Trái cây rớt giá, nông dân gặp khó!

14/03/2022 - 10:37

Thời điểm này, nhiều loại trái cây bán trên thị trường có mức giá khá cao do tiêu thụ tốt trong nước và xuất khẩu. Tuy nhiên, có không ít loại trái cây giảm giá mạnh, trong khi giá phân bón và nhiều chi phí sản xuất đầu vào lại tăng cao, nông dân gặp nhiều khó khăn. Ðể tiêu thụ sản phẩm, nông dân và tiểu thương phải đưa trái cây xuống đường bán với giá rẻ…

Thương lái thu mua trái cây của người dân tại xã Ðịnh Môn, huyện Thới Lai, TP Cần Thơ.

Giá giảm thấp

Hiện nay, những loại trái cây giá rẻ được bày bán trên nhiều tuyến đường ở cả khu vực nội ô và nhiều tuyến quốc lộ, đường tỉnh, đường huyện trên địa bàn TP Cần Thơ và các tỉnh vùng ÐBSCL. Dạo quanh nhiều tuyến đường ở TP Cần Thơ như Nguyễn Văn Cừ, Cách mạng Tháng 8, quốc lộ 91, quốc lộ 91B, quốc lộ 80, đường tỉnh 923… những đống dưa hấu, thanh long hay xoài Ðài Loan chất cao bên đường với giá bán chỉ 5.000-10.000 đồng/kg. Trong khi đó, giá nhiều loại ổi, mít, đu đủ... được bán lẻ tại nhiều nơi cũng ở mức khá thấp, với chỉ từ 8.000-15.000 đồng/kg trở lại.

Bà Trương Thị Hằng, chủ cửa hàng bán dưa hấu và thanh long trên đường Nguyễn Văn Linh (quốc lộ 91B) ở quận Ninh Kiều, TP Cần Thơ, cho biết: “Do ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 và đầu ra xuất khẩu gặp khó, nhiều loại trái cây đã giảm giá mạnh, trong đó có giá dưa hấu và thanh long. Trong những tuần gần đây, giá nhiều loại thanh long được tôi bán lẻ ra chỉ còn ở mức 5.000-8.000 đồng/kg nhưng sức tiêu thụ khá chậm do người tiêu dùng đang tiết kiệm chi tiêu hằng ngày. Còn giá bán nhiều loại dưa hấu hiện chỉ ở mức 5.000-6.000 đồng/kg, trong khi trước đây có giá lên đến 10.000-15.000 đồng/kg”.

Gần đây, giá xoài Ðài Loan và mít Thái cũng bị giảm thấp vì đầu ra xuất khẩu gặp khó, nhất là xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc. Do vậy, nhiều tiểu thương, doanh nghiệp phải tăng cường tiêu thụ hàng tại thị trường nội địa. Ðồng thời, nông dân cũng đã hái xoài, mít và các loại trái cây do mình trồng, đưa ra đường lộ trước nhà để bán.

Ông Nguyễn Văn Nhật ngụ xã Ðịnh Môn, huyện Thới Lai, TP Cần Thơ, cho biết: “Gần đây, xoài Ðài Loan thương lái thu mua xô tại vườn chỉ còn 5.000 đồng/kg. Ðể tiêu thụ xoài với giá cao hơn, tôi đem ra con lộ trước nhà bán lẻ nhưng  khá chậm vì đâu đâu cũng có bán loại xoài này. Xoài Ðài Loan là giống xoài chuyên ăn sống vốn trồng để xuất khẩu. Các năm trước, khi đầu ra xuất khẩu thuận lợi và diện tích trồng cũng chưa nhiều như hiện nay, giá xoài Ðài Loan có nhiều thời điểm lên đến 20.000-40.000 đồng/kg, thậm chí cao hơn. Còn hiện tại giá quá thấp, trong khi phân bón, xăng dầu và nhiều chi phí sản xuất đầu vào lại tăng cao nên nông dân gặp nhiều khó khăn. Nông dân rất mong giá đầu ra trái cây sớm tăng trở lại”.

