Vay vốn thiếu minh bạch, nguy cơ mất tài sản

06/07/2021 - 08:45

Một số người muốn vay vốn làm ăn hoặc sử dụng vào nhu cầu cá nhân mà phải cầm cố, thế chấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCNQSDÐ) cho một cá nhân khác. Do thiếu hiểu biết về pháp luật, hoặc do nhẹ dạ cả tin, nhiều trường hợp có nguy cơ mất tài sản, vì vướng vào bẫy của các đối tượng cho vay theo hình thức không minh bạch.

A A

Nhà và đất của vợ chồng ông Hò đang sử dụng nhưng GCNQSDÐ đã do người khác đứng tên. 

Năm 2016, vợ chồng ông Nguyễn Văn Hò ở phường Thới Long, quận Ô Môn, thế chấp 3 GCNQSDÐ (gồm GCNQSDÐ của 1 phần đất ở và 2 phần đất ruộng) cho ông Lương Tấn T ở phường Xuân Khánh, quận Ninh Kiều, để vay 70 triệu đồng. Vợ chồng ông Hò và ông T đã thỏa thuận làm hợp đồng vay tài sản bằng giấy tay. Và trên thực tế, để nhận được số tiền vay, vợ chồng ông Hò và ông T đã đến một văn phòng công chứng ở quận Ô Môn lập hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất đối với các GCNQSDÐ đã thế chấp. Ông Hò cho biết: “Vợ chồng tôi đã ký tên vào hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất cho ông T. Việc vay tiền diễn ra suôn sẻ. Hằng tháng, chúng tôi đều đóng lãi suất theo thỏa thuận. Sau đó, chúng tôi đã trả vốn được 30 triệu đồng; ông T đã trả lại 2 GCNQSDÐ ruộng. Số tiền 40 triệu đồng còn lại, chúng tôi chưa khả năng trả, nên ông T còn giữ 1 GCNQSDÐ ở”.

Ðến tháng 4-2021, sau khi gom đủ hơn 40 triệu đồng vốn và lãi để trả hết cho ông T, chuộc lại GCNQSDÐ, vợ chồng ông Hò mới vỡ lẽ phần đất của gia đình đã bị ông T bán cho người khác. Ông Hò kể: “Khi chúng tôi yêu cầu chuộc lại GCNQSDÐ, thì có 2, 3 người lạ mặt đến nhà và cho chúng tôi biết là họ đang đứng tên trên GCNQSDÐ phần đất của tôi. Nếu vợ chồng tôi muốn chuộc GCNQSDÐ thì phải trả 800 triệu đồng. Ðây là tất cả tài sản vợ chồng tôi tích góp, dành dụm được trong nhiều năm, giờ đây mất đi chúng tôi không biết phải sống như thế nào. Vợ chồng tôi chỉ mang GCNQSDÐ cầm cố, thế chấp chứ không thực hiện việc mua bán, chuyển nhượng gì với ông T. Việc ký hợp đồng chuyển nhượng này chỉ là giả cách để bảo đảm trả nợ cho khoản vay”. Ông T còn viết giấy tay đưa cho vợ chồng ông Hò với nội dung “Giấy mượn tiền có thế chấp” nhằm tạo sự tin tưởng để vợ chồng ông Hò ký vào hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất.

Những trường hợp như vợ chồng ông Hò không hiếm. Thời gian qua, ở một số quận, huyện của TP Cần Thơ đã phát sinh biến tướng của hoạt động cho vay tiền đối với các cá nhân, tổ chức. Bên cho vay, ngoài ký kết hợp đồng cho vay, còn yêu cầu bên vay ký thêm hợp đồng mua bán nhà đất hoặc hợp đồng ủy quyền chuyển nhượng quyền sử dụng đất với giá thấp. Hầu hết, các đối tượng cho vay khi ký hợp đồng đều cam kết đây không phải là giao dịch thật, chỉ là thủ tục để bảo đảm cho khoản vay. Tuy nhiên, sau khi ký hợp đồng chuyển nhượng, đa số chủ nợ đều “âm thầm” bán tài sản được cầm cố cho bên thứ 3.

Luật sư Nguyễn Văn Tuấn, Ðoàn Luật sư TP Cần Thơ, cho biết: “Vay nợ bằng hình thức ký hợp đồng ủy quyền hoặc mua bán, rủi ro cao. Nếu gặp đối tượng lừa đảo, người vay dễ có nguy cơ mất trắng. Do đó, để bảo đảm sự an toàn và đúng quy định pháp luật, các bên tham gia quan hệ vay nên thực hiện ký kết hợp đồng vay rõ ràng, thủ tục thế chấp tài sản theo đúng quy định. Ngoài ra, trước đề nghị “phải ký hợp đồng chuyển nhượng nhà, đất thì mới được vay tiền”, người vay cần thận trọng xem xét kỹ vì hợp đồng này tiềm ẩn nhiều rủi ro. Tốt nhất, người đi vay nên yêu cầu bên cho vay có cam kết không bán tài sản thế chấp trong thời hạn trả nợ”…

Theo CHẤN HƯNG (Báo Cần Thơ)