Trồng bắp tím ở Long An bán "cháy hàng", cứ 1 công lời 10 triệu

31/03/2020 - 14:30

Đến thời điểm này, ông Nguyễn Ngọc Khanh, ngụ ấp 3, xã Bình Tâm, TP.Tân An, tỉnh Long An, có 7 đợt trồng bắp nữ hoàng đỏ. Đây là giống bắp khá mới lạ và được người dùng yêu thích, có tính thảo dược, dùng ăn sống hoặc nấu chín.

Ông Nguyễn Ngọc Khanh cho biết, ông biết đến giống bắp nữ hoàng đỏ do đọc báo và quyết định mua hạt giống về trồng thử nghiệm trong năm 2019. Đến thời điểm này, ông đang trồng đợt thứ 7 và cho kết quả khá khả quan.

Bắp nữ hoàng đỏ còn được nhiều người gọi là bắp tím, có nguồn gốc từ Thái Lan và được một doanh nghiệp tại Việt Nam nhập giống về trồng khảo nghiệm, cho kết quả tốt.

Ông Nguyễn Ngọc Khanh bên ruộng bắp nữ hoàng đỏ

Bắp nữ hoàng đỏ có thể ăn sống trực tiếp sau khi hái mà không cần luộc hoặc nướng. Màu của bắp đỏ đậm (nhiều người còn gọi là tím), ăn ngọt, có thể dùng ăn sống, làm rau trộn hoặc nấu cách thủy.

Theo ông Khanh, đơn vị cung cấp giống công bố bắp chứa sắc tố anthocyanin (chống oxy hóa) có lợi cho cơ thể người dùng.

Vốn có kinh nghiệm làm nông, có thời gian dài trồng bắp, ông Khanh mua hạt giống về rồi lên mạng tìm hiểu kỹ hơn về kỹ thuật trồng, áp dụng kinh nghiệm thực tế. Bắp nữ hoàng đỏ có thời gian sinh trưởng từ 65-70 ngày.Tuy nhiên, trồng loại bắp này khá cực công so với loại bắp thường bởi phải ươm giống trong khay riêng.

Giống bắp tím ươm được khoảng 1 tuần đem ra đặt xuống ruộng. Ruộng bắp phải được phân lô, có rãnh thoát nước để tránh ngập úng. Khâu quan trọng khác là phải đắp đất vào gốc để giữ cho cây vững, bám đất, không đổ ngã.

Do bắp tím có thể ăn sống nên ông Khanh đặt mục tiêu phải tạo ra sản phẩm sạch, an toàn thực phẩm để bảo đảm sức khỏe người dùng. Vì vậy, trong suốt quá trình canh tác cây bắp từ khâu cải tạo đất cho đến chăm bón, phòng trừ sâu, bệnh, ông đều áp dụng phương pháp hữu cơ như dùng phân bón hữu cơ, chế phẩm sinh học để phòng trừ sâu, rầy.

Ông Khanh cho biết thêm, theo hướng dẫn của nhà cung cấp hạt giống, bắp nữ hoàng đỏ có năng suất trung bình khoảng 10-12 tấn/ha. Tuy nhiên, do thị trường chưa ổn định nên ông chỉ trồng mỗi đợt từ 500-1.000 cây, cứ bình quân 10 ngày xuống giống 1 lần để dễ bán.

Nếu loại bắp thông thường như bắp mỹ (bắp hạt vàng), bắp nếp bán trên thị trường từ 3.000-5.000 đồng/trái thì bắp nữ hoàng đỏ có giá cao gấp 3-4 lần. Chính vì có giá thành cao nên bắp loại 1 được gia đình bán qua các trang mạng xã hội, cung cấp cho một số khách hàng tại TP.HCM, Long An.

Bắp loại 2 (bắp không đều hạt, trái nhỏ) được bán cân ký và giá thành rẻ hơn nhiều. Hiện nay, do giống bắp này còn khan hiếm hạt giống nên ít nông dân trồng, hầu hết trái khi thu hoạch đều được bán khá tốt nên lợi nhuận cao hơn so với trồng bắp thường.

Trồng bắp tím nữ hoàng đỏ bình quân lợi nhuận đạt khoảng 10 triệu đồng/1.000m2/vụ. Tuy nhiên, vụ mùa này do ảnh hưởng hạn, mặn nên năng suất không cao. Ông Khanh hy vọng ở vụ mùa tới, cây bắp nữ hoàng giúp ông có thu nhập ổn định.

Theo MAI HƯƠNG (Báo Long An)