Cần khám và điều trị kịp thời
Bệnh SXH hiện nay không chỉ ở trẻ nhỏ mà ngay cả người lớn cũng dễ mắc. Khoa Nhiễm- BVĐK tỉnh Vĩnh Long ngày nào cũng tiếp nhận bệnh nhân (BN) bị SXH theo dõi, điều trị. Nhờ kiến thức về bệnh SXH của người dân được nâng cao nên hầu hết BN nhập viện, được các bác sĩ theo dõi, điều trị kịp thời nên chưa có ca nào bị sốc, diễn biến nặng.
Em Bùi Cao Phi Anh (17 tuổi, TP Vĩnh Long), mệt mỏi kể em mắc bệnh SXH nhưng sốt đến ngày thứ 2 vô bệnh viện mới phát hiện ra bệnh. “2 ngày trước đó, em sốt cao, đau đầu... nghĩ mình bị sốt cảm lạnh thông thường do mắc mưa nên đi ra hiệu thuốc mua thuốc hạ sốt, đau đầu về uống. Uống vẫn không hạ sốt, lạnh run, mệt quá mới đi bệnh viện khám, thì em mệt xỉu và nằm viện do mắc SXH”- em Phi Anh cho biết.
Nằm cùng phòng, em Lê Anh Sơn (18 tuổi, TP Vĩnh Long) cho biết: “2 cậu cháu em ở chung nhà và cùng bị bệnh SXH. Cháu sốt bữa trước, bữa sau tới em cũng sốt, ớn lạnh run nên khuya chở vô bệnh viện liền. Bác sĩ thăm khám căn dặn em dù bớt sốt nhưng đang ở ngày thứ 4 trong giai đoạn nguy hiểm của bệnh SXH nên cần theo dõi kỹ”.
Từ đầu năm 2024 đến nay, Vĩnh Long ghi nhận trên 450 trường hợp mắc SXH, giảm hơn 200 trường hợp so với cùng kỳ năm trước, trong đó, trường hợp người lớn mắc bệnh cũng chiếm tỷ lệ gần bằng trẻ em. Thực tế có không ít người lớn cho rằng SXH là bệnh thường xảy ra ở trẻ em nên có tâm lý chủ quan, khi có triệu chứng sốt thường tự điều trị tại nhà mà không đến bệnh viện khám bệnh.
Người lớn mắc sốt xuất huyết điều trị tại Khoa Nhiễm- BVĐK tỉnh Vĩnh Long.
Theo BS.CK1 Nguyễn Quang Vinh- Phó Trưởng Khoa Nhiễm- BVĐK tỉnh Vĩnh Long, ở người lớn, thể lâm sàng của bệnh SXH có nhiều điểm tương đồng như trẻ em với các biểu hiện như sốt, xuất huyết có thoát huyết tương, có thể dẫn đến sốc giảm thể tích tuần hoàn gây suy tạng, rối loạn đông máu.
Nếu người lớn bị SXH thì cũng phải lưu ý những dấu hiệu cảnh báo để có thể dẫn đến chuyển nặng như BN có những rối loạn về tri giác, vật vã, li bì; BN đau bụng tăng lên; ngoài xuất huyết dưới da thì BN có xuất huyết niêm mạc, chảy máu mũi, xuất huyết tạng…
“Đặc biệt, cần lưu ý đối với người cao tuổi mắc nhiều bệnh lý nền như đái tháo đường, huyết áp, tim mạch hoặc phụ nữ mang thai mắc SXH thường diễn biến nặng hơn, nhiều biến chứng như có thể sinh non, con nhẹ cân, xuất huyết khi sinh và sau sinh. Do đó, nếu BN chủ quan không đi khám, chẩn đoán và điều trị kịp thời thì bệnh có thể dẫn đến chuyển nặng hoặc tử vong”- BS Quang Vinh khuyến cáo.
Chủ động phòng bệnh từ cộng đồng
Theo Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh- Huỳnh Thanh Tân, mặc dù đến nay số ca mắc SXH giảm so với cùng kỳ năm 2023, tuy nhiên qua các hệ thống giám sát quần thể muỗi và lăng quăng trên địa bàn thì các chỉ số có chiều hướng tăng lên trong các tháng mùa mưa. Đây là các điều kiện thuận lợi cho muỗi truyền bệnh phát triển, dễ dẫn đến lây lan dịch bệnh. Cùng với đó, một bộ phận người dân còn tâm lý chủ quan, chưa tích cực chủ động thực hiện các biện pháp diệt lăng quăng, diệt muỗi và phòng tránh muỗi đốt nên nguy cơ phát sinh bệnh là rất cao.
Ngành y tế tăng cường hệ thống giám sát về ca bệnh, giám sát quần thể muỗi và lăng quăng, quản lý chặt chẽ diễn biến tình hình SXH trong cộng đồng để có biện pháp ngăn chặn kịp thời, phát hiện sớm, xử lý triệt để những ổ dịch.
Các bộ phận chuyên môn phối hợp với y tế địa phương dập ngay các ổ dịch SXH trên địa bàn bằng cách phun hóa chất diệt muỗi mang mầm bệnh, khống chế không để bệnh lây lan. Các lực lượng tăng cường hoạt động giám sát về ca bệnh, giám sát về quần thể muỗi, lăng quăng và theo dõi chặt chẽ diễn biến tình hình dịch bệnh trong cộng đồng, từ đó có các biện pháp can thiệp kịp thời.
BS.CK1 Huỳnh Thanh Tân nhận định, để công tác phòng, chống SXH đạt được hiệu quả, đòi hỏi ý thức của người dân thường xuyên thực hiện các biện pháp diệt muỗi và lăng quăng tại nhà. Bản thân mỗi người dân phải chủ động dùng nhang muỗi, bình xịt muỗi, giăng mùng khi ngủ để tránh muỗi đốt, phải thường xuyên dọn dẹp môi trường xung quanh nhà, đồng thời làm sạch và diệt lăng quăng trong các dụng cụ chứa nước, nhất là thời điểm mưa nhiều để hạn chế các điều kiện cho muỗi phát triển.
“Bệnh SXH thường gây ra dịch lớn với nhiều người mắc cùng lúc làm cho công tác điều trị hết sức khó khăn và khó có thể kiểm soát. Do đó, với phòng, chống SXH, diệt lăng quăng, muỗi là vấn đề gốc. Nếu không có lăng quăng, không có muỗi truyền bệnh thì không có bệnh SXH. Người dân cần thường xuyên theo dõi sức khỏe, không nên tự ý mua thuốc uống mà phải đưa đến cơ sở y tế để khám và tư vấn kịp thời, tránh bệnh diễn biến nặng”- BS Huỳnh Thanh Tân khuyến cáo.
Theo THÚY QUYÊN (Báo Vĩnh Long)