Ông Thạch Vĩnh (xã Lưu Nghiệp Anh, huyện Trà Cú) trồng cỏ kết hợp chăn nuôi bò sinh sản trên nền đất mía.
Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Trà Vinh Lê Văn Đông cho biết, hằng năm, Công ty cổ phần Mía đường Trà Vinh hỗ trợ giống, vốn, kỹ thuật, hợp đồng bao tiêu sản phẩm cho hơn 90% hộ trồng mía. Tuy vậy, những năm gần đây, nông dân huyện Trà Cú chuyển đổi hơn 4.000 ha đất mía sang trồng lúa kết hợp nuôi tôm, trồng cỏ nuôi bò, cây ăn trái, rau màu để tăng thu nhập kinh tế.
Cây xóa nghèo vùng đồng bào Khmer
Năm 2018, UBND tỉnh Trà Vinh rà soát, bổ sung quy hoạch vùng nguyên liệu mía của tỉnh đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030. Theo đó, diện tích trồng mía khoảng 5.800 ha, năng suất bình quân đạt 129 tấn/ha, chữ đường bình quân 10,5 CCS, công suất nhà máy chế biến đường 5.000 tấn mía cây/ngày, giá trị sản xuất bình quân 149 triệu đồng/ha; phấn đấu đến năm 2030, đầu tư thâm canh diện tích mía hiện có, áp dụng công nghệ tiên tiến, năng suất bình quân đạt từ 130 đến 140 tấn/ha, chữ đường bình quân 11 CCS, giá trị sản xuất bình quân 162 triệu đồng/ha.
Hệ thống đê bao ngăn triều cường sông Hậu cho vùng nguyên liệu mía đường của huyện Trà Cú dài hơn 51 km, với tổng mức đầu tư hơn 280 tỷ đồng từng bước hoàn thiện, giúp nông dân ổn định sản xuất. Tiếp nối, hạ tầng điện, hoạt động chuyển giao tiến bộ khoa học, kỹ thuật, thay đổi giống mới, mời gọi doanh nghiệp đầu tư chế biến mía đường... tạo sinh kế cho hàng nghìn hộ Khmer nghèo. Từ đó, những cánh đồng mía rộng lớn, ngút ngàn mầu xanh trải dài từ vùng ven của thị trấn Trà Cú đến các xã Lưu Nghiệp Anh, An Quảng Hữu, Kim Sơn, Hàm Tân, Ngãi Xuyên của huyện Trà Cú. Cứ vào vụ thu hoạch, hàng trăm phương tiện ghe, tàu chở mía từ các tỉnh Sóc Trăng, Hậu Giang đến Công ty cổ phần Mía đường Trà Vinh chế biến, gây ách tắc giao thông trên cả tuyến sông Trà Cú.
Theo Bí thư Chi bộ ấp Bến Bạ (xã Hàm Tân, huyện Trà Cú) Huỳnh Văn Gáo, ấp Bến Bạ có 428 hộ dân sinh sống với 1.778 nhân khẩu; trong đó số hộ dân tộc Khmer chiếm hơn 90%. Trước đây, nông dân ấp Bến Bạ chuyên canh 105 ha mía, năng suất bình quân đạt 120 tấn mía cây/ha, người trồng mía lợi nhuận 80 triệu đồng. Mía trúng mùa, được giá, nhiều hộ dân trong ấp xây nhà khang trang, sắm sửa đầy đủ tiện nghi sinh hoạt gia đình. Tỷ lệ hộ nghèo của ấp Bến Bạ trước đây hơn 30%, nay đã giảm còn 2%.
Trao đổi cùng gia đình nông dân Thạch Vĩnh, ở ấp Long Hưng, xã Lưu Nghiệp Anh, huyện Trà Cú, chúng tôi được biết, trước đây gia đình ông Thạch Vĩnh là hộ nghèo. Sau 15 năm gắn bó với cây mía, gia đình ông đã thoát nghèo, cất nhà khang trang, nuôi con ăn học đàng hoàng. Mấy vụ mía gần đây, ông Thạch Vĩnh quyết định chuyển 0,3 ha đất mía của gia đình sang trồng cỏ kết hợp với nuôi bò sinh sản, cho thu nhập từ 40 đến 50 triệu đồng/năm từ việc bán bê con. Tới đây, ông Thạch Vĩnh có kế hoạch phát triển đàn bò sinh sản của gia đình với số lượng từ 10 con trở lên.
