Vang mãi giai điệu "Tiểu đoàn ba lẻ bảy"

20/07/2018 - 08:57

Cuối năm 1949, đồng chí Trần Văn Trà, Tư lệnh Khu 8 phát động sáng tác ca khúc ca ngợi Tiểu đoàn 307 mới thành lập, nhưng đã đánh thắng nhiều trận lớn.

Nhà thơ Nguyễn Bính sáng tác bài thơ “Tiểu đoàn 307” đăng trên Báo Tổ quốc-Khu 8; nhạc sĩ Nguyễn Hữu Trí phổ nhạc thành bài hát nổi tiếng “Tiểu đoàn ba lẻ bảy”. Tối 1-10-1950, lần đầu tiên bài hát được phát trên Đài Tiếng nói Việt Nam, do Tổ quân nhạc Khu 8 trực tiếp biểu diễn. Bài hát có xuất xứ ở vùng Cao Lãnh, Đồng Tháp, sau phổ biến khắp Nam Bộ, lan nhanh trong bộ đội và trong nhân dân, đi vào lòng nhiều thế hệ người Việt Nam.

Tiểu đoàn 307 là tiểu đoàn chủ lực cơ động đầu tiên của Khu 8 và Nam Bộ trong kháng chiến chống Pháp. Thành lập ngày 1-5-1948 tại Giồng Luông, Bến Tre với tên gọi “Tiểu đoàn liên quân lưu động”, gồm lực lượng của Khu 8, một bộ phận quan trọng của Trung đoàn 99 Bến Tre, quân số khoảng 1.200 người. Đồng chí Đỗ Huy Rừa, Trung đoàn phó Trung đoàn 99 làm Tiểu đoàn trưởng; đồng chí Nguyễn Văn Sỹ là Tiểu đoàn phó và đồng chí Hồng Long, Chủ nhiệm Chính trị Trung đoàn 99 làm chính trị viên.

Ngày 5-7-1948, tiểu đoàn làm lễ xuất quân về Mỹ Tho, phối hợp với Trung đoàn 102 đánh đồn Mộc Hóa, giải phóng huyện Mộc Hóa trong khu căn cứ Đồng Tháp Mười, tạo thế nối liền các Khu 7, 8, 9 và tạo sự liên kết chiến đấu giữa chiến trường Việt Nam-Campuchia. Ngày 16-12-1948, Tiểu đoàn 307 và Tiểu đoàn 331 bộ đội tỉnh Trà Vinh tiêu diệt đồn La Bang, Trà Vinh, tạo điều kiện phát triển cơ sở cách mạng vùng đồng bào Khmer, làm thất bại âm mưu chia rẽ người Khmer và người Kinh của địch. Tiếp đó, tiểu đoàn liên tiếp lập chiến công vang dội ở Long An, Đồng Tháp, Trà Vinh, Vĩnh Long, Bến Tre, Cần Thơ, Kiên Giang, Bạc Liêu... Đặc biệt, cuối năm 1949, Tiểu đoàn 307 đã tiêu diệt tiểu đoàn bộ binh Ma-rốc tại Phong Phú, góp phần quyết định vào thắng lợi của chiến dịch Cầu Kè, Vĩnh Long. Đến năm 1954, Tiểu đoàn 307 đã đánh hơn 110 trận lớn nhỏ. Sau Hiệp định Geneve, Tiểu đoàn 307 hành quân về tiếp quản thị xã Cà Mau và thị trấn Tắc Vân, sau đó tập kết ra Bắc, được tái tổ chức thành Tiểu đoàn 7, Trung đoàn 3, Sư đoàn 330, đóng quân ở Thanh Hóa, dưới quyền chỉ huy của Sư đoàn trưởng Đồng Văn Cống.

70 năm đã qua, giai điệu “Tiểu đoàn ba lẻ bảy” đã ăn sâu vào tiềm thức nhiều người với khúc ca hùng tráng: Ai đã từng đi qua sông Cửu Long giang/ Cửu Long giang sông trào nước xoáy/ Ai đã từng nghe tiếng tiểu đoàn/ Tiếng Tiểu đoàn ba trăm lẻ bảy…/ Buổi xuất quân tiểu đoàn năm ấy/ Cả tiểu đoàn thề dưới sao vàng/ Người chiến sĩ tiếc gì máu rơi/ Buổi xuất quân tiểu đoàn năm ấy, nguyện một lòng gìn giữ non sông… Trận Tháp Mười, Trận Mộc Hóa, vang tiếng đồn với trận La Bang….

Ngày 2-9-2005, Tiểu đoàn 307 (nay là Tiểu đoàn 7, Trung đoàn 3, Sư đoàn 330, Quân khu 9) được Đảng, Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng LLVT nhân dân và ngày 5-7 hằng năm trở thành Ngày truyền thống của tiểu đoàn.

Theo NGUYỄN THÀNH HỮU (Quân đội Nhân dân)