Văn hóa sông nước Đông Nam Á - Nhìn từ ĐBSCL

11/11/2019 - 08:57

Văn hóa sông nước là điểm chung kết nối các quốc gia Đông Nam Á. Văn hóa Việt Nam nói chung, khu vực ĐBSCL nói riêng, cũng nằm trong không gian văn hóa ấy.

Con đường nào để bảo tồn và phát triển văn hóa sông nước trong thời hội nhập là vấn đề đặt ra tại Hội thảo khoa học quốc tế “Văn hóa sông nước ở Đông Nam Á - Bảo tồn và phát triển” do Trường Đại học Cần Thơ vừa tổ chức.

Khách tham quan chợ nổi Cái Răng.

Văn hóa sông nước ở ĐBSCL

Khu vực Đông Nam Á hiện có 11 quốc gia, là khu vực rộng lớn với khoảng 4,5 triệu km2, dân số trên 600 triệu người.

Từ xa xưa, các quốc gia Đông Nam Á đã sáng tạo nên những nền văn hóa tộc người phong phú trên nền tảng chung của văn hóa sông nước gắn với nghề trồng lúa, nuôi trồng và đánh bắt thủy sản, tạo lập nên những phong tục tập quán, lễ hội gắn liền với dòng sông, con nước.

Vùng Nam bộ của Việt Nam định hình rõ nét văn hóa sông nước. Các nhà khoa học, nhà nghiên cứu văn hóa trong nước và quốc tế nhìn nhận, văn hóa sông nước được nhận diện dễ và rõ nhất ở Nam bộ, nhất là ĐBSCL.

Nơi đây phát tích ra loại hình văn minh kinh xáng, văn minh miệt vườn rất riêng với những nét sinh hoạt trên sông như chợ nổi, thương hồ, bán vàm, hò chèo ghe…

Tiến sĩ Trần Hữu Hợp (Học viện Chính trị quốc gia khu vực IV) nhận diện văn hóa sông nước qua tín ngưỡng thờ cá voi của ngư dân ĐBSCL. Tác giả đã đi sâu vào phân tích nguồn gốc, cách thức của loại hình tín ngưỡng này, bên cạnh giới thiệu những lễ hội Nghinh Ông độc đáo.

Ở khía cạnh văn hóa đánh bắt thủy sản ở Nam bộ, tác giả Nguyễn Thanh Lợi (Trường Cao đẳng Sư phạm Trung ương TP Hồ Chí Minh) cho rằng: Việc nhận diện văn hóa sông nước ở khía cạnh này giúp việc bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của cộng đồng ngư dân Nam bộ được dễ dàng, khoa học hơn trong mối tương quan của văn hóa tộc người. “Đó là sắc thái “văn minh kinh rạch” nổi bật trong bản sắc văn hóa Nam bộ” - ông Lợi nhấn mạnh.

Một dấu ấn khá đậm nét của văn hóa sông nước là sự khúc xạ vào văn học, từ dân gian đến hiện đại. Phần chia sẻ của Tiến sĩ Trần Văn Nam (Trường Cao đẳng Văn hóa - Nghệ thuật Cần Thơ) tạo sự thích thú khi ông kể về văn hóa sông nước trong tác phẩm văn học dân gian ở Cần Thơ. Đó là những giai thoại về vùng đất Cần Thơ có nhắc đến văn hóa sông nước, là những cặp biểu trưng như “câu - cá”, từ “cá hóa long” đến “lia/thia thia quen chậu”…

Các nhà văn hóa, nhà nghiên cứu cũng mang đến hội thảo những phát kiến thú vị về chuyện dòng sông, bến nước qua các tác phẩm thời hiện đại của nhà văn Hồ Biểu Chánh, Nguyễn Ngọc Tư, Mai Bửu Minh…

Hướng bảo tồn cho văn hóa sông nước

Các đại biểu đều thống nhất rằng, chỉ có con đường gắn kết với phát triển kinh tế - xã hội thì văn hóa sông nước mới tồn tại bền vững. Văn hóa sông nước trở thành thực thể sống động trong xác lập định hướng phát triển trong thời hội nhập.

