Vĩnh Long: "Hiến vàng" xây đường, xây nông thôn mới kiểu mẫu

18/05/2023 - 07:53

Dưới sự lãnh đạo của Đảng, chương trình xây dựng NTM của tỉnh Vĩnh Long nói chung và huyện Bình Tân nói riêng đã đạt được nhiều kết quả tích cực. Trong đó, xã Tân An Thạnh là một trong những điển hình tiêu biểu, góp phần cùng Bình Tân xây dựng thành công huyện NTM.

A A

Sau khi đưa xã về đích NTM (2021) và “cán đích” xã NTM nâng cao (2022), Tân An Thạnh đang tiếp tục phấn đấu xây dựng đạt xã NTM kiểu mẫu trong năm nay.

“Hiến vàng” xây đường

Đến xã Tân An Thạnh, bộ mặt nông thôn có nhiều đổi mới với điện, đường, trường, trạm, nước sạch, hệ thống thông tin liên lạc… được đầu tư ngày càng hoàn thiện, phục vụ nhu cầu sinh hoạt, đi lại, chăm sóc sức khỏe người dân ngày càng tốt hơn… Hình ảnh những con đường đất lầy lội, học sinh qua cầu khỉ đi học, ban đêm chỉ có đèn dầu leo lét… chỉ còn trong dĩ vãng.

Sự đổi thay của xã Tân An Thạnh đến từ những chủ trương, quyết sách hợp “ý Đảng, lòng dân”, nhất là thực hiện chủ trương của Đảng về xây dựng NTM. Thời buổi “tấc đất, tấc vàng”, nhưng vì lợi ích chung, nhiều tấm lòng thơm thảo đã sẵn sàng cho đi hàng trăm, hàng ngàn “tấc vàng” của mình và đóng góp tiền của để cùng Nhà nước xây đường giao thông, “mở đường” cho kinh tế- xã hội phát triển.

Tuyến đường từ QL54 đến giáp ranh xã Tân Hưng (Bình Tân) đi qua ấp An Thới- An Phước (xã Tân An Thạnh), dài khoảng 3km được đầu tư xây dựng đã làm nên câu chuyện lịch sử.

Đó là, một số người dân nơi đây không chỉ hiến hàng trăm mét vuông đất mà mỗi người còn góp hàng chục, hàng trăm triệu đồng để mở con lộ này.

Để xây tuyến đường này, 6 hộ không chỉ hiến đất mà còn góp 1,08 tỷ đồng để hộ phía trước đồng ý giao đất cho Nhà nước đầu tư xây đường. Trong đó, ông Nguyễn Ngọc Thĩnh hiến 600m2 đất, góp hơn 337 triệu đồng; ông Ngô Văn Le hiến 400m2 đất và góp 200 triệu đồng…

Với sự đồng lòng của người dân, nhiều tuyến đường được đầu tư xây mới, giúp cho việc đi lại, vận chuyển hàng hóa dễ dàng.

Theo ông Thĩnh, để mở con lộ này, thì các hộ dân cần hiến đất theo chủ trương “Nhà nước và nhân dân cùng làm”, trong đó hộ có đất ở mặt tiền QL54 cần phải hiến 300m2 đất. Do hộ này đất không nhiều, nếu hiến sẽ rất khó khăn.

Chính vì vậy, qua vận động, người dân nơi đây đã sẵn lòng hiến đất, góp tiền. Cách làm này, vừa giải quyết vấn đề khó khăn cho hộ phía trước, vừa đảm bảo công trình được thi công theo kế hoạch.

Để cùng Nhà nước xây tuyến đường ra bến đò Vàm Xã Hời- Rạch Nọc, ông Le còn sẵn lòng hiến 750m² đất vườn vì “thấu hiểu người dân rất mong mỏi có đường đi thuận tiện, vận chuyển hàng hóa dễ dàng, nên khi Nhà nước vận động thì gia đình tôi gật đầu ngay”- ông Le kể.

