Tượng đài Đồng Khởi Bến Tre.
Công trình lưu dấu ấn lịch sử
Phong trào Đồng khởi tại Bến Tre năm 1960 đã được khẳng định giá trị và ý nghĩa quan trọng trong lịch sử cách mạng đấu tranh giải phóng dân tộc của quân và dân ta. Khi đất nước bước vào thời kỳ đổi mới và phát triển, mong muốn cần có một công trình nghệ thuật để lưu dấu, tôn vinh và giáo dục truyền thống Đồng khởi của Bến Tre. Từ năm 1980, tỉnh đã có chủ trương thực hiện tượng đài Đồng Khởi.
Theo lời kể của họa sĩ Lê Dân, khi đang công tác tại Ty Văn hóa - Thông tin, ông được phân công mời các nhà điêu khắc tầm cỡ quốc gia về Bến Tre để sáng tác công trình tượng đài Đồng Khởi. Các nhà điêu khắc, họa sĩ được mời lúc đó là ông Diệp Minh Châu, Nguyễn Hải, Phạm Mười, Võ Văn Tấn, Đỗ Như Cẩn và Huỳnh Phương Đông. Tuy nhiên, sau vài lần góp ý, các phác thảo vẫn chưa được chọn vì chưa thể hiện được tinh thần Đồng khởi Bến Tre.
Ông Lê Dân kể: “Bản phác thảo của tôi về quần thể tượng đài, gồm: nhân vật chính là người mẹ Bến Tre vấn khăn rằn, mặc áo bà ba hiên ngang đưa cao ngọn đuốc lá dừa. Một hình ảnh đã khắc sâu thành biểu tượng của những ngày Đồng khởi 1960. Cùng với đó là một nhóm tượng, gồm: ông lão đánh mõ, anh bộ đội cầm súng ngựa trời, em bé ôm bó chông và người mẹ bồng xác con đi đấu tranh. Phía sau nhóm tượng nhân vật là thân cây dừa bị bom đạn Mỹ xơ xác”. Bản phác thảo này cũng đã được lãnh đạo tỉnh đánh giá cao. Tuy nhiên, do khó khăn về tài chính, khi ấy công trình tượng đài Đồng Khởi đã không thực hiện được.
Gần 10 năm sau đó, khoảng năm 1992, tỉnh có chủ trương tiếp tục thực hiện công trình xây dựng tượng đài Đồng Khởi. Họa sĩ Lê Dân và nhóm các nhà điêu khắc Lương Xuân Ba, Trần Thị Chúc, kiến trúc sư Đoàn Thiên Lương được cử lên Trường Đại học Mỹ thuật TP. Hồ Chí Minh làm việc với sự cố vấn của Giáo sư Nguyễn Phước Sanh để hoàn chỉnh phác thảo. Chi tiết cây dừa phía sau tượng mẹ Bến Tre trong bản vẽ của họa sĩ Lê Dân ban đầu đã được kiến trúc sư Đoàn Thiên Lương góp ý, thay thế lại thành hình ảnh tàu lá dừa cách điệu, góp phần tăng tính thẩm mỹ, vững chắc cho toàn bộ quần thể tượng đài.
Quần thể tượng đài Đồng Khởi được thiết kế bởi họa sĩ Lê Dân, điêu khắc gia Trần Thị Chúc, nghệ nhân điêu khắc Lương Xuân Ba, kiến trúc sư Đoàn Thiên Lương, Giáo sư Nguyễn Phước Sanh - Hiệu trưởng Trường Đại học Mỹ thuật TP. Hồ Chí Minh làm cố vấn.
Để đạt được sự đồng thuận về thiết kế công trình văn hóa quan trọng của tỉnh, bản phác thảo công trình tượng đài Đồng Khởi đã được dựng tại sân Bảo tàng Bến Tre để lấy ý kiến nhân dân. Ông Lê Dân kể lại: “Sau khoảng thời gian 6 tháng, hàng trăm thư góp ý của nhân dân đã được gửi về thông qua kênh thông tin chính thống của tỉnh là Báo Đồng Khởi, Sở Văn hóa - Thông tin góp ý cho bản phác thảo tượng đài Đồng Khởi. Ý kiến nhân dân đồng tình với hình tượng Mẹ Bến Tre cầm đuốc lá dừa giơ cao soi đường, tay vẫy về phía sau như phát hiệu lệnh tiến lên và các cụm tượng nhân dân, tàu lá dừa, phù điêu. Công trình tượng đài Đồng Khởi như thế được khởi công xây dựng từ năm 1994 và chính thức khánh thành vào đúng ngày 17-1-1995, kỷ niệm 35 năm Ngày Bến Tre Đồng khởi”.
