Ứng dụng công nghệ blockchain vào sản xuất

23/04/2019 - 07:53

 - Công nghệ blockchain xuất hiện vài năm gần đây nhưng đã có rất nhiều nghiên cứu triển khai ứng dụng trên các lĩnh vực như: tài chính, y tế, giáo dục và đặc biệt là chuỗi cung ứng sản phẩm… Đặc biệt, ứng dụng blockchain vào sản xuất đã và đang được triển khai mạnh mẽ, bởi truy xuất nguồn gốc sản phẩm đang là xu hướng tất yếu của người tiêu dùng cũng như thị trường nhập khẩu.

Công nghệ blockchain với những đặc tính nổi trội trong bảo mật thông tin dựa trên nền tảng lưu trữ dữ liệu phi tập trung và cấu trúc lưu trữ theo dạng chuỗi khối, làm cơ sở cho việc chống giả mạo thông tin đã lưu trữ và nâng cao hiệu suất cho việc xác thực thông tin dựa trên kiến trúc phi tập trung và chia sẻ thông tin “sổ cái”. Công nghệ blockchain có thể tạo ra hệ sinh thái an toàn và linh hoạt, thích hợp trong việc truy xuất nguồn gốc nông sản.        

Theo nhóm nghiên cứu về công nghệ blockchain của Khoa Công nghệ thông tin và Trung tâm Tin học (Trường Đại học An Giang), hiện nay, có nhiều mặt hàng trên thị trường với sự đa dạng mẫu mã, chủng loại. Người mua hàng sẽ phải quyết định tin hay không đối với chiếc tem được dán trên sản phẩm kèm theo. Việc này sẽ ảnh hưởng đến trải nghiệm sử dụng của người dùng cũng như uy tín của doanh nghiệp trong tương lai. Nhà sản xuất có thể chọn cách bảo vệ danh dự cũng như uy tín của hãng bằng cách sản xuất tem công nghệ cao. Về ưu điểm, tem sẽ khó bị làm giả giống 100% như thật. Khuyết điểm là tốn chi phí cho việc sản xuất tem dẫn đến giá sản phẩm tăng lên. Nếu sử dụng quét mã QR code trên điện thoại thông minh mang lại ưu điểm là chỉ cần một cú bấm trên điện thoại thông minh để có toàn bộ thông tin; khuyết điểm là mã QR code thường giống nhau hàng loạt đối với mỗi loại sản phẩm, trên mỗi đợt sản xuất hay thu hoạch, mã QR code có thể bị làm giả khi có mẫu.

Người tiêu dùng ngày càng quan tâm truy xuất nguồn gốc sản phẩm

Đối với hệ thống truy xuất kiểu mới của AGChain Lab: sử dụng công nghệ blockchain để xây dựng hệ thống hỗ trợ quản lý thông tin và truy xuất nguồn gốc của nông sản. Cụ thể là sử dụng nền tảng blockchain hyperledger fabric vào việc xây dựng ứng dụng truy xuất nguồn gốc. Công ty TNHH MTV Nguyễn Phú Vinh (trụ sở tại xã Bình Thạnh Đông, Phú Tân) được thành lập từ năm 1990, là một trong những doanh nghiệp kinh doanh lương thực với ngành hàng chủ lực là nếp. Phó Giám đốc công ty Nguyễn Thới Vinh cho biết, từng bao nếp thành phẩm được gán mã QR code riêng biệt và duy nhất để cập nhật thông tin sản phẩm trên chuỗi khối blockchain. Tất cả các thao tác cập nhật thông tin sản phẩm đều được lưu trữ trên blockchain nên có tính minh bạch cao. Người tiêu dùng sẽ được cung cấp thông tin cần thiết về sản phẩm từ thu hoạch, sơ chế, đóng gói, vận chuyển bằng công nghệ blockchain. “Mặc dù là ứng dụng mới nhưng rất thiết thực đối với người tiêu dùng. Hiện nay, tình trạng hàng giả, hàng nhái tràn lan… nên việc truy xuất nguồn gốc giúp người tiêu dùng an tâm hơn khi sử dụng sản phẩm” - anh Vinh chia sẻ.

Không riêng với nông sản, việc ứng dụng công nghệ blockchain còn được triển khai để truy xuất nguồn gốc các loại thực phẩm. Công ty cá nàng hai Thanh Tùng là một trong những nơi sản xuất - chế biến chả cá nàng hai trên địa bàn tỉnh. Công ty minh bạch thông tin, quy trình sản xuất - chế biến, cung cấp thông tin chính thống và cụ thể đối với từng sản phẩm bán ra thị trường với sự giám sát giữa các bên: sản xuất, vận chuyển, phân phối, khách hàng để nắm thông tin: nguồn gốc, quy trình sản xuất, ngày sản xuất, ngày đóng gói, thông tin chuyển hàng... Từ khi triển khai, hệ thống đã đáp ứng được yêu cầu về truy xuất nguồn gốc, tính minh bạch thông tin, dữ liệu lưu trữ phi tập trung dưới dạng chuỗi khối…

Hiện nay, nạn hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng gây nhức nhối cho xã hội. Thông qua ứng dụng công nghệ blockchain, người tiêu dùng sẽ được cung cấp các thông tin cần thiết trong suốt quá trình từ sản xuất tới tiêu dùng, góp phần tăng cường niềm tin của người tiêu dùng đối với chất lượng và độ an toàn của sản phẩm. Các chủ thể tham gia vào chuỗi, gồm: người tiêu dùng, người bán lẻ và nhà nhập khẩu có thể tra cứu hệ thống để truy xuất nguồn gốc sản phẩm mà họ mua, bao gồm các thông tin về an toàn thực phẩm và các chứng nhận mà người sản xuất nhận được.

Bài, ảnh: HỮU HUYNH