Xây NTM kiểu mẫu

“Thông qua chương trình xây dựng NTM, bức tranh nông thôn của xã Tân An Thạnh thay đổi rất nhiều”- ông Le tâm đắc và nhớ lại: Lúc nhỏ, ông và các bạn học phải đi bộ nửa tiếng mới tới trường tiểu học, lên cấp 2 thì đi xe đạp một tiếng, còn lên cấp 3 thì đạp xe 2 tiếng…

Đường sá đi lại khó khăn, gia đình không có điều kiện, nên học xong cấp 2 ông Le phải nghỉ học… Bây giờ, nhiều trường được xây mới khang trang, giao thông được đầu tư thông suốt, đi lại thuận tiện, đường đến trường đã gần hơn và đời sống kinh tế người dân tốt hơn trước… nên sắp nhỏ được lo cho ăn học đến nơi đến chốn.

Với sự vào cuộc mạnh mẽ của cả hệ thống chính trị cùng sự đồng thuận, chung sức của người dân, đã đưa Bình Tân về đích huyện NTM. “Thành quả này có phần đóng góp quan trọng của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân xã Tân An Thạnh”- ông Nguyễn Văn Tập- Chủ tịch UBND huyện Bình Tân, nhận định và cho biết: Tân An Thạnh là xã thứ 4 của huyện đạt chuẩn NTM nâng cao (sau các xã: Thành Trung, Tân Bình, Tân Lược) và là xã đầu tiên của huyện đạt chuẩn NTM nâng cao theo bộ tiêu chí quốc gia giai đoạn 2021-2025.

Qua xây dựng NTM nâng cao, kinh tế của xã Tân An Thạnh phát triển đáng kể, thể hiện qua sự chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, nông thôn góp phần tăng thu nhập người dân.

Đến cuối năm 2022, thu nhập bình quân đầu người của xã đạt 64,23 triệu đồng/năm, vượt 230.000đ so quy định, tăng 17,03 triệu đồng so cuối năm 2021.

Tỷ lệ nghèo đa chiều giảm còn 2,36% (quy định dưới 2,5%). Tỷ lệ hộ được sử dụng nước sạch vượt 37,2%; tỷ lệ lao động qua đào tạo có bằng cấp chứng chỉ vượt gần 16,7%…

Từ những thành quả đạt được, xã Tân An Thạnh tiếp tục phấn đấu về đích xã NTM kiểu mẫu trong năm nay, ông Lê Quang Vinh- Bí thư Đảng ủy xã, cho biết: Ngay từ đầu năm, BCĐ xã triển khai kế hoạch nâng chất, giữ vững danh hiệu xã NTM nâng cao, phấn đấu đến cuối năm xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu.

Đồng thời, phân công rõ nhiệm vụ và đề ra giải pháp thực hiện từng tiêu chí. Xem đây là nhiệm vụ chính trị quan trọng, thường xuyên sơ kết, đánh giá kết quả, uốn nắn, rút kinh nghiệm.

Bên cạnh, xã tranh thủ tối đa sự lãnh đạo, chỉ đạo và hỗ trợ của cấp trên; huy động các nguồn lực để nâng chất hạ tầng nông thôn; tranh thủ vận động xã hội hóa, tập trung xây dựng các công trình phù hợp với điều kiện, khả năng nguồn lực của nhân dân để phục vụ dân sinh, nâng chất các tiêu chí.

Đồng thời, làm tốt công tác quản lý, sử dụng, khai thác hiệu quả các công trình, cơ sở vật chất đã xây dựng, phục vụ lợi ích cho nhân dân, không để lãng phí.

Ông Nguyễn Văn Tập- Chủ tịch UBND huyện Bình Tân, lưu ý để tiến tới xây xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu, xã cần quán triệt sâu sắc quan điểm: “Xây dựng NTM là chương trình trọng tâm, xuyên suốt để thực hiện chủ trương của Đảng, là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội, là quá trình thường xuyên, liên tục, có điểm khởi đầu nhưng không có điểm kết thúc”; tiếp tục tuyên truyền để người dân phát huy vai trò chủ thể; chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn; chăm lo đời sống tinh thần của nhân dân; xây dựng chính quyền điện tử; đảm bảo an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, đảm bảo người dân nông thôn có cuộc sống bình yên…

Theo XUÂN TƯƠI (Báo Vĩnh Long)