Trà Vinh: Tưng bừng Lễ hội Cúng biển Mỹ Long

29/06/2023 - 15:29

Lễ hội Cúng biển (còn gọi là Nghinh ông là lễ hội dân gian truyền thống đặc trưng của vùng đất ven biển, của người dân làng đáy biển Mỹ Long. Từ năm 2013, Lễ hội Cúng biển Mỹ Long được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đưa vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia.

Chị Nguyễn Thị Trúc Linh, Phường 2, thị xã Duyên Hải (áo hồng) thắp hương, hành lễ Bà Chúa Xứ.

Thị trấn Mỹ Long, huyện Cầu Ngang, địa phương có tiềm năng với nghề khai thác và đánh bắt thủy hải sản. Từ đó, ngư dân thị trấn Mỹ Long luôn coi trọng các nghi lễ của các ngày Lễ hội Cúng biển nhằm tạ ơn thần biển và gửi trọn niềm tin vào thần thánh hộ độ cho ngư dân đánh bắt thuận buồm xuôi gió, cuộc sống ấm no, hạnh phúc.

Hòa mình vào không khí tưng bừng, nhộn nhịp tại Lễ hội Cúng biển Mỹ Long du khách sẽ hiểu thêm về ý nghĩa đặc sắc của lễ hội và đời sống văn hóa của người dân vùng biển.

Lễ hội diễn ra với 02 phần quan trọng: phần lễ và phần hội. Phần lễ được Ban Quản trị Hội Miếu tổ chức trang nghiêm tại Miếu Bà Chúa Xứ với các nghi lễ như: Tế lễ (Tiền Vãng), lễ Nghinh Nam Hải, lễ Nghinh Ngũ phương, cúng binh và đem lễ vật lên tàu và tống tàu ra biển...

Trò chơi đi trên gạch.

Phần hội là những hình thức hoạt động giải trí sôi động như: hát bội, múa lân, chợ phiên, không gian ẩm thực, văn nghệ và các trò chơi dân gian. Ngoài ra, lễ hội còn tổ chức không gian đờn ca tài tử nhằm tăng cường, củng cố tình đoàn kết cộng động.

Đến với lễ hội, du khách tham quan và viếng Miếu Bà Chúa Xứ, nơi thu hút đông đảo du khách thập phương đến để thắp hương, hành lễ cầu mong cho một năm mới mưa thuận gió hòa, làm ăn phát đạt, an lành, hạnh phúc.

Bà Nguyễn Thị Hoa (70 tuổi), xã Đại Điền, huyện Thạnh Phú, tỉnh Bến Tre cho biết: đến với lễ hội, việc chính của đoàn chúng tôi là viếng Miếu Bà Chúa Xứ để tạ lễ và cầu mong cho gia đình được bình an, hạnh phúc và làm ăn thuận lợi. Trong đoàn có khoảng 40 người, có người lần đầu tiên đến với lễ hội. Bà luôn hy vọng có đủ sức khỏe để hàng năm được đến viếng Miếu Bà Chúa Xứ và vui chơi lễ hội.

Chị Nguyễn Thị Trúc Linh, Phường 2, thị xã Duyên Hải bày tỏ: đây là lần đầu tiên chị cùng với bạn đến lễ hội không chỉ được tham quan mua sắm và thưởng thức những món ăn đặc sản vùng biển tại không gian ẩm thực, còn được xem hát bội, tìm hiểu những nghi lễ truyền thống của ngư dân miền biển được tái hiện bằng những hình ảnh trang nghiêm như trong truyền thuyết.

Đối với các trò chơi dân gian như kéo co, đẩy gậy nam, nhảy bao bố, đi trên gạch, bất kỳ du khách nào cũng có thể tham gia. Chị Phạm Thị Lài, xã Long Sơn, huyện Cầu Ngang bộc bạch: những năm trước, chị cùng với gia đình đến lễ hội chủ yếu tham quan, mua sắm và viếng Miếu Bà Chúa Xứ vào ban đêm để xem văn nghệ. Năm nay có thời gian chị đi xem các trò chơi dân gian thấy vui nhộn hơn, nhất là trò chơi kéo co rất sôi động.

Trò chơi kéo co.

Trò chơi nhảy bao bố.

Thông qua lễ hội, người dân và du khách tham quan mua sắm chợ phiên với 20 gian hàng trưng bày đầy đủ các sản phẩm phong phú và đa dạng.

