Hướng đến năng lực, phẩm chất
Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh- Lữ Quang Ngời khẳng định: “Đảng ta xác định, GD và ĐT là “quốc sách hàng đầu” và đổi mới căn bản, toàn diện GD là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị và toàn dân, nhằm xây dựng và hoàn thiện con người, là yếu tố quan trọng, quyết định sự phát triển bền vững của đất nước”.
Tỷ lệ tốt nghiệp THPT tỉnh Vĩnh Long cao hơn bình quân chung cả nước.
Sau 10 năm thực hiện Nghị quyết số 29, tỉnh Vĩnh Long đã tạo chuyển biến căn bản, mạnh mẽ trong phát triển GD và ĐT cả về quy mô, chất lượng, hiệu quả và tập trung nhiều nguồn lực đầu tư phát triển GD.
Theo đó, hệ thống cơ sở GD và ĐT của tỉnh được quy hoạch, đầu tư, phát triển; tỷ lệ trường chuẩn quốc gia tăng nhanh, đạt kết quả cao, tích cực góp phần thực hiện chủ trương đổi mới, nâng cao chất lượng GD và ĐT. Hiện toàn tỉnh có 264/398 cơ sở GD mầm non, phổ thông được công nhận đạt chuẩn quốc gia, đạt 66,33%, tăng 43,43% so với năm 2013.
Giáo dục phổ thông phát triển từ cơ sở vật chất đến chất lượng giáo dục.
Bên cạnh đó, chất lượng GD và ĐT có tiến bộ, trình độ dân trí được nâng lên. GD mầm non thực hiện tốt việc chăm sóc, nuôi dưỡng, GD trẻ, triển khai thực hiện hiệu quả chuyên đề GD mầm non lấy trẻ làm trung tâm. GD phổ thông từng bước chuyển từ chủ yếu trang bị kiến thức sang phát triển năng lực và phẩm chất người học.
Tỉnh có 100% học sinh hoàn thành chương trình tiểu học. Theo Giám đốc Sở GD-ĐT Trương Thanh Nhuận, tỷ lệ học sinh đỗ tốt nghiệp THCS hàng năm đạt trên 99%. Kết quả tốt nghiệp THPT từ năm 2013 đến nay đạt và vượt mặt bằng chung cả nước, đạt trên 98%.
Bà Trương Thanh Nhuận cho biết: “Ngành GD và ĐT tỉnh Vĩnh Long hiện có 13.676 viên chức, trong đó 100% cán bộ quản lý, giáo viên cơ bản đạt chuẩn và vượt chuẩn quy định. Đến nay, Vĩnh Long đã được Bộ GD-ĐT công nhận đạt chuẩn phổ cập GD mầm non cho trẻ em 5 tuổi; phổ cập GD tiểu học, phổ cập GD THCS và xóa mù chữ mức độ 2. Tỷ lệ lao động của tỉnh đã qua ĐT đạt 60,58%, tỷ lệ lao động qua ĐT có bằng cấp chứng chỉ đạt 20,62%”.
Hệ thống cơ sở GD được quy hoạch, quan tâm, đầu tư; đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý GD phát triển cả về số lượng, chất lượng, đồng bộ về cơ cấu; cơ sở vật chất, tài chính cho GD và ĐT được coi trọng; chất lượng và hiệu quả GD các cấp, bậc học từng bước được nâng lên; phương pháp và hình thức tổ chức dạy học, kiểm tra đánh giá theo hướng phát triển phẩm chất, năng lực người học có sự tiến bộ; GD toàn diện đức, trí, thể, mỹ; GD đạo đức, lối sống cho học sinh, sinh viên đạt kết quả tích cực; công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập được triển khai có hiệu quả.
Điển hình như các đề án “Dạy và học Tiếng Anh trong các cơ sở GD phổ thông trên địa bàn tỉnh Vĩnh Long giai đoạn 2013-2020” với tổng kinh phí hơn 105 tỷ đồng; nội dung dạy học STEM được đẩy mạnh. Đặc biệt, kết quả học tập môn Sinh học kỳ thi tốt nghiệp THPT nhiều năm liền đứng hạng nhất, nhì cả nước.
