Các ghe Ngo đua tài quyết liệt.
Theo ông Ngô Hùng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng: Đây là hoạt động văn hóa truyền thống của đồng bào Khmer Nam bộ, Lễ hội đua ghe Ngo còn là dịp để cộng đồng các dân tộc trong tỉnh và khu vực đồng bằng sông Cửu Long giao lưu học hỏi lẫn nhau. Qua các hoạt động vui chơi, lễ hội còn giúp củng cố, tăng cường mối đoàn kết, gắn bó, cùng phát triển của đồng bào các dân tộc. Ngay sau lễ khai mạc, các ghe đã đua theo cặp với 84 trận cả giải nam và nữ để chọn 32 ghe ngo nam và 8 ghe Ngo nữ vào tranh chung kết trong ngày 11/11. Trong ngày thi đấu đầu tiên đã diễn ra những cuộc đua tranh tưng bừng của hơn 4.000 vận động viên đua với sự cổ vũ nhiệt tình của hàng chục ngàn người dân, du khách trong và ngoài tỉnh.
Giải đua năm nay thu hút hơn 4.000 vận động viên.
Theo Ban tổ chức, để động viên các đội ghe Ngo tranh đua hấp dẫn, tỉnh Sóc Trăng đã vận động các nhà tài trợ với giá trị lớn để trao thưởng cho các đội ghe có thành tích cao.
Bên cạnh các hoạt động chính như giải Đua ghe Ngo, Hội chợ triển lãm Thương mại, các hoạt động như liên kết tiêu thụ sản phẩm OCOP (mỗi xã một sản phẩm), giải bi sắt vô địch đồng đội toàn quốc, Liên hoan trích đoạn sân khấu dù kê khu vực đồng bằng sông Cửu Long, phục dựng lễ Cúng Trăng, Hội thi thả đèn nước và phục dựng ghe Cà Hâu, Hội diễn Nghệ thuật quần chúng và trình diễn trang phục Khmer, liên hoan ẩm thực... cũng đã và đang được tổ chức hằng đêm tại nhiều địa điểm trong thành phố Sóc Trăng trong suốt tuần lễ hội (từ ngày 5- 11-11).
Theo TRUNG HIẾU (TTXVN)