Tăng cường kỷ luật, kỷ cương, tập trung đẩy nhanh giải phóng mặt bằng, tái định cư, tiến độ thi công và kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc… cho các công trình, dự án.
Đẩy nhanh tiến độ thi công, giải ngân các công trình/dự án, tạo động lực phát triển.
Lãnh đạo UBND một số địa phương cho biết, công tác giải phóng mặt bằng hiện gặp một số khó khăn, trong đó còn do vướng giữa quy định cũ và Luật Đất đai có hiệu lực từ 1/8.
Ông Đặng Văn Lượng- Chủ tịch UBND TP Vĩnh Long, cho biết: “Luật Đất đai có hiệu lực từ 1/8. Nghị định số 88 ngày 13/7/2024 của Chính phủ quy định về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất cũng có hiệu lực từ 1/8. Vậy những văn bản cũ của tỉnh ban hành còn hiệu lực không?…”.
Theo đó, ông Lượng xin ý kiến chỉ đạo của UBND tỉnh “để tới đây thực hiện tốt công tác giải phóng mặt bằng, nhất là đối với các dự án ODA”.
Theo BCĐ Xây dựng cơ bản tỉnh, tổng kế hoạch vốn đầu tư công năm 2024 của tỉnh là 4.793,703 tỷ đồng. Ông Võ Quốc Thanh- Giám đốc Sở KH-ĐT, cho biết, đến ngày 29/7, giải ngân đạt 22,8%, thấp hơn bình quân cả nước (31,6%).
Theo ông Thanh, bên cạnh những nguyên nhân khách quan, còn có những nguyên nhân chủ quan.
Ông Thanh phân tích, 6 tháng đầu năm 2024, tăng trưởng đều tất cả các lĩnh vực nhưng GRDP tăng 4,77%, trong đó lĩnh vực xây dựng giảm đã kéo giảm tăng trưởng chung.
Ông Thanh đề xuất, các dự án cần khẩn trương hoàn thành thiết kế dự toán, giải phóng mặt bằng, tập trung các dự án chuyển tiếp để đẩy nhanh tiến độ thi công. Lãnh đạo các sở, ngành, địa phương chỉ đạo các chủ đầu tư đôn đốc nhà thầu có tiến độ thi công cụ thể.
Về việc vướng giữa Luật Đất đai cũ và mới, ông Thanh đề nghị thành viên UBND tỉnh tham mưu giải quyết sớm, tránh ảnh hưởng giải phóng mặt bằng ở các địa phương.
Lãnh đạo các sở, ngành, UBND cấp huyện chỉ đạo sát sao, quyết liệt công tác xây dựng cơ bản bởi “đơn vị, địa phương nào quan tâm thì ở đó giải ngân tốt”.
Theo UBND tỉnh, trong tháng 7, kinh tế- xã hội của tỉnh tiếp tục đạt nhiều kết quả tích cực. Tổng thu ngân sách nhà nước trong tháng ước thực hiện 367 tỷ đồng; 7 tháng đầu năm 2024 ước thực hiện hơn 4.201,4 tỷ đồng, đạt 70,64% dự toán năm, tăng 11,1% so cùng kỳ.
Bên cạnh, sản xuất nông nghiệp tiếp tục ổn định; sản xuất công nghiệp, thương mại, dịch vụ, du lịch đạt kết quả tích cực; xuất khẩu tăng trưởng khá.
Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng trong tháng ước đạt 5.734,2 tỷ đồng, tăng 3,22% so tháng trước và tăng 13,87% so cùng kỳ.
Tổng kim ngạch xuất khẩu của tỉnh trong tháng ước đạt 83,58 triệu USD, tăng 5,74% so tháng trước và tăng 29,81% so cùng kỳ.
