Hậu Giang đã và đang khẳng định mình trong dòng chảy văn học, nghệ thuật khu vực bằng những hoạt động nổi trội.
Đa dạng hoạt động
Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Hậu Giang bắt đầu dồn lực để chuẩn bị kế hoạch cho các sản phẩm văn học nghệ thuật lớn chào Hậu Giang tròn 15 tuổi. Đó là tuyển tập ca khúc, văn thơ, các bài vọng cổ và tranh, ảnh nghệ thuật. Đơn vị còn chủ trì thực hiện 2 CD ca nhạc và cổ, về những sáng tác về Hậu Giang trong suốt một chặng đường qua, do các nghệ sĩ Hậu Giang và các nơi cảm nhận làm nên những sản phẩm tạo dấu ấn trong lòng người. Nhạc sĩ Phạm Sơn Hà, Chủ tịch Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Hậu Giang, chia sẻ: “Trong kế hoạch ban đầu, chúng tôi còn tổ chức cuộc thi sáng tác văn học nghệ thuật. Tuy nhiên, chúng tôi đang xin ý kiến không tổ chức, mà chỉ đặt hàng tác phẩm cho những người nhiệt huyết, có đủ khả năng để tạo nên tác phẩm bao quát được hành trình 15 năm của Hậu Giang, sẽ cố gắng trong khả năng có thể để phát huy đội ngũ văn nghệ sĩ trong tỉnh”.
Cùng với việc chuẩn bị những ấn phẩm văn nghệ, đội tuyên truyền lưu động từ tỉnh đến huyện, thị, thành phố, sẽ xây dựng những chương trình, kịch bản tuyên truyền cổ động về những thành tựu ở đủ các lĩnh vực của Hậu Giang sau một chặng đường dài. Dưới hình thức sân khấu hóa, các kịch bản tuyên truyền này hứa hẹn sẽ nhẹ nhàng, dễ đi vào lòng người, để người dân hiểu được để có thành quả hôm nay, Hậu Giang phải nỗ lực để vượt qua. Ông Lê Thành Vĩnh, Phó Giám đốc Trung tâm Văn hóa tỉnh Hậu Giang, cho biết: “Dưới hình thức một cuộc thi, diễn ra ở từng cấp, bám sát chủ đề 15 năm thành lập tỉnh. Đây là dịp để chúng tôi đánh giá chất lượng, hiệu quả của công tác tuyên truyền, đội ngũ tuyên truyền để có hướng đầu tư phù hợp. Sau cuộc thi, một đợt tuyên truyền cổ động rộng khắp sẽ được khởi động và các đơn vị sẽ sử dụng chương trình dự thi để tuyên truyền khắp các địa phương trong tỉnh, tạo nên khí thế sôi nổi, chào mừng sự kiện trọng đại của Hậu Giang”. Cùng với đó, là hàng loạt các hoạt động triển lãm ảnh, sách với nhiều chủ đề, trong đó chủ đề chính là hành trình vươn lên của Hậu Giang sau 15 năm.
Cơ hội để văn, nghệ sĩ Hậu Giang lưu dấu
Nhạc sĩ Phạm Sơn Hà, là một người con Hậu Giang, chứng kiến quá trình vượt khó đi lên của một tỉnh nghèo, trong từng giai đoạn, ông đều có những tác phẩm tạo dấu ấn như “Về Hậu Giang nhé em”, “Ngẫu hứng đêm Xà No”, “Khúc tự tình sông Hậu”, “Điệu huê tình trên sông nước”… Ông cũng đang đầu tư cho một sản phẩm kỷ niệm 15 năm, cũng là để kỷ niệm dấu ấn trong cuộc đời sáng tác của mình. Sẽ là một ca khúc mang âm hưởng dân ca, trữ tình, nhẹ nhàng nhưng chuyển tải thông điệp lớn…
Các văn, nghệ sĩ khác như nhà thơ Sao Mai, họa sĩ Nguyễn Duy Dương, tác giả Ngọc Thảo, Thu Tâm… cũng đang chuẩn bị cho mình một đề tài về những đổi thay của quê hương qua một chặng đường gian khó.
Còn nghệ sĩ của Đoàn ca múa nhạc dân tộc Hậu Giang cũng sẵn sàng cho mình một tâm thế mới. Ông Lê Hoàng Chung, Trưởng đoàn Ca múa nhạc dân tộc chia sẻ, ngoài những tiết mục hiện có của Đoàn được xây dựng từ chương trình năm, đoàn cũng sẽ chuẩn bị thêm một số tác phẩm mới, vừa ra quân phục vụ người dân ở các địa phương trong tỉnh, vừa đảm bảo yêu cầu khi có tiết mục tham gia vào các chương trình văn nghệ lớn do tỉnh tổ chức. Đặc biệt là Chương trình nghệ thuật Chào mừng năm mới 2019.
Sáng tác, xây dựng một chương trình thể hiện một quá trình phấn đấu vươn lên của một tỉnh nghèo không hề dễ. Nhưng những người gắn bó máu thịt với Hậu Giang không sợ, bởi họ đã cùng trải qua, cùng chứng kiến từng bước đi của Hậu Giang, họ có trái tim nhiệt huyết và tình yêu quê hương, xứ sở hồn hậu… Tất cả hứa hẹn sẽ có những sản phẩm nghệ thuật chất lượng, vừa ghi đậm dấu ấn của tỉnh, vừa thể hiện sự trưởng thành của những người làm văn nghệ ở Hậu Giang.
Theo VĨNH TRÀ (Báo Hậu Giang)