Hiệu quả cây trồng, vật nuôi trên nền đất mía
Tại các cuộc hội thảo, đối thoại về giải pháp phát triển bền vững cây mía do UBND tỉnh Trà Vinh tổ chức, theo nhận định của các chuyên gia, không riêng tỉnh Trà Vinh, các vùng nguyên liệu mía trong cả nước đều cho năng suất thấp, công nghệ lạc hậu, giá thành sản xuất cao so với các nước trong khu vực và thế giới. Thời gian qua, địa phương và ngành mía đường chưa giải quyết kịp thời những hạn chế, bất cập nêu trên, liên tục bốn vụ mía gần đây giá phân bón, dịch vụ máy móc tăng, lao động khan hiếm, cây mía cho hiệu quả kinh tế thấp. Vụ mía 2021-2022, nông dân huyện Trà Cú trồng mới, lưu gốc 800 ha mía, nhưng chưa chú ý khâu chăm sóc, năng suất bình quân chỉ đạt 70 tấn mía cây/ha. Theo các hộ trồng mía, để trồng mới 1 ha mía, nông dân phải làm đất, mua giống, bón phân, thuê nhân công vun gốc, đánh lá với chi phí khoảng 50-60 triệu đồng; nếu là mía lưu gốc, chi phí đầu tư không dưới 40 triệu đồng. Chi phí đầu tư cao, năng suất tụt giảm, hộ trồng mía có lợi nhuận chỉ 20-25 triệu đồng/ha, thấp hơn nhiều loại cây trồng, vật nuôi khác.
Từ năm 2019, để tạo sinh kế, tăng thu nhập kinh tế hộ, ông Trì Chí Khang, ở ấp Bến Bạ, xã Hàm Tân (huyện Trà Cú) đã bỏ chuyên canh cây mía. Với 0,7 ha đất canh tác, ông Khang sản xuất hai vụ trong năm, gồm vụ lúa kết hợp nuôi tôm càng xanh và thủy sản nước lợ. Ông Khang phấn khởi cho biết, vụ lúa-tôm năm 2021, gia đình ông trồng giống lúa Nàng Đỏ đạt năng suất 6 tấn/ha, bán giá 7.000 đồng/kg lúa, cộng với thu hoạch trên 300 kg tôm càng xanh, bán giá 120.000 đồng/kg, trừ chi phí đầu tư, lợi nhuận 40 triệu đồng, nếu so với cây mía cao hơn gấp nhiều lần.
Năm 2021, Hội Nông dân tỉnh Trà Vinh hỗ trợ nông dân xã Hàm Tân (huyện Trà Cú) thực hiện mô hình “Con tôm ôm cây lúa” trên nền đất mía, hàng trăm hộ dân các xã, thị trấn của huyện Trà Cú đến tham quan và rất tâm đắc về hiệu quả kinh tế. Hội cũng đã hỗ trợ nông dân huyện Trà Cú thực hiện các mô hình nuôi cá thát lát, cá sặc rằn; trồng cỏ kết hợp chăn nuôi bò; trồng dừa xiêm trên đất mía; ứng dụng tiến bộ kỹ thuật canh tác lúa, rau màu, góp phần nâng giá trị sản xuất bình quân 1 ha đất nông nghiệp của huyện Trà Cú đạt trên 110 triệu đồng/năm. Ngoài ra, việc triển khai các chương trình, dự án hỗ trợ chăn nuôi bò thịt, bò sinh sản gắn với tập huấn kỹ thuật, giúp nông dân sử dụng hiệu quả các phụ phẩm nông nghiệp như rơm, đậu phộng, cám để bổ sung nguồn thức ăn và thực hiện tiêm phòng thú y đầy đủ cho đàn gia súc, giảm rủi ro.
Thực tế, việc chuyển đổi cây trồng, vật nuôi của nông dân vùng nguyên liệu mía huyện Trà Cú còn mang tính tự phát, chưa đúng định hướng cơ cấu kinh tế nông nghiệp của tỉnh Trà Vinh. Đề cập đến việc tháo gỡ khó khăn cho vùng nguyên liệu mía, ông Lê Văn Đông, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Trà Vinh cho rằng, địa phương, doanh nghiệp, nông dân cần sớm khắc phục các hạn chế về năng suất, công nghệ, giá thành sản xuất; đồng thời, khai thác tối đa đất đai để nâng cao năng suất, đưa cơ giới hóa vào sản xuất, tăng cường quản lý dịch vụ giống, phân bón, đổi mới công nghệ chế biến để giảm chi phí sản xuất.
Theo MINH KHỞI (Nhân dân)