Triển vọng giống lúa thuần "Made in Vĩnh Long"

03/11/2022 - 10:00

Được công nhận sản xuất thử tại một số tỉnh ĐBSCL vào năm 2019, qua kết quả khảo nghiệm với những đặc tính nổi trội - giống lúa LH8 là giống lúa đầu tiên ở tỉnh Vĩnh Long được lai tạo tại nông hộ - đã mở ra nhiều triển vọng, hướng đến mục tiêu vùng sản xuất lúa, gạo chất lượng cao, an toàn.

Tham quan mô hình sản xuất giống lúa LH8 được canh tác tại ruộng của tác giả giống lúa.

Chất lượng giống là yếu tố quyết định

Theo Trung tâm Giống nông nghiệp (Sở Nông nghiệp - PTNT), chất lượng lúa giống là yếu tố mang tính quyết định nhất trong canh tác hiện nay.

Việc chọn tạo ra các giống lúa mới ngắn ngày, năng suất cao và phẩm chất tốt, thích nghi tốt với điều kiện biến đổi khí hậu, nhất là trong điều kiện diện tích sản xuất lúa thu hẹp, độ vòng quay đất cao là yêu cầu rất cần thiết hiện nay.

Tại Vĩnh Long, theo kế hoạch cơ cấu lại của ngành, diện tích đất sản xuất nông nghiệp đã giảm dần. Năm 2019, tổng diện tích đất sản xuất lúa chỉ còn khoảng 63.000ha - tương đương diện tích canh tác khoảng 140.000 ha/năm nhưng đòi hỏi năng suất phải đạt từ 6 - 8 tấn/ha.

Do đó, cơ cấu giống lúa cũng thay đổi theo hướng sử dụng giống ngắn ngày, chất lượng cao, kháng sâu bệnh, chất lượng gạo ngon, thích ứng với điều kiện biến đổi khí hậu và hướng đến xuất khẩu.

Để hiện thực hóa mục tiêu trên, Trung tâm Giống nông nghiệp Vĩnh Long (Sở Nông nghiệp - PTNT) vừa công bố chuyển giao kết quả thực hiện dự án “Khảo nghiệm, hỗ trợ công nhận giống lúa quốc gia” (giống nông hộ LH8 và một số giống mới có triển vọng của tỉnh Vĩnh Long) tại nhà ông Phạm Văn Long (đồng tác giả các giống lúa).

Dự án trên nhằm hoàn thiện thủ tục công nhận một số giống lúa có triển vọng - là giống sản xuất thử tại Vĩnh Long và một số tỉnh ĐBSCL.

Bên cạnh đó, xây dựng và hoàn thiện quy trình sản xuất giống lúa LH8, LH1 và LH9, đảm bảo chất lượng và hiệu quả. Đồng thời, trao đổi về giải pháp hỗ trợ các thủ tục công nhận giống lúa quốc gia.

Theo ThS Nguyễn Tiến Anh - Trưởng Trại Giống cây trồng (thuộc Trung tâm Giống nông nghiệp Vĩnh Long), LH8 và LH9 là các giống lúa ngắn ngày (thời gian sinh trưởng là 85 - 90 ngày đối với LH8 và 88 - 90 ngày đối với LH9), năng suất cao và ổn định qua các vụ, có phẩm chất gạo tốt, cơm mềm, dẻo, thơm, có khả năng chịu mặn từ 3 - 4‰ tại các giai đoạn đẻ nhánh - trổ chín (LH8) và chống chịu hạn, phèn, kháng tốt bệnh đạo ôn, hàm lượng protein khá, đạt tiêu chuẩn xuất khẩu.

Trong đó, giống LH8 đã được nông dân nhiều địa phương lựa chọn để canh tác trong cơ cấu 2 - 3 vụ một cách hiệu quả trên các vùng sinh thái của Vĩnh Long cũng như ở một số tỉnh ĐBSCL. Kể cả những vùng sinh thái có điều kiện bất lợi (đất bị nhiễm phèn, mặn) và những nơi sản xuất mô hình lúa - tôm như Bạc Liêu, Sóc Trăng, Trà Vinh,...

Chú Phạm Văn Long bên lúa giống LH8.

Chú Phạm Văn Long - đồng tác giả lai tạo giống lúa LH8 chia sẻ: “Tôi duy trì sản xuất giống lúa này tại địa phương nhiều năm qua. Ghi nhận năng suất ở vụ Đông Xuân đạt rất cao, từ 9 - 10 tấn lúa tươi/ha.

Đây là giống có thời gian sinh trưởng ngắn, chỉ từ 85 - 90 ngày nên khi sản xuất 3 vụ lúa/năm vẫn còn dư thời gian để đất nghỉ ngơi, phục hồi. Cũng theo dõi việc sản xuất giống lúa này ở một số tỉnh khác, nông dân còn ưa chuộng bởi tính kháng mặn tốt.

