Những nghệ nhân trình diễn tại Liên hoan lần này hoàn toàn là “cây nhà lá vườn”, đang sinh hoạt tại các câu lạc bộ (CLB) ĐCTT tại địa phương. Trước đó, Liên hoan ĐCTT cấp huyện cũng được tổ chức nhằm đánh giá lại phong trào và tìm nhân tố mới để thi tài cấp thành phố.
Nghệ nhân ĐCTT biểu diễn phục vụ tại Ngày hội Du lịch sinh thái Phong Điền 2017.
Ông Nguyễn Thanh Truyền, Giám đốc Trung tâm Văn hóa- Thể thao huyện Phong Điền, cho biết: Toàn huyện hiện có khoảng 50 CLB, đội, nhóm ĐCTT đang sinh hoạt đều khắp tại các xã, thị trấn. Trong đó, nòng cốt là CLB ĐCTT Hương Quê trực thuộc Trung tâm Văn hóa- Thể thao huyện và các CLB ĐCTT của xã, thị trấn. Trung tâm thường cử cán bộ xuống hỗ trợ về đờn ca; hỗ trợ âm thanh, ánh sáng trong mỗi buổi sinh hoạt của các CLB.
Hằng tháng, CLB ĐCTT Hương Quê sinh hoạt với sự tham gia của khoảng 30 thành viên, rất nhiều người mộ điệu và đặc biệt là sự góp mặt của các nghệ nhân đến từ các xã, thị trấn. Họ đến không chỉ để giao lưu, góp vui mà còn học hỏi kinh nghiệm tổ chức sinh hoạt, duy trì hoạt động về áp dụng cho CLB mình. Điểm đặc biệt ở Hương Quê là ngoài người địa phương còn có những thành viên là sinh viên các Trường Đại học, Cao đẳng ở Cần Thơ; các địa phương lân cận… cũng xin gia nhập vì mến mộ tiếng đờn lời ca miệt vườn. Ông Huỳnh Văn Vũ, Chủ nhiệm CLB ĐCTT Hương Quê, nói: “Sức hút ấy có lẽ đến từ việc anh em CLB rất đoàn kết, chỉ dẫn nhau cách đờn ca, nhịp nhàng, phát huy thế mạnh của mỗi người”. Cũng nhờ mở rộng như thế mà Phong Điền luôn có nguồn nghệ nhân ĐCTT dồi dào phục vụ các sự kiện của địa phương như Ngày hội Du lịch sinh thái Phong Điền, Ngày Du lịch thế giới…
Ở miệt vườn Phong Điền, một thế hệ nghệ nhân ĐCTT trẻ tuổi, có thanh có sắc, đang góp phần gìn giữ loại hình âm nhạc cổ truyền của dân tộc. Những nhân tố ấy đều được phát hiện từ hoạt động của các CLB. Em Hồng Trúc, 17 tuổi, ngụ xã Nhơn Nghĩa, huyện Phong Điền, là điển hình. Trưởng thành từ những buổi đờn ca ở địa phương, nay Hồng Trúc đã vững hơi chắc nhịp. Tại Liên hoan ĐCTT TP Cần Thơ vừa qua, tiết mục “Nguyễn Việt Hồng” theo thể điệu Oán do Hồng Trúc ca được trao giải tiết mục xuất sắc. Hay em Tú Ngân, ở xã Tân Thới, huyện Phong Điền, dù mới 14 tuổi nhưng khá rành các làn hơi tài tử, giọng ca truyền cảm. Thật bất ngờ khi biết em là con gái của ông Huỳnh Văn Vũ, Chủ nhiệm CLB ĐCTT Hương Quê. Chính “lò truyền nghề” của gia đình đã vun bồi cho Tú Ngân tình yêu ĐCTT.
Một điểm thú vị ở Phong Điền là có nhiều CLB ĐCTT do người dân yêu thích tự thành lập, sinh hoạt rất đều đặn. Cứ mỗi tối thứ 2, thứ 4, thứ 6 hằng tuần, người dân gần cầu Tây Đô lại nghe những giai điệu ĐCTT bổng trầm. Đó là buổi sinh hoạt của CLB ĐCTT Bảy Gạo. Chủ nhiệm là ông Ngô Văn Bảy, do làm nghề bán gạo nên bà con quen gọi là ông Bảy Gạo. Khi thành lập CLB ĐCTT, ông lấy luôn biệt danh để đặt tên. Mỗi buổi sinh hoạt, quán cà phê nhỏ của ông Bảy Gạo luôn chật kín khách, người thưởng thức, người ca giao lưu.
Ông Bảy còn livestream trên facebook diễn biến buổi sinh hoạt để những người yêu thích thưởng thức. Ông Bảy Gạo cho biết, hiện CLB đã sinh hoạt ổn định, thành viên cũng khá đông nên ông đang hướng tới việc nâng chất: tập cho hội viên vững nhịp, cách ca sao cho mùi, diễn sao cho hay… “CLB ĐCTT Bảy Gạo cũng thường giao lưu với anh em tri kỷ ở Thới Lai, Cờ Đỏ, thậm chí tới Kiên Giang. Niềm đam mê kết nối chúng tôi”- ông Bảy Gạo nói.
Có thể nói, sự sôi nổi của phong trào ĐCTT ở Phong Điền là nhờ địa phương tạo dựng được nền tảng vững chắc từ các CLB, đội, nhóm và sự hỗ trợ từ cơ quan chuyên môn. Thực tế, bà con sinh hoạt ĐCTT đều “vì mê mà đến” nên một chút quan tâm, hỗ trợ cũng sẽ khiến bà con ấm lòng mà gắn bó. Ông Nguyễn Thanh Truyền cho biết: Từ năm 2018, Phong Điền sẽ tổ chức Liên hoan ĐCTT cấp huyện hằng năm để tạo sân chơi cho nghệ nhân. Việc mở lớp kiến thức căn bản về ĐCTT, hoạt động truyền nghề cũng sẽ được địa phương tính đến để nâng chất phong trào.
Về miệt vườn ăn trái cây, nghe ĐCTT giờ như “đặc sản” của đất và người Phong Điền. Đó cũng là cách để Phong Điền giữ tiếng lòng người phương Nam vang mãi...
Theo ĐĂNG HUỲNH (Báo Cần Thơ)