Ông Huỳnh Văn Năm, có hơn 6 công đất trồng mít Thái tại phường Thuận Hưng, quận Thốt Nốt, cho biết: “Gần đây, giá mít Thái đạt chuẩn xuất khẩu có nhiều thời điểm chỉ ở mức 4.000-7.000 đồng/kg (giá bán xô), còn mít bán chợ chỉ 1.000-2.000 đồng/kg. Nông dân trồng mít không còn có được nguồn thu nhập tốt những năm trước đây khi mít Thái còn bán được giá cao, lên đến vài chục ngàn đồng mỗi ký. Trong khi đó, hiện giá nhiều loại phân bón đã ở mức trên dưới 1 triệu đồng/bao”.

Cần tổ chức lại sản xuất

Nhiều loại trái cây đang giảm giá xuống ở mức rất thấp nhưng hiện có nhiều loại trái cây vẫn bán được giá cao. Ðơn cử, giá xoài cát Hòa Lộc và chôm chôm Thái bán lẻ tại nhiều chợ và điểm bán trái cây ở mức 60.000-70.000 đồng/kg, còn giá nông dân bán buôn tại vườn cho thương lái ở mức 30.000-40.000 đồng/kg. Tương tự, cam xoàn, nhãn Ido và mãng cầu ta đang có giá bán lẻ ở mức 30.000-40.000 đồng/kg, còn giá được nông dân bán ra ở mức 20.000-25.000 đồng/kg...

Theo nhiều doanh nghiệp và tiểu thương kinh doanh trái cây, thời điểm này nhiều loại trái cây tại vùng Nam Bộ chưa bước vào mùa thu hoạch rộ nên nguồn cung trái cây trên thị trường cũng có phần hạn chế, tạo điều kiện cho nhiều loại trái cây có giá bán cao, nhất là những loại trái cây ngon, đặc sản, vốn được người tiêu dùng trong nước ưa chuộng như xoài cát Hòa Lộc.

Giá nhiều loại trái cây như xoài Ðài Loan, Thanh Long, mít Thái, dưa hấu... đang bị giảm thấp chủ yếu do đầu ra xuất khẩu gặp khó vì còn phụ thuộc quá nhiều vào một vài thị trường, cũng như do thời gian qua nông dân đẩy mạnh trồng làm nguồn cung tăng cao. Các loại trái cây này lại còn chủ yếu tiêu thụ dạng tươi thô, không thể bảo quản để lâu nên dễ gặp cảnh “thừa hàng, dội chợ” và giá bị giảm mạnh, nhất là khi bước vào các thời điểm thu hoạch rộ hay khi đầu ra xuất khẩu gặp khó.

Gần đây, nhiều loại trái cây vốn chủ yếu còn phục vụ tiêu thụ tại thị trường nội địa như đu đủ, ổi,… cũng giảm giá mạnh do nông dân mở rộng diện tích trồng. Ðây là những loại cây tương đối dễ trồng và từ lúc trồng đến cho trái tương đối ngắn nên nguồn cung cũng dễ biến động tăng cao nếu nông dân tại nhiều địa phương cũng tăng diện tích trồng...

Nhiều chuyên gia cho rằng, các cơ quan chức năng cần kịp thời quy hoạch, tổ chức lại sản xuất từng loại trái cây một cách phù hợp để đảm bảo cân đối giữa cung và cầu, tránh tình trạng nhiều loại trái cây của nước ta có lúc giá quá cao có lúc giá quá rẻ. Ðặc biệt, các bộ, ngành và địa phương cần phối hợp chặt trong việc cập nhật, phổ biến một cách thường xuyên và liên tục thông tin về thị trường và diện tích, sản lượng trồng và cho trái của từng loại cây ăn trái để người dân nắm bắt và có hướng sản xuất phù hợp từng thời điểm trong năm. Chú ý phối hợp giữa các địa phương trong sản xuất trái cây rải vụ, nghịch mùa và nâng cao năng lực bảo quản, chế biến sản phẩm để hạn chế tình trạng trái cây “rộ mùa, rớt giá”. Ðồng thời, tích cực vận động, hướng dẫn nông dân duy trì và phát triển sản xuất những loại trái cây ngon, đặc sản, có tiềm năng xuất khẩu và khả năng bảo quản, chế biến thành những sản phẩm giúp mang lại giá trị gia tăng cao gắn với sự tham gia bao tiêu đầu ra của các doanh nghiệp xuất khẩu. Hạn chế phát triển sản xuất cây ăn trái theo kiểu tự phát theo phong trào và chạy theo “giá cả”, nhất là đối với những loại trái cây khó bảo quản, chế biến.

Theo KHÁNH TRUNG (Báo Cần Thơ)