Ông Sơn Mười chăm sóc diện tích lúa Thu Đông. (Ảnh: Thanh Hòa/TTXVN)
Dám nghĩ, dám làm, nhạy bén nắm bắt nhu cầu thị trường và ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, ông Sơn Mười (ở ấp Đại Trường, xã Phú Cần, huyện Tiểu Cần, tỉnh Trà Vinh) đã làm giàu từ thửa ruộng, mảnh vườn.
Người nông dân Khmer này đã được Trung ương Hội Nông dân Việt Nam bình chọn là một trong số 100 nông dân Việt Nam xuất sắc năm 2023.
Làm giàu trên quê hương
Ở tuổi 56, ông Sơn Mười đã gần 40 năm gắn bó với đồng lúa, ruộng vườn của vùng quê Đại Trường. Với bản tính cần cù, chịu khó học hỏi, từ 1,5 ha đất trồng lúa được cha mẹ 2 bên cho năm 1994 khi vợ chồng ông ra riêng, đến nay, gia đình ông đã sở hữu 6 ha lúa, 7 máy gặt đập liên hợp, một xe cuốc, một cửa hàng bán vật liệu xây dựng. Mỗi năm, gia đình ông đạt lợi nhuận khoảng 1,5 tỷ đồng.
Ông Sơn Mười kể ở vùng đất ấp Đại Trường này, năng suất lúa đạt bình quân khoảng 5 tấn/ha. Với 1,5 ha đất trồng lúa của gia đình mỗi năm làm 3 vụ lợi nhuận chỉ vài chục triệu, tiết kiệm lắm mới đủ trang trải chi phí sinh hoạt. Vì vậy, cùng với trồng lúa, vợ chồng ông còn nuôi vịt đẻ để có thêm thu nhập.
Với mong ước vươn lên cuộc sống sung túc, khi có chút “của ăn, của để,” vợ chồng ông tích góp rồi mua thêm đất ruộng mở rộng diện tích canh tác. Đến năm 2001, gia đình ông đã có được 6 ha đất trồng lúa.
Vốn là người ham học hỏi, đam mê khoa học kỹ thuật, năm 2010, sau khi tham dự những lớp tập huấn kỹ thuật nông nghiệp, ông Mười quyết định trồng lúa chất lượng cao, sử dụng phân vi sinh để tiết kiệm chi phí sản xuất.
Kết quả, cây lúa theo mô hình này phát triển rất tốt, cây cứng, ít đổ ngã, giảm sâu bệnh, tăng năng suất và lợi nhuận đáng kể. Từ đó, ruộng lúa của gia đình ông luôn cho năng suất bình quân 6,5 tấn/ha/vụ, sản lượng đạt 117 tấn/năm.
Do sản xuất sạch, đáp ứng được yêu cầu thị trường, giảm giá thành, luôn được doanh nghiệp bao tiêu nên lợi nhuận của gia đình bình quân hàng năm đạt gần 400 triệu đồng, tăng gần 30% so với cách trồng lúa trước đây.
Ông Sơn Mười tiếp tục đưa cơ giới hóa vào sản xuất bằng việc mạnh dạn mua máy gặt đập liên hợp vừa phục vụ gia đình vừa làm dịch vụ. Ông cho biết nông dân địa phương chủ yếu cắt lúa thủ công, tỷ lệ hao hụt cao, hơn nữa còn bị thương lại ép giá so với ruộng lúa thu hoạch bằng máy gặt đập liên hợp.
Ban đầu số tiền tiết kiệm của gia đình chỉ mua đủ một máy, nhờ làm ăn thuận lợi, ông tiếp tục đầu tư dần. Đến nay, gia đình đã có đến 7 máy gặp đập liên hợp và một xe cuốc. Doanh thu hàng năm của gia đình từ nguồn cơ giới khoảng 2,5 tỷ đồng, trong đó lợi nhuận đạt gần 1 tỷ đồng.
