Tôm càng xanh. Ảnh minh họa: Lê Sen/TTXVN
Ông Nguyễn Văn Huệ, hộ dân chuyên nuôi tôm càng xanh ở ấp Xẻo Ranh, xã Long Hòa, huyện Châu Thành cho biết, nhiều năm nay, nông dân ở xã Long Hòa đã thực hiện mô hình sản xuất lúa hữu cơ – tôm càng xanh hoặc chuyên nuôi tôm càng xanh với tổng diện tích gần 700 ha.
Năm nay, theo dự báo của ngành nông nghiệp tỉnh nước mặn trên các nhánh sông sẽ xuất hiện vào những ngày cuối tháng 12 và tháng đầu năm 20223. Vì vậy, nông dân nuôi càng xanh tập trung thu hoạch tôm nuôi tránh thiệt hại.
Theo ông Huệ, năm nay nông dân nuôi tôm càng xanh đều có lãi nhiều nhờ giá tôm càng xanh thương phẩm ổn định mức cao. Hiện tôm càng xanh đang được các thương lái thu mua tại ao loại tôm từ 7 – 10 con/kg từ 250.000 – 260.000 đồng/kg; tôm loại 11 – 14 con/kg có giá 210.000 đồng/kg, tôm loại 15 – 17 con/kg có giá 170.000 đồng/kg.
Bình quân, 1 ha đất sản xuất mô hình lúa – tôm càng xanh cho sản lượng tôm thu hoạch từ 350 – 400 kg/ha/vụ. Với mức giá tôm càng thương phẩm như hiện nay, nông dân có thu nhập lãi ròng khoảng 70 triệu đồng từ tôm càng xanh, chưa tính nguồn thu từ lúa.
Ông Nguyễn Văn Quốc, Chi Cục Trưởng Chi cục Thủy sản Trà Vinh cho biết, từ năm 2019 đến nay, nông dân ở vùng nước lợ thuộc các huyện Châu Thành, Cầu Ngang, Trà Cú, Duyên Hải đã phát triển mô hình sản xuất lúa – tôm càng xanh hoặc 1 vụ nuôi tôm sú - 01 vụ lúa. Riêng diện tích nuôi tôm càng xanh năm 2022 toàn tỉnh đạt khoảng 1.700 ha mặt nước.
Mô hình sản xuất 1 vụ lúa – 1vụ tôm càng xanh hoặc 1 vụ tôm sú đang được ngành nông nghiệp tỉnh khuyến khích nông dân ở vùng nước lợ thực hiện thay cho sản xuất 2 vụ lúa trong năm hoặc chuyên nuôi tôm sú, tôm thẻ chân trắng gặp nhiều rủi ro về xâm nhập mặn và dịch bệnh trên tôm do biến động môi trường nước. Mô hình 1 vụ lúa – 1vụ tôm càng xanh hoặc 1 vụ tôm sú được sản xuất theo phương thức sạch, sản phẩm bán ra với giá cao, nông dân sản xuất bền vững và đảm bảo được lợi nhuận.
Theo PHÚC SƠN (TTXVN)