Cây sầu riêng của xã Mỹ Thạnh Trung được huyện Tam Bình chọn làm điểm để phát triển mô hình.
Làm giàu từ chuyển ruộng lên vườn
Chúng tôi đến tham quan vườn cam sành xanh tốt của anh Phạm Ngọc Tri (ấp Mỹ Thành) nhân lúc anh đang tưới cam. “Đất này trước đây tui trồng lúa, sau đó lên vườn trồng cam, rồi trở lại làm ruộng để cải tạo đất. 3 năm nay tui lại lên vườn trồng cam sành”- anh Tri kể.
Hiện, vườn cam của anh Tri đã cho thu hoạch 2 đợt, bán được khoảng 20 tấn cam. “Nếu đến hết mùa chắc cũng được 25 tấn”- anh Tri nhẩm tính. Với giá 12.000 đ/kg, anh lời hơn 100 triệu đồng. “Tính ra trồng cam cho hiệu quả hơn chục lần trồng lúa”- anh Tri nói.
Theo anh Tri, nhờ chuyển ruộng lên vườn mà nhiều nhà vườn đã vươn lên làm giàu và so với mặt bằng chung thì đời sống người dân ấp Mỹ Thành tương đối khá. Thậm chí, giá cam có khi lên tới 35.000 đ/kg nên “cứ bán được 1 giỏ cam là mua được 1 chỉ vàng”. Lúc đó, “muốn biết hộ nào sắp sắm bao nhiêu vàng thì chỉ cần đếm số giỏ cam đem bán”- anh Nguyễn Thành Công (cùng ngụ ấp Mỹ Thành) kể chuyện vui.
Qua vận động của địa phương về chuyển đổi cơ cấu cây trồng cộng với “thấy nhà vườn làm ăn có hiệu quả” nên sau nhiều năm trồng cam, năm 2015, anh Công đã chuyển dần 5 công vườn sang trồng sầu riêng Ri 6, vừa để cải tạo đất vừa giúp tăng thu nhập. Khoảng 1 năm nay, anh tiếp tục chuyển thêm 4 công ruộng lên vườn trồng sầu riêng.
Đưa chúng tôi thăm vườn sầu riêng đang chín, anh Công cho biết: Thông thường, mỗi công sầu riêng trồng khoảng 20 gốc. Vừa rồi tui làm bông 3 cây, trong đó có 1 cây đạt đã bán được 10 triệu đồng. Mới đây, người bà con của tui thu hoạch 3 công sầu riêng bán được 400 triệu đồng; còn hộ lân cận thì bán đúng thời điểm giá sầu riêng lên cao (73.000 đ/kg), nên “cứ chất đầy xe ba gác là bỏ túi rủng rỉnh 80 triệu đồng”- anh Công hào hứng kể.
Anh Phạm Duy Phong- Công chức Xây dựng- Nông nghiệp- Thủy lợi xã cho biết: Đến nay, xã đã thành lập CLB trồng sầu riêng với 37 thành viên và được huyện Tam Bình chọn làm điểm để phát triển mô hình trồng sầu riêng. Hàng tháng xã đều có mời giảng viên ở Trường ĐH Cần Thơ tới hướng dẫn kỹ thuật cho nông dân. Bên cạnh, xã cũng định hướng sẽ thành lập hợp tác xã trồng sầu riêng, gắn sản xuất với tiêu thụ để đảm bảo đầu ra cho nông dân.
Thực hiện Nghị quyết Trung ương 4, khóa XII về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ, từ năm 2016, Đảng ủy xã Mỹ Thạnh Trung xây dựng thành công mô hình “Đảng viên giữ mối liên hệ chặt chẽ và thường xuyên với hộ gia đình nơi cư trú” và được Huyện ủy Tam Bình chọn làm điểm chỉ đạo thực hiện. Theo đó, Đảng ủy xã chỉ đạo mỗi đảng viên giữ mối liên hệ với 3 hộ gia đình (hộ nghèo, cận nghèo, tệ nạn), thường xuyên nắm tình hình và vận động để các hộ này chuyển biến. Đồng thời, phản ánh về chi bộ để thẩm định lại. Qua đó, chi bộ đề xuất với Đảng ủy xã có hướng chỉ đạo UBND xã tìm giải pháp giúp cho những hộ này vươn lên. Nhờ vậy, đã góp phần kéo giảm tỷ lệ hộ nghèo hàng năm của xã đạt 2,28% (vượt 1,28% so chỉ tiêu nghị quyết), đồng thời kéo giảm 40,4% số vụ vi phạm trật tự xã hội so cùng kỳ. Qua đó, tạo được niềm tin của nhân dân với Đảng.
