Về miền hạ, gặp nông dân Việt Nam xuất sắc năm 2023

05/12/2023 - 10:48

Trở về từ thủ đô Hà Nội trong chuyến tham dự “Lễ tôn vinh 100 nông dân (ND) Việt Nam xuất sắc và 63 hợp tác xã (HTX) nông nghiệp tiêu biểu toàn quốc năm 2023”, ND Nguyễn Văn Sành (ấp 3, xã Phước Vĩnh Tây, huyện Cần Giuộc, tỉnh Long An) gặp chúng tôi tại chính mảnh đất nuôi tôm của gia đình để chia sẻ niềm vui.

A A

Nhờ nuôi tôm ứng dụng công nghệ cao, ông Nguyễn Văn Sành (thứ 2, phải qua, ấp 3, xã Phước Vĩnh Tây, huyện Cần Giuộc) có lợi nhuận khoảng 1 tỉ đồng mỗi năm

Trước đây, ND xã Phước Vĩnh Tây chủ yếu trồng lúa nhưng năng suất bấp bênh. Sau đó, một số người thấy nuôi tôm có lời nên đã chuyển từ trồng lúa sang đào ao nuôi tôm và thành công, trong đó có ông Sành. “Trước đây, tôi trồng lúa 1 vụ nhưng năng suất không cao.

Mỗi năm, nếu trúng mùa thì cũng chỉ đủ ăn là mừng rồi. Sau khi có chủ trương chuyển đổi cây trồng, vật nuôi, tôi thực hiện theo. Năm 2000, tôi bắt đầu nuôi tôm sú, có lợi nhuận gấp 5-7 lần so với trồng lúa. Sau này, tôi nghe nói nuôi tôm thẻ chân trắng lợi nhuận nhiều hơn nữa nên tôi đi học tập để về nuôi” - ông Sành bộc bạch.

Năm 2017, ông Sành chuyển từ nuôi tôm thẻ chân trắng theo kiểu truyền thống sang ứng dụng công nghệ cao. Theo ông Sành, để nuôi tôm hiệu quả, ngoài xử lý tốt nguồn nước đầu vào và tìm nguồn con giống tốt, người nuôi tôm phải quản lý tốt môi trường nước. Điều này góp phần tránh cho tôm bị hoại tử gan tụy, tiết kiệm được chi phí thức ăn. Chi phí đầu tư nuôi tôm ứng dụng công nghệ cao khá lớn nhưng đổi lại sản lượng cao hơn so với nuôi theo kiểu truyền thống.

Ông Sành nói: “Nuôi tôm ứng dụng công nghệ cao giúp ND chủ động trong sản xuất, ít lệ thuộc vào thời tiết, giảm dịch bệnh, nâng cao sản lượng, chất lượng tôm, hướng đến phát triển bền vững. Tuy nhiên, nuôi tôm rủi ro cao, vì vậy, ND phải áp dụng khoa học - kỹ thuật, ứng dụng công nghệ cao cũng như nắm bắt quá trình sinh trưởng của tôm mới có thể thành công”.

Hiện tại, ông Sành nuôi 1,6ha tôm ứng dụng công nghệ cao, có sử dụng xiphong đáy, lót bạt đáy, máy biến tần,... Mỗi năm, sau khi trừ các khoản chi phí, ông có lợi nhuận khoảng 1 tỉ đồng.

Nhằm đẩy mạnh mô hình liên kết sản xuất, nâng sức cạnh tranh, giá bán tôm, ông Sành cùng hội viên ND thành lập HTX Thủy sản Phước Vĩnh Tây với 24 thành viên, thả nuôi 40ha tôm do ông làm Chủ tịch Hội đồng Quản trị. Theo ông Sành, tham gia HTX, thành viên phải thực hiện đúng quy trình sản xuất thời vụ, bảo đảm con giống chất lượng và sạch. Hiện HTX Thủy sản Phước Vĩnh Tây cũng được công nhận đạt tiêu chuẩn VietGAP.

Phó Chủ tịch Hội ND huyện Cần Giuộc - Bạch Ngọc Bay cho biết: Ông Sành trước đây là Chủ tịch Hội ND xã Phước Vĩnh Tây nên có nhiều đóng góp cho phong trào ở địa phương. Không chỉ làm giàu cho gia đình, ông còn sẵn lòng chia sẻ kinh nghiệm, kỹ thuật nuôi tôm cho những ND khác khi đến tìm hiểu mô hình.

Bên cạnh đó, ông tích cực tham gia công tác xã hội như hỗ trợ, giúp đỡ người dân có hoàn cảnh khó khăn, góp kinh phí xây nhà tình thương, hiến đất làm đường, vận động gắn camera giám sát an ninh, trật tự và đèn chiếu sáng đường nông thôn,...

Với những thành tích xuất sắc trong sản xuất và đóng góp cho xã hội, nhiều năm liền, ông Sành nhận được Bằng khen của Chủ tịch UBND tỉnh vì có thành tích tốt trong phong trào ND sản xuất, kinh doanh giỏi; Bằng khen của Trung ương Hội ND Việt Nam vì có thành tích xuất sắc trong phong trào ND sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững giai đoạn 2017-2022.

Đặc biệt, ông Sành cũng được Trung ương Hội ND Việt Nam tuyên dương ND sản xuất, kinh doanh giỏi năm 2023 và được Hội đồng Chung khảo bình chọn là 1 trong 100 nhà nông tiêu biểu của cả nước nhận danh hiệu “ND Việt Nam xuất sắc 2023”./.

Theo SONG NHI (Báo Long An)