Chị Nguyễn Thị Hồng Nhung, ấp Hạnh Mỹ, xã Mỹ Long Bắc cho biết: hàng năm, chị đưa con đến Lễ hội Cúng biển Mỹ Long vui chơi, mua sắm, viếng Bà Chúa Xứ, thưởng thức món ăn đặc sản vùng biển tại không gia ẩm thực. Ở nông thôn, chỉ có vào dịp Lễ hội Cúng biển người dân có điều kiện vui chơi, mua sắm. Vì thế, gia đình chị cũng như những gia đình khác đều tranh thủ hoàn tất và kết thúc công việc sớm để đến với lễ hội.

Chị Nguyễn Thị Hồng Nhung, ấp Hạnh Mỹ, xã Mỹ Long Bắc cùng con trai tham quan và mua sắm chợ phiên tại lễ hội.

Ông Nguyễn Văn Đẹp, Chánh bái Miếu Bà Chúa Xứ kể rằng: Lễ hội Cúng biển Mỹ Long hay còn gọi Lễ hội Nghinh Ông diễn ra vào các ngày chính, mùng 10, 11 và 12/5 âm lịch hàng năm. Lễ hội Cúng biển thể hiện lòng thành của ngư dân trong vùng nhằm tạ ơn thần biển đã đem lại cuộc sống ấm no, hạnh phúc cho ngư dân. Lễ hội mang tính chất tạ ơn cá voi (cá Ông) mà ngư dân gọi kính cẩn ngài Nam Hải.  

Lễ hội năm nay được nâng lên, các nghi lễ chính được phục hồi đầy đủ hơn những vẫn bảo tồn được bản sắc truyền thống.

Lễ tế Tiền Vãng

Là lễ tạ ơn công lao và cầu mong, tri ân các bậc Tiền Vãng đã có công khai cơ lập nghiệp để con cháu có được ngày hôm nay và đây là đạo lý uống nước nhớ nguồn.

Nghi thức tế Lễ Tiền Vãng.

Lễ Nghinh Nam Hải

Theo phong tục và nghi thức lễ nơi đây, phần lễ gồm lễ rước và lễ tiễn. Trong phần lễ Nghinh Nam Hải, người dân dùng kiệu rước Nghinh Ông từ biển về dự khán lễ hội tại Miếu Bà Chúa Xứ, dọc theo đường rước ngư dân bày lễ vật để nghênh đón và đoàn múa lân, sư tử nhảy múa chào đón ngài Nam Hải.

Lễ Nghinh Nam Hải về dự Miếu Bà Chúa Xứ.    

Nghi thức khấn nguyện ngài Nam Hải.

Tế Thần Nông

Tế vị thần nông nghiệp và các chiến sĩ trận vọng đã vì dân, vì nước cùng về chứng giám, phối hưởng mà tiếp tục phù hộ cư dân “an cư lạc nghiệp”.

Nghi thức Tế Thần Nông.

Chánh tế Chúa Xứ

Là dâng lễ tạ ơn Bà Chúa Xứ năm qua đã phù hộ độ trì cho người dân, ngư dân làm ăn thuận lợi và cầu mong Bà Chúa Xứ tiếp tục phù hộ năm nay. Đặc biệt trong chánh tế có hát bóng rỗi, đây là hình thức diễn xướng dân gian độc đáo vừa có chức năng thực hành nghi lễ vừa có chức năng giải trí.

Nghi thức chánh tế Bà Chúa Xứ.

Lễ Nghinh Ngũ Phương

Là chào đón Ngũ Phương Ngũ Thổ Long Thần, Ngũ Hành Nương Nương, binh gia các đằng ở năm hướng để đưa ra biển nhằm tống tiễn những sui rủi của năm qua, đón nhận mai mắn sẽ đến.

Kiệu Nghinh Ngũ Phương về Miếu Bà Chúa Xứ.

Lễ tống tàu

Hội Miếu dùng 01 chiếc tàu bằng nhiều cây chuối ghép lại và trong tàu đặt một số phẩm vật: heo trắng, gạo, muối, chén, bát,… cúng tế với mong muốn ông Nam Hải hộ độ khi thuyền tàu gặp nạn ngoài khơi. Lễ tống tàu giúp ngư dân gửi trọn niềm tin vào thần thánh độ trì, nên hàng năm vào ngày lễ hội, ngư, nông dân đều lo việc cúng tế thật trang trọng.

Tiết mục trình diễn múa lân trước khi tống tàu ra biển.

Ngư dân cúng tế lễ và dâng phẩm vật lên tàu.

Theo MỸ NHÂN (Báo Trà Vinh)