Cảng cá Định An, huyện Trà Cú.
Theo đó, tỉnh rà soát, điều chỉnh, bổ sung quy hoạch chung và quy hoạch chi tiết các khu chức năng, quy hoạch phát triển kết cấu hạ tầng trong Khu Kinh tế Định An; tranh thủ các nguồn vốn hỗ trợ của Trung ương và xúc tiến kêu gọi đầu tư hạ tầng khu kinh tế, khu công nghiệp, cụm công nghiệp. Đồng thời, tập trung phát triển các ngành dịch vụ viễn thông, công nghệ thông tin, vận tải, logistics, dịch vụ tài chính, ngân hàng, tư vấn, dịch vụ y tế, giáo dục chất lượng cao, cung cấp điện, nước sạch và các loại dịch vụ khác phục vụ nhu cầu xã hội.
Địa phương đẩy mạnh cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh; tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, công khai, minh bạch thông tin, nhất là trong giải quyết thủ tục hành chính, cung cấp dịch vụ công trực tuyến liên quan đến doanh nghiệp và nhà đầu tư; chủ động gặp gỡ, trao đổi và lắng nghe các phản ánh, góp ý của doanh nghiệp.
Tỉnh cũng phát triển hệ sinh thái về khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo; đổi mới và nâng cao năng lực cạnh tranh trong thu hút đầu tư nước ngoài; xây dựng cơ chế, chính sách cho khu kinh tế, khu công nghiệp, cụm công nghiệp theo hướng trọng tâm phát triển và vượt trội phù hợp với đặc thù của từng mô hình, bảo đảm tính liên kết, đồng bộ với các khu vực khác.
Bên cạnh đó, tỉnh tiếp tục tái cơ cấu ngành công nghiệp theo hướng chuyển dần từ gia công chế biến sang sản xuất toàn bộ và tham gia vào chuỗi giá trị; tập trung phát triển các ngành công nghiệp công nghệ cao, thân thiện với môi trường, có lợi thế so sánh, giải quyết được nhiều việc làm, sản xuất hàng xuất khẩu như chế biến nông, thủy sản, thực phẩm, công nghiệp hỗ trợ, công nghiệp điện tử, cơ khí chế tạo, đóng tàu, giày da, năng lượng tái tạo,…
Đẩy mạnh thực hiện đề án ứng dụng khoa học và công nghệ trong quá trình tái cơ cấu ngành công nghiệp giai đoạn đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030; chương trình hành động về sản xuất và tiêu dùng bền vững giai đoạn 2021 - 2030.
Cùng với đó, tỉnh cũng thực hiện giải pháp phát huy năng lực nội tại và tận dụng lợi thế cạnh tranh nhằm cải thiện hiệu quả hợp tác đầu tư nước ngoài; nâng cao hiệu quả của hội nhập kinh tế quốc tế và vị thế Việt Nam trên trường quốc tế; hiện đại hóa và đa dạng hóa công tác xúc tiến đầu tư; nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về đầu tư nước ngoài.
Tỉnh Trà Vinh hiện có 380 dự án còn hiệu lực; trong đó có 37 dự án đầu tư nước ngoài, với tổng vốn đăng ký 3,07 tỷ USD và 343 dự án đầu tư trong nước với tổng vốn đăng ký 137.922 tỷ đồng.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Quỳnh Thiện cho biết, tỉnh Trà Vinh là 01 trong 07 tỉnh ở khu vực đồng bằng sông Cửu Long có có vị trí địa lý giáp biển, với hơn 65 km chiều dài đường bờ biển. Tỉnh có 5/9 đơn vị hành chính cấp huyện nằm ven biển với tổng diện tích hơn 1.500km2, chiếm gần 65% diện tự nhiên toàn tỉnh. Tỉnh có Luồng cho tàu biển trọng tải lớn vào Sông Hậu xuyên qua địa phận tỉnh Trà Vinh thông với Biển Đông, nối liền cảng Cái Cui (Cần Thơ). Đây là công trình giúp Trà Vinh trở thành đầu mối giao thương hàng hóa với quốc tế thông qua con đường vận tải biển và là điều kiện thuận lợi để hàng hóa nông sản thế mạnh của tỉnh Trà Vinh tiếp cận thị trường trong nước, các nước tiểu vùng sông Mê-Kông và các nước cộng đồng kinh tế ASEAN.
Cùng với luồng tàu biển, tỉnh còn có Khu Kinh tế Định An, là 01 trong 08 khu kinh tế ven biển trọng điểm của cả nước được Trung ương đầu tư nhằm khai thác tiềm năng kinh tế biển; thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội và tăng trưởng công nghiệp địa phương nói riêng, đồng bằng sông Cửu Long nói chung.
Bên cạnh đó, tỉnh có nhiều lợi thế phát triển nghề nuôi trồng và đánh bắt thủy sản với gần 34.000 ha nuôi trồng và gần 1.200 tàu đánh bắt thủy sản. Hiện nay, tỉnh Trà Vinh đang mời gọi nhiều dự án đầu tư phát triển kinh tế biển trên địa bàn.
Theo Báo Trà Vinh