“Năm 2015 - 2016 mặn lên đột xuất chưa cảnh báo kịp thì ở vùng Trà Vinh, Sóc Trăng - những giống khác bị khô còn LH8 thì trụ được và cho năng suất trúng như bình thường” - chú Long cho biết thêm.

Đề nghị tiếp tục hoàn thiện thủ tục công nhận giống lúa quốc gia

Theo TS Nguyễn Thị Tuyết Mai - Giám đốc Trung tâm Giống nông nghiệp Vĩnh Long, LH8 và LH9 - những giống lúa chất lượng đầu tiên được nông dân trong tỉnh trực tiếp lai, chọn với sự hỗ trợ kỹ thuật từ Viện Nghiên cứu phát triển ĐBSCL đã mang đến một thành công trong lĩnh vực chọn giống lúa.

Theo đó, giống lúa này có năng suất cao, thời gian sinh trưởng ngắn, có đặc điểm hình thái phù hợp với nhu cầu sản xuất và sinh thái trồng lúa trên từng vùng riêng biệt của ĐBSCL. Vì vậy, diện tích canh tác các giống LH8 và LH9 không ngừng tăng lên qua các năm.

Cụ thể, nếu như từ năm 2013 - 2014 chỉ có một số hộ tại huyện Long Hồ canh tác vài hecta thì sau đợt xâm nhập mặn lịch sử vụ Đông Xuân 2015 - 2016 diện tích canh tác giống LH8 và LH9 đã tăng trên 1.000ha tại các tỉnh Trà Vinh, Sóc Trăng, Vĩnh Long, Đồng Tháp,...

Giống lúa LH8 có phẩm chất nổi trội hơn, thích nghi tốt với điều kiện bất lợi như hạn, mặn

Mặc dù LH8 và LH9 được các nhà chuyên môn và nông dân đánh giá cao bởi những đặc tính nổi trội, nhưng do chưa được công nhận giống lúa quốc gia nên đến nay các giống này vẫn chưa phổ biến trong sản xuất và thị trường (tổ chức, cá nhân không được sản xuất kinh doanh, phát triển giống khi giống chưa được công nhận lưu hành).

Do đó, rất cần sự hỗ trợ từ Nhà nước và ngành chức năng để các giống lúa từ việc được công nhận là giống sản xuất thử đến giống quốc gia.

Nói về tiềm năng phát triển của giống lúa LH8, ông Phan Nhựt Ái - Chủ tịch Hiệp hội Giống nông nghiệp Vĩnh Long, nguyên Giám đốc Sở Nông nghiệp - PTNT cho biết: “Giống lúa này có đặc điểm năng suất tương đương giống OM5451 nhưng có phẩm chất nổi trội hơn, nhất là thích nghi tốt với điều kiện bất lợi như hạn, mặn.

Do đó, cần tiếp tục đề nghị làm thủ tục công nhận giống lúa quốc gia để phổ biến rộng rãi cho bà con nông dân, nhất là trong tình hình biến đổi khí hậu hiện nay.

Vĩnh Long cũng chịu ảnh hưởng bởi hạn, mặn nhưng so với một số tỉnh khác thì mức độ thấp hơn. Tôi nghĩ giống lúa LH8 sẽ phát huy hiệu quả cao hơn tại các tỉnh ven biển như Sóc Trăng, Trà Vinh, Bến Tre,… Do đó, ngoài vấn đề lợi ích trong tỉnh cũng cần mang đến lợi ích cho toàn vùng ĐBSCL”.

Từ thực tế kết quả khảo nghiệm cho thấy, các giống lúa mới có rất nhiều tiềm năng để phát triển. Vì vậy, cần có các chính sách quan tâm hỗ trợ hoàn thiện thủ tục công nhận giống lúa quốc gia theo quy định của pháp luật hiện hành, để các giống lúa có triển vọng được công nhận lưu hành, đáp ứng nhu cầu sản xuất của người dân, nhất là các vùng bị ảnh hưởng bởi biến đổi khí hậu.

Dự án “Khảo nghiệm, hỗ trợ công nhận giống lúa quốc gia” (giống nông hộ LH8 và một số giống mới có triển vọng của tỉnh Vĩnh Long) đã xây dựng quy trình sản xuất 2 giống LH8, LH9 và nhiều nông dân đã ứng dụng có hiệu quả. Kết quả khảo nghiệm cũng cho thấy, LH8 và LH9 là các giống lúa có nhiều triển vọng và tiềm năng phát triển với nhiều ưu điểm như, thời gian sinh trưởng ngắn, năng suất cao và ổn định, kháng sâu bệnh và đặc biệt là khả năng thích nghi với điều kiện bất lợi (đất bị nhiễm phèn, mặn).

Theo PHI LONG (Báo Vĩnh Long)