Ngày 4-8, tại buổi họp báo công bố giá dịch vụ sử dụng đường bộ tuyến cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận, UBND tỉnh Tiền Giang cho biết Hội đồng Kiểm tra nhà nước về nghiệm thu công trình xây dựng dự án đầu tư đường cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận giai đoạn 1, theo hình thức hợp đồng BOT, nhận định đã đủ chỉ tiêu đưa vào thu phí hoàn vốn. Dự kiến thời gian thu phí hoàn vốn là 14 năm 8 tháng, bắt đầu từ 0 giờ ngày 8-8.
Cao nhất 335.000 đồng/lượt
Theo UBND tỉnh Tiền Giang, hội đồng nghiệm thu đã chấp thuận kết quả nghiệm thu hoàn thành của chủ đầu tư để đưa dự án đường cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận vào khai thác, sử dụng theo thiết kế được phê duyệt. Đồng thời, hội đồng nghiệm thu đề nghị tỉnh Tiền Giang sớm tổ chức nghiên cứu có giải pháp điều chỉnh chiều rộng, chiều dài các vị trí làn dừng xe khẩn cấp hiện tại để bảo đảm chức năng hoạt động hiệu quả của hạng mục này.
Giá vé đối với ôtô dưới 12 ghế ngồi, xe tải dưới 2 tấn và các loại xe buýt vận tải khách công cộng (nhóm 1) là 2.000 đồng/xe/km (giảm 100 đồng/xe/km so với mức đề xuất trước đó, tương đương giảm 4,76% so với quy định). Như vậy, xe nhóm 1 đi toàn tuyến cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận có mức giá khoảng 103.000 đồng; ôtô từ 12 đến 30 ghế ngồi, xe tải từ 2 đến dưới 4 tấn (nhóm 2) khoảng 154.000 đồng.
Trạm thu phí cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận Ảnh: MINH SƠN
Xe khách từ 31 ghế ngồi trở lên, xe tải từ 4 đến dưới 10 tấn (nhóm 3) giảm còn 3.500 đồng/xe/km so với mức đề xuất trước đó là 3.700 đồng. Xe đi toàn tuyến có mức giá khoảng 180.000 đồng. Giá vé cho xe tải từ 10 đến dưới 18 tấn, xe chở hàng bằng container 20 feet (nhóm 4) là 4.500 đồng/xe/km - giảm 1.500 đồng/xe/km so với mức đề xuất. Xe nhóm 4 đi toàn tuyến có mức giá khoảng 232.000 đồng/xe. Giá vé cho xe có tải trọng từ 18 tấn trở lên, xe chở hàng bằng container 40 feet (nhóm 5) được điều chỉnh giảm còn 6.500 đồng/xe/km. Xe nhóm 5 có mức giá mới khi đi toàn tuyến gần 335.000 đồng.
Doanh nghiệp kêu khó
Theo đại diện BOT tuyến cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận, sau hơn 3 năm tiếp nhận quản lý điều hành, dự án đường cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận đã hoàn thành tuyến chính. Đến nay, đề án thu phí tuyến cao tốc này mới được phê duyệt nên việc hoàn vốn sẽ khó thực hiện đúng thời gian cam kết. Điều này có nguy cơ ảnh hưởng thời gian đưa tuyến cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận vào khai thác vận hành.
Các giải pháp bảo đảm an toàn giao thông, ứng cứu xử lý các sự cố cũng đã được đơn vị quản lý vận hành thực hiện. Nhà đầu tư BOT cũng cho kéo dài thời gian phục vụ miễn phí thêm 30 ngày (tổng cộng 90 ngày) để chờ quyết định của UBND tỉnh Tiền Giang. Việc chậm trễ đưa dự án vào thu phí dẫn đến những thiệt hại cho nhà đầu tư.
Chủ đầu tư cho rằng nếu không thu phí sẽ gây thiệt hại cho nhà đầu tư, ngân hàng khi phương án tài chính, kế hoạch tài chính được cụ thể hóa trong các điều khoản hợp đồng không được thực hiện. Không có chi phí bảo trì, bảo hành, sửa chữa thì công trình sẽ xuống cấp, lãng phí tài nguyên và nguồn lực xã hội tương tự tuyến cao tốc TP HCM - Trung Lương. Chính vì thế, nhà đầu tư mong sớm cho thu phí đường cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận.
Ông Trịnh Phi Hoàng, một doanh nghiệp vận tải ở tỉnh Bạc Liêu, cho biết toàn vùng ĐBSCL có khoảng 7 trạm thu phí đang hoạt động, bao gồm trạm Bạc Liêu, Sóc Trăng, Cần Thơ - Phụng Hiệp, Bến Lức - Đức Hòa, cầu Cổ Chiên, cầu Rạch Miễu và T1. Tuy nhiên, mức phí cao nhất trong các trạm này chỉ 196.000 đồng/lượt, như trạm T1. Với mức phí đường cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận cao nhất khoảng 335.000 đồng/lượt, gần gấp đôi so với mức cao nhất của các dự án đang thu phí ở ĐBSCL.
Ông Hoàng cho rằng mức phí cao sẽ là gánh nặng rất lớn đối với doanh nghiệp vận tải, nhất là trong lúc giá xăng, dầu tăng cao. Với mức thu phí này, ông cân nhắc chọn đi Quốc lộ 1.
Ông Trần Đình Tùng, một tài xế xe tải quê Cà Mau, cho rằng đường cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận được xây dựng rất đẹp. Tuy nhiên, việc không xây làn dừng khẩn cấp sẽ tiềm ẩn rủi ro tai nạn, kẹt xe rất cao.
Theo MINH SƠN - DUY NHÂN (Người lao động)