Óoc Om Bóc là một trong những lễ hội dân gian lớn nhất của đồng bào Khmer Nam bộ. Những ngày này, khắp các vùng có đông đồng bào Khmer đều tràn ngập không khí lễ hội. Tuy nhiên, quy mô nhất, tưng bừng nhất là ở 2 tỉnh Trà Vinh và Sóc Trăng. Trong khi Trà Vinh đầy sắc màu với nghi thức Cúng Trăng, thì Sóc Trăng sôi nổi giải đua ghe Ngo truyền thống lớn nhất khu vực.
Vui lễ hội Oóc Om Bóc.
Tại Trà Vinh, đâu đâu cũng tràn ngập không khí lễ hội, tiếng trống Sa-dăm, nhạc ngũ âm đang vang lên từ các chùa. Trong khi các điểm sinh hoạt cộng đồng lại sôi nổi các trò chơi dân, chương trình văn nghệ cả hai thứ tiếng Việt-Khmer, thể thao thanh niên dân tộc, ẩm thực đặc trưng dân tộc Khmer.
Riêng tại Khu di tích Văn hóa – Lịch sử Ao Ba Om, thành phố Trà Vinh không khí càng náo nhiệt, đậm chất của một lễ hội dân tộc, hàng nghìn du khách từ khắp nơi đổ về thưởng thức vẻ đẹp rực rỡ của ngày hội.
Bà Lê Ngọc Hoa, ở thành phố Hồ Chí Minh, là người lần đầu tiên đến Trà Vinh ngay dịp lễ hội Óoc Om Bóc cho biết, bà đã nghe tên lễ hội đã lâu nhưng nay mới có dịp tham gia. “Tôi thấy ở đây tổ chức rất nhiều hoạt động, chùa rất đẹp, trang trí hoành tráng. Di tích Ao Bà Om quá đẹp, hồi nhỏ đã nghe rồi nhưng nay mới có dịp đến”- bà Hoa chia sẻ.
Lễ hội Óoc Om Bóc được tổ chức định kỳ vào rằm tháng 10 Âm lịch hàng năm – mà người Khmer Nam bộ gọi là tháng K-đấk. Đây là một trong ba lễ chính hàng năm của đồng bào, gồm: Tết cổ truyền Chôl Chhnăm Thmây, Lễ cúng ông bà - Sêne Đolta và Óoc Om Bóc - cúng trăng. Năm 2014, lễ hội Óoc Om Bóc Trà Vinh được Bộ Văn hóa – Thể thao – Du lịch công nhận là “Di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia” và từ đó đến nay lễ hội được tổ chức quy mô hơn.
Chương trình văn nghệ đêm lễ hội.
Lễ hội diễn ra hầu hết địa phương có đồng bào sinh sống nhưng được tổ chức tập trung và có quy mô lớn nhất tại Khu di tích Văn hóa – Lịch sử Ao Bà Om thành phố Trà Vinh, tỉnh Trà Vinh. Đây cũng là dịp để các dân tộc anh em trên địa bàn cùng giao lưu văn hóa với nhau.
“Lễ hội Óoc Om Bóc là một hoạt động vừa mang tính chất truyền thống vừa tạo sinh khí vui chơi của đồng bào dân tộc Khmer mừng vụ mùa, cộng đồng người Kinh, người Hoa cũng cùng tham gia. Đây là nét đặc trưng của các dân tộc ở tỉnh Trà Vinh, cũng là niềm tự hào đối với nhân dân Trà Vinh. Mỗi năm mùa Óoc Om Bóc lại về, mang lại nhiều niềm vui cho mọi người", ông Nguyễn Đại Đức, Phó giám đốc sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Trà Vinh cho biết.
Biểu diễn trống Sa-dăm.
Còn ở tỉnh Sóc Trăng thì diễn ra giải đua ghe Ngo lớn nhất khu vực ĐBSCL. Theo đó, bà con dân tộc Khmer ở Sóc Trăng đã chuẩn bị chu đáo để tham gia ngày hội lớn này. Đua ghe Ngo là một trong những hoạt động quan trọng, có sức lan tỏa, thu hút hàng chục ngàn lượt người đến tham dự. Ghe ngo của người Khmer là chiếc thuyền dài cong vút được làm bằng gỗ có thân dài từ 25 -30m, đầu ghe có vẽ hình những con vật với màu sắc rực rỡ uy phong như: lân, voi, ngựa, nàng tiên cá… chính là biểu tượng cho mỗi chùa và bổn sóc.
“Gần 50 năm trở lại đây, ghe Ngo của chùa luôn có mặt tham gia lễ hội. Dù đời sống, kinh tế của phật tử có lúc gặp khó khăn nhưng vì tinh thần thể thao, sự đam mê, mong muốn giữ gìn và bảo tồn bản sắc dân tộc”- Đại đức Lâm Hiệp, trụ trì chùa Tum Núp cho biết.
Năm nay, giải đua ghe Ngo cấp khu vực diễn ra trong 2 ngày 10,11/11, tại khán đài đường đua ghe Ngo, thành phố Sóc Trăng. Có 59 đội ghe Ngo, với trên 5.000 vận động viên đến từ các tỉnh Bạc Liêu, Cà Mau, Hậu Giang, Kiên Giang, Trà Vinh, Vĩnh Long và chủ nhà Sóc Trăng đăng ký tham gia tranh tài; trong đó có 12 đội ghe Ngo nữ.
Ông Lâm Sách, Trưởng Ban Dân tộc tỉnh Sóc Trăng cho biết, Óoc Om Bóc - Đua ghe Ngo là lễ hội truyền thống của Đồng bào Khmer, cứ đến lễ hội, bà con trong phum sóc lại nô nức đổ về trung tâm thành phố Sóc Trăng để tham gia. Đặc biệt, từ khi lễ hội được nâng tầm lên thành cấp khu vực ĐBSCL, hoạt động giải đua ghe Ngo cũng từ đó được tổ chức ngày càng quy mô mở rộng, nhiều ghe Ngo các tỉnh đến tham gia tài, bà con đến với lễ hội cũng nhiều hơn.
Các đội ghe Ngo trước giờ khai mạc.
“Các chùa có sự tập trung lớn cho đợt đua ghe Ngo lần này, việc tập hợp vận động viên, tập dượt kéo dài trên 1 tháng. Bên cạnh đó, một số cấp ủy, đảng, chính quyền địa phương các huyện, thị, thành phố cũng có sự quan tâm hỗ trợ về tinh thần, vận động các mạnh thường quân hỗ trợ các chùa kinh phí tập luyện cũng như thi đấu. Có những nơi còn vận động đóng được ghe Ngo mới”, ông Lâm Sách, Trưởng Ban Dân tộc tỉnh Sóc Trăng cho biết.
Trong những năm qua, Đảng, Nhà nước đã hỗ trợ kịp thời, hiệu quả về chính sách nhà ở, đất ở, đất sản xuất, vốn vay tạo điều kiện cho bà con phát triển kinh tế, đưa cuộc sống vật chất, tinh thần của đồng bào dân tộc Khmer có những bước phát triển đáng kể. Nhờ đó mà nay năm, bà con đến với lễ hội Óoc Om Bóc - Đua ghe Ngo càng vui tươi hơn.
Theo VOV