thoại thông minh gắn kết với dụng cụ đo ẩm độ đặt trong ruộng. Gia đình có gần 01ha đất trồng lúa đều ứng dụng công nghệ này. Từ đó, nông dân sẽ xử lý việc bơm nước vào ruộng phù hợp với từng chu kỳ sinh trưởng của lúa theo hình thức “ngập - khô xen kẽ” vừa tiết kiệm chi phí sản xuất, nguồn nước…

Lĩnh vực thủy sản triển khai mô hình nuôi tôm kiểm soát qua điện thoại thông minh, trong đó có mô hình nuôi tôm khép kín kiểm soát tự động từ chăn nuôi đến phân phối sản phẩm hệ thống quan trắc nước tự động. Về lĩnh vực chăn nuôi, thông qua quản lý, xác định các ổ dịch bệnh từ hệ thống VAHIP, quản lý khí phát thải công trình Biogas. Về lĩnh vực quản lý, bảo vệ rừng, ngành đã thiết lập bản đồ số trong lâm nghiệp. Đối với lĩnh vực thủy lợi, thực hiện đo tự động (độ mặn, biến động của mực nước) tại vàm, cống đầu mối trên địa bàn tỉnh.

Nông dân Võ Văn Bền, ấp Bà Nhì, xã Đôn Châu, huyện Duyên Hải cho biết: năm 2022, gia đình được triển khai công nghệ giám sát nguồn nước trong nuôi thủy sản (với các chỉ số đo: pH, độ mặn, độ trong nước; Oxy) tích hợp qua hệ thống điện thoại thông minh. Công nghệ chuyển đổi số đã tác động tích cực cho nông dân, nhất là hộ nuôi thủy sản không còn thực hiện thủ công như trước đây; với các chỉ số vượt mức cảnh báo, người nuôi tôm sẽ tiến hành xử kịp thời…

Bên cạnh ứng dụng chuyển đổi số trong quá trình sản xuất; ứng dụng chuyển đổi số còn giúp người tiêu dùng cũng như nhà sản xuất thực hiện giám sát sản phẩm của doanh nghiệp khi đưa ra ngoài thị trường thông qua việc truy xuất nguồn gốc; quảng bá và kết nối đưa các sản phẩm (sản phẩm OCOP, sản phẩm VietGap…) lên các sàn thương mại điện tử. Hay công tác quản lý tài chính với phần mềm kế toán Waca cho hợp tác xã, cơ sở OCOP… Qua đó, đã tập huấn cho trên 500 lượt người trên địa bàn tỉnh về ứng dụng công nghệ 4.0, chuyển đổi số.

Theo NGỌC XOÀN - HỮU HUỆ (Báo Trà Vinh)