Theo họa sĩ Lê Dân, do thời điểm đó, kinh phí có hạn nên tỉnh chọn phương án sử dụng chất liệu bê-tông cốt thép để xây dựng tượng đài Đồng Khởi. Vị trí đặt tượng tại công viên Đồng Khởi là trung tâm của thị xã Bến Tre lúc bấy giờ, cũng chính là trung tâm của tỉnh.
Nâng cấp tượng đài
Trước thực tế cần thiết nhằm đảm bảo ý nghĩa của tượng đài Đồng Khởi cũng như tính thẩm mỹ, an toàn, UBND tỉnh đã phê duyệt Dự án Nâng cấp, chuyển chất liệu tượng đài Đồng Khởi Bến Tre theo Quyết định số 2425/QĐ-UBND ngày 31-10-2019, với nguồn vốn từ ngân sách nhà nước. UBND tỉnh cũng phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu dự án theo Quyết định số 2694/QĐ-UBND vào ngày 5-12-2019. Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTT&DL) đã thực hiện các bước triển khai dự án theo quy định của pháp luật. Đồng thời, phối hợp với Cục Di sản văn hóa thuộc Bộ VHTT&DL xin ý kiến nhân sự tham mưu UBND tỉnh thành lập Hội đồng Nghệ thuật công trình theo Quyết định số 346/QĐ-UBND ngày 21-2-2022.
Theo thông tin từ Sở VHTT&DL, các hạng mục thi công của dự án, gồm: Đối với phần bệ tượng, thực hiện nâng cấp, cải tạo đế bệ tượng đài, giữ nguyên kết cấu móng hiện trạng; đục tẩy granito, tezzarro hiện trạng; ốp lát mới toàn bộ bề mặt bằng đá granite tự nhiên, đá xanh, đá bóc vàng; tháo dỡ và xây dựng mới lại một phần sàn bê-tông cốt thép bên dưới tượng Mẹ Bến Tre, diện tích khoảng 32m2 tại cao trình +1,56m để đảm bảo an toàn và liên kết với phần tượng đài với kết cấu đài móng phía dưới, phục vụ việc cải tạo chuyển chất liệu từ bê-tông sang đá khối. Bể nước được cải tạo theo phương án giữ nguyên kết cấu hiện trạng; đục tẩy vữa, gạch ốp hiện trạng; ốp lát mới toàn bộ bề mặt bằng gạch men kính. Đồng thời, thay thế dây cấp điện, dây được đi ngầm trong hào và ống bảo vệ; thay thế đèn chiếu sáng cho đế bệ, mặt nước và tượng đài, biểu tượng. Khu vực sân xung quanh được thay thế các vật liệu lát bị nứt vỡ, hư hỏng trong phạm vi thi công bằng vật liệu có quy cách, hình thức theo hiện trạng; thay mới bó vỉa bồn cây bằng đá xanh và giữ nguyên hệ thống chống sét hiện trạng.
Đối với phần tượng đài, dự án thực hiện nâng cấp, chuyển đổi chất liệu tượng đài Mẹ Bến Tre, giữ nguyên mẫu thiết kế ban đầu, chỉ nâng cấp từ vật liệu bê-tông ban đầu thành đá granite tự nhiên, lõi đỡ tượng bằng bê-tông cốt thép. Cùng với đó, cụm tượng nhân dân Bến Tre cũng được nâng cấp, chuyển đổi chất liệu thành đá granite tự nhiên, giữ nguyên mẫu thiết kế ban đầu. Phần biểu tượng tàu lá dừa không thay đổi, chỉ vệ sinh bề mặt, phun thuốc chống rêu mốc, đục trám vết nứt và chống thấm.
Tượng đài Đồng Khởi với chất liệu đá granite được chuyển thể thành công, hiện lên với diện mạo mới, một lần nữa khẳng định cho tinh thần Đồng khởi vững vàng, mạnh mẽ, bừng lên khí thế xây dựng và phát triển tỉnh nhà trong thời đại mới.
Theo THANH ĐỒNG (Báo Đồng Khởi)