Trong đó, việc khai thác văn hóa sông nước để làm du lịch được xem là cách làm hay và “thời thượng”. Tham luận của các nhà khoa học đến từ Thái Lan, Lào… cho thấy điều này. Đó là mô hình chợ nổi Thái Lan, Lễ hội Té Nước ở Lào… dần trở thành sản phẩm du lịch độc đáo thế giới.

Nhìn lại tài nguyên văn hóa sông nước ở ĐBSCL và Cần Thơ, thật dồi dào để có thể khai thác phục vụ du lịch. Tiến sĩ Đào Ngọc Cảnh (Trường Đại học Cần Thơ) cho rằng, chợ nổi, hệ thống cù lao trên sông là hai “mỏ vàng” mà nếu khai thác du lịch sẽ góp phần quảng bá, bảo lưu văn hóa bản địa.

Ông Cảnh cho rằng, chợ nổi là “bảo tàng sống” về văn hóa sông nước, chỉ có ở ĐBSCL, nên cần hài hòa giữa lợi ích kinh tế và giữ bản sắc văn hóa.

Cùng bàn về vấn đề này, Thạc sĩ Nguyễn Trọng Nhân (Trường Đại học Cần Thơ) chia sẻ việc đánh giá khả năng khai thác du lịch của chợ nổi đồng bằng.

Tác giả khảo sát trên 10 khu chợ nổi ĐBSCL, dựa vào các tiêu chí: vị trí địa lý, sức hấp dẫn của tài nguyên du lịch, kết hợp các loại hình du lịch, chính sách phát triển du lịch… và đúc kết rằng: 4 chợ nổi: Cái Răng (Cần Thơ), Cái Bè (Tiền Giang), Long Xuyên (An Giang) và Ngã Năm (Sóc Trăng) có khả năng khai thác du lịch cao.

“Để tránh sự dàn trải và tự cạnh tranh nhau, doanh nghiệp và địa phương nên tập trung khai thác du lịch ở những chợ nổi trên” - ông Nhân khuyến nghị.

Cũng phương diện khai thác văn hóa sông nước như chủ thể tài nguyên du lịch, Thạc sĩ Trương Thị Kim Thủy (Trường Đại học Cần Thơ) gợi mở với Cần Thơ: Địa phương cần quy hoạch du lịch trên cơ sở tận dụng, tôn trọng môi trường thiên nhiên, sông nước.

Từ đó, tạo nên thương hiệu du lịch điểm đến “phố vườn” đặc trưng và những sản phẩm du lịch đặc thù của một thành phố bên sông, một “đô thị miền sông nước” của vùng ĐBSCL.

Tác giả Trương Thị Kim Thủy cũng giới thiệu một số mô hình du lịch mang yếu tố “Nước” ở Đông Nam Á như lễ hội năm mới Songkrang, lễ hội hoa đăng Loy Krathong ở Thái Lan; lễ hội ánh sáng thuyền đăng Boun Awk Phansa ở Lào; lễ hội nước và đua thuyền Bon Om Touk ở Campuchia…

Từ đó, tác giả cho rằng, những lễ hội mang yếu tố “nước” ở ĐBSCL như Đua Ghe Ngo, Ok-om-bok, Hoa đăng… hoàn toàn sẽ là sản phẩm du lịch mang tầm quốc tế nếu khai thác và truyền thông tốt.

Bảo tàng bảo tồn thiên nhiên và văn hóa sông nước đồng bằng

UBND tỉnh Vĩnh Long vừa gởi văn bản xin ý kiến các tỉnh, thành ĐBSCL về xây dựng Bảo tàng Nông nghiệp vùng ĐBSCL. Theo đó, Đề án “Bảo tàng Nông nghiệp vùng ĐBSCL” do Giáo sư - Tiến sĩ Hà Thanh Toàn và Thạc sĩ Phan Văn Giàu làm chủ nhiệm, dự kiến sẽ xây dựng tại huyện Vũng Liêm, tỉnh Vĩnh Long.

Bảo tàng sẽ hoàn thành và đưa vào hoạt động vào năm 2027, được kỳ vọng góp phần bảo tồn các di sản văn hóa sông nước, nông nghiệp, đặc biệt là thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội vùng ĐBSCL, nhất là ngành du lịch.

Theo Báo Cần Thơ