Trà Vinh: Thực hiện Nghị quyết số 03/HĐND “Đòn bẩy” trong tái cơ cấu sản xuất nông nghiệp

16/05/2022 - 09:12

Thực hiện Nghị quyết số 03/NQ-HĐND, ngày 19/3/2021 của HĐND tỉnh về ban hành Quy định chính sách hỗ trợ tái cơ cấu ngành nông nghiệp tỉnh Trà Vinh, giai đoạn 2021 - 2025, có thể nói, đây là “đòn bẩy” trong tái cơ cấu sản xuất nông nghiệp, góp phần nâng cao giá trị sản phẩm nông sản và hướng đến sản xuất tập trung, ổn định và bền vững về đầu ra sản phẩm gắn kết với thị trường...

A A

Ông Lê Văn Đông, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Trà Vinh cho biết: qua thực hiện Nghị quyết số 15/2016/NQ-HĐND nay là Nghị quyết 03/2021/HĐND tỉnh, đã tác động tích cực vào lĩnh vực nông nghiệp. Nhiều địa phương thực hiện tốt công tác chuyển đổi cây trồng, vật nuôi, chuyển đổi đất sản xuất lúa kém hiệu quả và từng bước nâng cao giá trị sản xuất, đáp ứng yêu cầu sản xuất tập trung, như: hình thành các vùng sản xuất dừa hữu cơ tập trung thấp nhất là 220ha, đảm bảo được chất lượng gắn với bao tiêu sản phẩm đầu ra; phát triển mạnh các vùng rau an toàn, dưa... sản xuất an toàn trong nhà lưới và các cửa hàng kinh doanh rau an toàn, VietGAP, OCOP... từ đó cung cấp sản phẩm sạch, an toàn cho người tiêu dùng; đã có thêm nhiều cơ sở sản xuất tôm thâm canh mật độ cao... và nhất là đến nay, các tàu cá của tỉnh đã được lắp đặt thiết bị VMS tạo điều kiện để giám sát hoạt động của các tàu cá và tháo gỡ thẻ vàng IUU của châu Âu.   

Qua thực hiện tái cơ cấu trong sản xuất nông nghiệp, với sự tác động của nguồn vốn từ Nghị quyết số 03/NQ-HĐND đã tăng diện tích chuyển đổi và nâng cao giá trị sử dụng đất trong sản xuất của các địa phương. Về diện tích cây màu, cây công nghiệp ngắn ngày và cây hàng năm khác, đến cuối tháng 4/2022, tổng diện tích gieo trồng 20.485ha, đạt 38,72% kế hoạch, cao hơn cùng kỳ 289ha; diện tích cải tạo trồng mới cây dừa và cây ăn trái 105,5ha, nâng tổng diện tích cây ăn trái toàn tỉnh 18.313ha, ước sản lượng thu hoạch 69.899 tấn, cao hơn cùng kỳ 2.419 tấn và sản lượng dừa khô trái 88.546tấn, cao hơn cùng kỳ 6.555 tấn…

Nông dân xã Hòa Tân, huyện Cầu Kè chuyển đổi sang trồng dừa sáp trên đất lúa theo Nghị quyết số 03/NQ-HĐND, giúp nông dân hướng tới sản xuất tập trung, liên kết. 

Ghi nhận trên địa bàn huyện Cầu Kè là địa phương có kế hoạch thực hiện chuyển đổi cơ cấu sản xuất cao nhất của tỉnh, đặc biệt là trong chuyển đổi kinh tế vườn (cây ăn trái, dừa) đã từng bước mang lại giá trị cao cho nông dân trong huyện; góp phần rất lớn trong việc hình thành và khôi phục lại các diện tích vườn cây ăn trái đặc sản  của Cầu Kè như chôm chôm, măng cụt, cam sành, dừa sáp... Trong năm 2021, trên địa bàn huyện đã thực hiện chính sách hỗ trợ trồng mới hoặc cải tạo vườn cây ăn quả, vườn dừa, vườn tạp, đất trồng mía… được 210,9ha; chính sách hỗ trợ chuyển đổi đất lúa kém hiệu quả được 4,85ha.