Giáo dục đại học nâng chất lượng, uy tín
Bên cạnh GD phổ thông, chất lượng ĐT của các trường ĐH, CĐ trên địa bàn tỉnh tiếp tục được nâng cao, đội ngũ giảng viên đáp ứng tốt với yêu cầu nâng cao chất lượng GD ĐH. Các trường đã tập trung đổi mới chương trình ĐT, đẩy mạnh công tác tư vấn nghề nghiệp, việc làm và hỗ trợ kiến thức khởi nghiệp cho sinh viên.
Công tác nghiên cứu khoa học được các trường ĐH quan tâm và mang tính ứng dụng cao. Số sinh viên tỉnh Vĩnh Long theo học các trường ĐH, CĐ, trung cấp chuyên nghiệp trên địa bàn đạt trung bình 233 sinh viên/10.000 dân. Giai đoạn 2013-2023, tuyển sinh 97.707 sinh viên ĐH, 3.785 học viên cao học và 9 nghiên cứu sinh.
PGS.TS Lương Minh Cừ- Hiệu trưởng Trường ĐH Cửu Long, cho biết, đổi mới GD và ĐT được nhà trường thực hiện bằng nhiều phương pháp. Ông Lương Minh Cừ cho rằng: Đổi mới kiểm tra và đánh giá kết quả GD và ĐT, bảo đảm trung thực, khách quan.
Bên cạnh, Trường ĐH Cửu Long đã hoàn thành công tác kiểm định chất lượng GD chu kỳ 2 đúng thời gian quy định, được công nhận đạt tiêu chuẩn kiểm định chất lượng của Bộ GD-ĐT. Hiện tại, Trường ĐH Cửu Long có 13 chương trình ĐT đạt chuẩn kiểm định chất lượng GD”.
Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật Vĩnh Long ngày càng phát triển về quy mô, chất lượng ĐT, đáp ứng nhu cầu người học. PGS.TS Cao Hùng Phi cho biết: “Giảng viên còn có vai trò hết sức quan trọng trong việc phát triển kích thích khả năng sáng tạo của sinh viên, giúp sinh viên hình thành những kỹ năng, kỹ xảo nghề nghiệp ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường”.
Giáo dục ĐH ngày càng được chú trọng, phát triển về quy mô và uy tín.
Trong giai đoạn 2018-2022, số cán bộ giáo viên của trường này tăng lên 2,5 lần. Công tác tổ chức cán bộ và phát triển đội ngũ thu được nhiều kết quả tích cực. Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật Vĩnh Long có 5 phó giáo sư, 35 tiến sĩ và 30 giảng viên đang làm nghiên cứu sinh. Hàng năm có trên 150 lượt cán bộ, giảng viên đi bồi dưỡng nâng cao trình độ về lý luận chính trị, chuyên môn, nghiệp vụ.
Để phát triển GD và ĐT, Chủ tịch UBND tỉnh- Lữ Quang Ngời lưu ý: “Các cấp, ngành tập trung nguồn lực để phát triển GD phù hợp với điều kiện thực tiễn của địa phương; trong đó, ưu tiên đầu tư phát triển GD đối với các vùng đặc biệt khó khăn, vùng dân tộc thiểu số và đối tượng chính sách, đảm bảo chất lượng, công bằng, toàn diện và thúc đẩy các cơ hội học tập suốt đời cho tất cả người dân”.
Một số hạn chế trong thực hiện Nghị quyết 29 tại Vĩnh Long: Một số cấp ủy, chính quyền địa phương chưa quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo tốt công tác tổ chức thực hiện và kiểm tra, giám sát việc thực hiện. Trình độ quản lý GD chưa theo kịp thực tiễn và nhu cầu phát triển. Cơ sở vật chất thực hiện đổi mới chương trình GD phổ thông còn thiếu, chưa đáp ứng đủ các điều kiện để triển khai chương trình. Chất lượng GD vùng dân tộc, vùng khó khăn chưa đạt yêu cầu. Việc phân luồng học sinh sau tốt nghiệp THCS đi học nghề còn thấp chiếm 6,22%. Chế độ, chính sách đối với đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý GD còn hạn chế. Đời sống của đa số giáo viên, viên chức ngành GD còn khó khăn.
Theo CAO HUYỀN (Báo Vĩnh Long)