Kinh tế vườn là khâu đột phá
“Xác định phát triển kinh tế vườn là trọng tâm, là khâu đột phá trong chuyển dịch sản xuất nông nghiệp trên địa bàn xã, chính vì vậy, nghị quyết hàng năm của Đảng ủy xã Mỹ Thạnh Trung đều tập trung vận động nông dân chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, trong đó chỉ đạo đến từng hộ quan tâm phát triển kinh tế vườn, cải tạo vườn kém hiệu quả, phát triển vườn chuyên canh”- Bí thư Đảng ủy xã- Lê Hoàng An cho biết.
Hiện, diện tích vườn sầu riêng của xã đứng thứ 2 của huyện, còn cây cam sành đứng hàng thứ 5 và nét nổi bật là “bà con trồng cây gì, nuôi con gì đều tính tới hiệu quả chứ không tự phát như trước đây”.
Để công tác vận động đi vào chiều sâu và hiệu quả, Đảng ủy xã phân công từng đoàn thể xuống tuyên truyền đoàn viên, hội viên. Đồng thời, chỉ đạo đảng viên gương mẫu đi trước theo phương châm “nhà ai phải coi lại mảnh vườn, thửa ruộng của nhà nấy và phải thực sự hiệu quả kinh tế”.
Bên cạnh, xã cũng chủ động với huyện xin hỗ trợ những mô hình điểm giúp nông dân chuyển dịch kinh tế vườn; trong thực hiện các mô hình huyện sẽ hỗ trợ 30% giống và kỹ thuật. Địa phương cũng thường xuyên nắm tình hình làm ăn của nông dân và gợi ý các đoàn thể vận động cán bộ, đoàn viên, hội viên quan tâm nhân rộng các mô hình hiệu quả.
Đến nay, xã đã vận động cải tạo dứt điểm 100% vườn kém hiệu quả, đồng thời trồng mới 443,4ha cây ăn trái, như: cam sành, sầu riêng, thanh long… nâng diện tích vườn cây ăn trái toàn xã lên gần 1.016ha. Bên cạnh, xã còn xây dựng mô hình sản phẩm đặc trưng cây cam sành ở ấp Cây Bàng với 11ha; vận động hình thành mô hình chuyên canh cây sầu riêng ở ấp Mỹ Thành với hơn 42ha.
Với sự chung tay của cả hệ thống chính trị và sự đồng lòng vượt khó vươn lên của người dân đã giúp kéo giảm tỷ lệ hộ nghèo của xã từ 11,74% (năm 2015) xuống còn 2,64% (năm 2019); thu nhập bình quân đầu người đạt 45,56 triệu đồng/năm, vượt 560.000đ so quy định xã đạt chuẩn nông thôn mới về thu nhập năm 2019.
Theo Bí thư Đảng ủy xã- Lê Hoàng An, nhiệm kỳ 2020- 2025, xã tiếp tục xác định cam sành và sầu riêng là các loại cây ăn trái chủ lực và sẽ vận động nhân dân trồng cây ăn trái theo mô hình chuyên canh, sạch- an toàn. Chọn trái cam sành, trái sầu riêng để đánh giá, phân hạng sản phẩm tham gia chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP); đồng thời, gắn các mô hình vườn chuyên canh với du lịch sinh thái.
Đồng chí Lê Hoàng An- Bí thư Đảng ủy xã Mỹ Thạnh Trung
Nhiệm kỳ 2020- 2025, Đảng bộ xã đề ra 3 khâu đột phá, trong đó tận dụng mọi điều kiện nguồn lực để phát triển kinh tế; tập trung củng cố phát triển kinh tế tập thể, kinh tế hộ; đầu tư phát triển kinh tế nông nghiệp theo hướng tập trung, chuyên canh, tạo mối liên kết đầu vào, đầu ra ổn định, hiệu quả.
Theo XUÂN TƯƠI (Báo Vĩnh Long)