Nông dân Nguyễn Văn Út, Tổ trưởng Tổ hợp tác trồng cam sành Ấp III, xã Thạnh Phú, huyện Cầu Kè cho biết: năm 2021, thông qua Nghị quyết số 03/NQ-HĐND tỉnh đã đầu tư cho 13 hộ/20ha trong ấp chuyển đổi trồng cam sành. Riêng gia đình có 1,8ha được hỗ trợ 20 triệu đồng/ha để chuyển đất lúa sang trồng cam sành; mặc dù nguồn vốn hỗ trợ chỉ chiếm khoảng 20%/tổng chi phí nhà vườn đầu tư, nhưng có tác động giúp nhà vườn tạo sự gắn bó, liên kết thông qua việc thành lập tổ hợp tác trước khi thực hiện chuyển đổi; cùng xây dựng kế hoạch sản xuất, ký kết mua vật tư nông nghiệp cũng như trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm trong sản xuất, tiêu thụ sản phẩm...

Cũng theo ông Lê Văn Đông, chính sách hỗ trợ từ Nghị quyết số 03/NQ-HĐND còn tạo điều kiện cho người sản xuất đầu tư cơ sở vật chất, máy móc thiết bị, đào tạo nhân lực và tiếp cận, áp dụng khoa học công nghệ, áp dụng công nghệ cao trong sản xuất. Ứng dụng quy trình canh tác theo hướng sạch, xanh, hữu cơ (VietGAP) trên cây trồng và vật nuôi, nuôi trồng thủy sản. Nâng cao chất lượng, an toàn thực phẩm, truy xuất nguồn gốc sản phẩm, bảo vệ môi trường và sức khỏe, an sinh xã hội cho người lao động đáp ứng tiêu dùng trong nước và xuất khẩu. Thúc đẩy việc xây dựng chuỗi giá trị sản phẩm OCOP gắn với XDNTM. Đây cũng là một trong những nội dung trọng tâm làm việc của lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn với các địa phương ở những tháng đầu năm 2022 để hỗ trợ hoặc tháo gỡ vướng mắc cho các địa phương, nhất là các địa phương dự kiến sẽ được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới trong năm 2022 và năm 2023.

Theo kế hoạch đầu tư chuyển đổi trong năm 2022, toàn tỉnh thực hiện 2.304,7ha, với 169 cơ sở, tổng kinh phí trên 45,54 tỷ đồng ở các lĩnh vực: sản xuất, tiêu thụ rau an toàn; trồng mới hoặc cải tạo vườn cây ăn quả, vườn cây dừa, vườn tạp, đất trồng mía; quy trình thực hành sản xuất nông nghiệp tốt VietGAP… tập trung trên địa bàn các huyện:

Càng Long: 319,4ha, tổng kinh phí 5,38 tỷ đồng;

Cầu Kè 1.272ha, kinh phí 18,45 tỷ đồng;

Trà Cú 126,5ha, kinh phí 2,37 tỷ đồng;

Cầu Ngang 97,7ha, kinh phí 4,7 tỷ đồng;

Thị xã Duyên Hải 59ha, kinh phí 3,44 tỷ đồng;

Thành phố Trà Vinh 54,43ha, kinh phí hỗ trợ 0,9 tỷ đồng…

Trong qúy I/2022, qua thực hiện đầu tư nguồn vốn tái cơ cấu sản xuất, các địa phương đã thực hiện chuyển đổi 261,65ha đất lúa kém hiệu quả sang trồng màu, trồng cỏ và trồng mới vườn cây ăn trái, vườn dừa (trồng bắp, màu thực phẩm và trồng cỏ 153,2ha; cây ăn trái 81,96ha, dừa 24,49ha).

Theo Báo Trà Vinh