Tuy nhiên, tình hình thiên tai, sạt lở còn diễn biến phức tạp ảnh hưởng đến sản xuất và sinh hoạt của người dân; nợ xấu tín dụng có dấu hiệu tăng cao; hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp ở một số lĩnh vực còn khó khăn.
Ông Lữ Quang Ngời- Chủ tịch UBND tỉnh, nhận định, bên cạnh những mặt đạt được, còn tiềm ẩn nhiều rủi ro, thách thức, nhất là sức khỏe của doanh nghiệp.
Từng ngành, lĩnh vực phục hồi chậm, trong đó, các doanh nghiệp giải thể tăng khá cao so với cùng kỳ năm trước.
Vì vậy cần phải có sự quan tâm đặc biệt. Ông Lữ Quang Ngời cũng lưu ý, giải ngân vốn đầu tư công đến nay tỷ lệ còn thấp, cần quyết tâm, xem đây là ưu tiên số 1.
Đặc biệt, phải thường xuyên kiểm tra, đôn đốc, gắn tránh nhiệm người đứng đầu của đơn vị, chủ đầu tư, với trách nhiệm giải ngân vốn đầu tư công.
Chủ tịch UBND tỉnh giao Sở KH-ĐT tiến hành rà soát, giám sát để tham mưu UBND tỉnh xem xét điều chuyển kế hoạch vốn kịp thời sang các dự án/công trình thực hiện được để giải ngân nguồn vốn. Đồng thời, kiểm điểm, rút kinh nghiệm đối với đơn vị nào không thực hiện, thực hiện chậm do lỗi chủ quan.
Chủ tịch UBND tỉnh chỉ đạo các chủ đầu tư, các địa phương phải cam kết, quyết liệt trong thực hiện nhiệm vụ.
Rà soát các nhiệm vụ của năm 2024 để chỉ đạo quyết liệt và phải đẩy nhanh tiến độ các nội dung, không để chậm trễ, nhất là công tác giám sát, kiểm tra, đôn đốc và cam kết của tháng 7 chưa làm được thì đưa vào kế hoạch tháng 8 giải quyết dứt điểm.
Đồng thời, cần thường xuyên, theo dõi kịp thời, tháo gỡ giải quyết khó khăn, vướng mắc cho các doanh nghiệp, người dân; tăng cường mời gọi đầu tư.
Chủ tịch UBND tỉnh chỉ đạo các sở, ngành, địa phương căn cứ vào chức năng, nhiệm vụ được giao, cần tăng cường tập trung chỉ đạo của ngành, địa phương mình cho hiệu quả. Trong đó, Sở Nông nghiệp-PTNT chủ động, phối hợp với các địa phương trong phòng chống, ứng phó với thiên tai, mưa bão diễn biến phức tạp.
Sở TN-MT tiếp tục rà soát, đánh giá lại, xây dựng phương án khai thác cát đảm bảo cung ứng cát phục vụ thi công các dự án trọng điểm quốc gia theo chỉ tiêu được giao và các dự án; tham mưu UBND tỉnh ban hành các quyết định được Luật Đất đai năm 2024 giao quy định chi tiết.
Sở Xây dựng tiếp tục triển khai thực hiện các chính sách phát triển các dự án nhà ở xã hội, nhà ở thu nhập thấp theo Kế hoạch phát triển nhà ở năm 2024. Khẩn trương tham mưu UBND tỉnh ban hành các quyết định được Luật Nhà ở năm 2024 giao quy định chi tiết. Sở GT-VT; Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình dân dụng và công nghiệp; Ban Quản lý dự án ODA tỉnh tập trung đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án do ngành quản lý, nhất là các dự án cầu Đình Khao, dự án ODA… Sở Văn hóa-TT-DL khẩn trương, phối hợp với các cơ quan có liên quan tham mưu kế hoạch tổ chức Festival gốm đỏ để sớm triển khai và thực hiện các bước tiếp theo.
Theo TUYẾT HIỀN- TẤN ANH (Báo Vĩnh Long)