Hai năm trước, gia đình ông còn mở cửa hàng bán vật liệu xây dựng, cho lợi nhuận mỗi năm khoảng 100 triệu đồng. Hiện gia đình ông Mười giải quyết việc làm cho 40 lao động địa phương, với mức thu nhập bình quân 15 triệu đồng/người/tháng.
Nói về thành công của mình, ông Sơn Mười chia sẻ, xuất phát điểm của gia đình ông cũng giống như nhiều gia đình nông dân khác là không có nhiều đất canh tác. Vợ chồng ông luôn đồng lòng, chăm chỉ làm ăn, tiết kiệm chi tiêu, tích lũy để có cuộc sống tốt hơn. Thuận lợi cùng vui, gặp khó khăn thì cùng nhau tháo gỡ, làm đúng theo câu “Thuận vợ thuận chồng tát biển Đông cũng cạn."
Ông Sơn Mười (thứ 2, từ trái sang) trao đổi kinh nghiệm trồng lúa với lãnh đạo Hội Nông dân huyện Tiểu Cần và Hợp tác xã nông nghiệp Phú Cần. (Ảnh: Thanh Hòa/TTXVN)
Theo ông Nguyễn Văn Tây, Chủ tịch Hội Nông dân xã Phú Cần, mô hình trồng lúa của ông Mười đã được nhiều hội viên nông dân ấp Đại Trường làm theo, nâng cao ý thức bảo vệ môi trường, sản xuất hàng hóa đảm bảo chất lượng sạch, không tồn đọng dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, thích ứng với điều kiện biến đổi khí hậu. Dịch vụ gặt đập liên hợp của gia đình ông giúp nông dân tiết kiệm được đáng kể chi phí nhân công, giảm tỷ lệ hao hụt, giá bán cao hơn so với lúa cắt thủ công.
Sẻ chia cùng cộng đồng
Xã Phú Cần có 3.120 hộ dân với 11.560 nhân khẩu; trong đó, đồng bào dân tộc Khmer chiếm trên 62% dân số. Đồng bào Khmer địa phương chủ yếu thu nhập từ sản xuất nông nghiệp.
Vì vậy, sự cần cù lao động và vươn lên làm giàu của ông Sơn Mười là tấm gương truyền cảm hứng, tạo động lực cho những người nông dân xã Phú Cần nói riêng, tỉnh Trà Vinh nói chung noi theo, nhất là những nông dân Khmer.
Ông Bùi Trường An, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân xã Phú Cần cho biết, không chỉ vươn lên làm giàu trên chính mảnh vườn, thửa ruộng của mình, ông Sơn Mười còn có nhiều đóng góp cho hoạt động an sinh xã hội, xây dựng nông mới. Ông đã hướng dẫn 5 lao động khó khăn có việc làm ổn định, hỗ trợ vốn và kỹ thuật trồng lúa chất lượng cao, sử dụng phân vi sinh cho 55 lượt hộ khó khăn khăn trên địa bàn.
Ông Mười cùng với gia đình tích cực tham gia các phong trào ở địa phương, đóng góp Quỹ Khuyến học với tổng số tiền khoảng 40 triệu đồng/năm; đóng góp 20 triệu đồng cho Quỹ Hỗ trợ nông dân, Tổ hợp tác sản xuất.
Đặc biệt, trong đợt dịch COVID-19, gia đình ông đã hỗ trợ Tổ bếp từ thiện của ấp Đại Trường nấu hơn 5.000 suất ăn cho bà con cách ly tập trung và lực lượng Trạm y tế, Công an... với tổng kinh phí 60 triệu đồng.
Với những thành tích đạt được, từ năm 2017 đến nay, ông Sơn Mười được tặng rất nhiều Giấy khen và Bằng khen, là Hội viên Nông dân xuất sắc tiêu biểu, Nông dân sản xuất kinh doanh giỏi cấp tỉnh giai đoạn 2014-2017, 2017-2021./.
Theo THANH HÒA (TTXVN/Vietnam+)