Vĩnh Long: Hiệu quả từ chuyển đổi cơ cấu cây trồng hợp lý

29/02/2024 - 10:10

Thời gian qua, việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng của tỉnh đi đúng hướng mang lại hiệu quả tích cực. Thông qua các mô hình chuyển đổi, từng bước hình thành vùng sản xuất nông sản, tạo ra những sản phẩm hàng hóa có giá trị cao, góp phần tăng thu nhập, cải thiện đời sống cho nông dân, thúc đẩy phát triển kinh tế- xã hội.

Diện tích cây ăn trái tăng góp phần nâng cao thu nhập cho người dân.

Tăng hiệu quả sản xuất

Theo Sở Nông nghiệp-PTNT, thời gian qua, cơ cấu lại lĩnh vực trồng trọt theo hướng nâng cao giá trị, thích ứng thị trường được nông dân chú trọng. Nhiều địa phương đã linh hoạt sử dụng đất trồng lúa vừa mang lại hiệu quả kinh tế, vừa đóng góp thiết thực vào mục tiêu an ninh lương thực.

Việc tổ chức sản xuất theo hướng liên kết áp dụng các tiêu chuẩn an toàn thực phẩm, GAP ngày càng được quan tâm và diện tích áp dụng ngày càng gia tăng, góp phần nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm. Năm qua, lĩnh vực trồng trọt (nhất là cây lúa) đã đóng góp giá trị tích cực cho tăng trưởng của cả ngành nông nghiệp.

Cụ thể, năm 2023, diện tích gieo trồng lúa cả năm đạt 112.699ha, tăng 0,27% so với cùng kỳ. Chuyển đổi cơ cấu cây trồng tiếp tục được triển khai, diện tích xuống giống vụ Đông Xuân và vụ Hè Thu tiếp tục giảm.

Tuy nhiên vào những tháng cuối năm giá lúa liên tục tăng nên nông dân đã chủ động xuống giống vụ Thu Đông vượt hơn nhiều so kế hoạch. Diện tích gieo trồng lúa giảm nhanh hơn so với kế hoạch cơ cấu lại; diện tích cây ăn trái tăng lên góp phần nâng cao thu nhập cho người dân.

Cơ cấu giống lúa chuyển dần từ nhóm giống lúa chất lượng trung bình/thấp (IR50404, ML202) sang các giống thơm, lúa chất lượng cao như OM18, đài thơm, OM4900, OM5451, OM6976… Hiện tỷ lệ gieo sạ lúa giống cấp xác nhận trở lên dao động 75-85%, áp dụng cơ giới hóa 100% diện tích làm đất và thu hoạch, gần 90% ở khâu chăm sóc. 

Năm 2023, diện tích chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất lúa cũng đạt 91,3% so với kế hoạch; diện tích gieo trồng cây màu (cây hàng năm ngoài lúa) cả năm đạt trên 46.900ha, tăng 0,6% so với năm trước. Cây lâu năm đạt trên 70.300ha, tăng 3,69% so với năm 2022 (vượt mục tiêu kế hoạch đến năm 2025 là 61.000- 63.000ha).

Cây ăn trái (chưa tính diện tích cây ăn trái chứa dầu) ước đạt gần 59.200ha, tăng 4,2% so cùng kỳ. Trồng cam tiếp tục phát triển mạnh nhất, hiện diện tích canh tác ước trên 18.700ha, tăng 5,5%, sầu riêng diện tích ước 4.075ha, tăng 10,7% so với năm trước.

Cô Nguyễn Thị Diệp (xã Hòa Bình, huyện Trà Ôn) cho biết: “Trước đây vùng Bưng Sẫm này trồng lúa, nông dân không có lời thậm chí thua lỗ. Nhận thấy điều kiện đất đai không phù hợp để trồng lúa nên người dân đã chuyển đất sản xuất lúa kém hiệu quả lên liếp trồng khóm. Sau vài tháng chăm sóc thấy khóm hợp thổ nhưỡng, phát triển tốt, trồng khóm đầu tư nhẹ hơn nhiều so với trồng lúa”.

Anh Nguyễn Thanh Hậu (xã Trung Hiếu, huyện Vũng Liêm) cũng cho hay: “Việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng từ đất trồng lúa sang trồng cam đem lại hiệu quả kinh tế cao hơn 5-6 lần so với trồng lúa, nâng cao năng suất lao động và giá trị trên cùng diện tích canh tác”.

Bà Lê Ngọc Yến- Phó Phòng Nông nghiệp-PTNT huyện Vũng Liêm, cho biết: Thời gian qua, nông dân có xu hướng chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo hướng nâng cao giá trị, năng suất và chất lượng sản phẩm.

Theo đó, chủ trương chuyển đổi cây lúa trên đất kém hiệu quả sang trồng các loại cây ăn trái, rau màu có hiệu quả kinh tế cao đang được người dân nhiệt tình hưởng ứng và thực hiện.

Huyện cũng tập huấn hướng dẫn cho nông dân khoa học kỹ thuật thâm canh chăm sóc nâng cao năng suất, chất lượng diện tích vườn cây ăn trái với các loại cây trồng chủ lực có hiệu quả kinh tế cao như: sầu riêng, xoài, dừa, bưởi da xanh,… gắn với xây dựng mã số vùng trồng, sản phẩm OCOP.

Linh hoạt chuyển đổi cây trồng

Theo ngành chức năng, việc thay đổi cơ cấu cây trồng, bố trí lại mùa vụ thích hợp nhằm hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại trong sản xuất nông nghiệp cho nông dân, qua đó từng bước giúp nông dân chuyển đổi cây trồng phù hợp với thổ nhưỡng, điều kiện sản xuất của từng vùng, đem lại hiệu quả kinh tế cao.

Do đó, chuyển đổi cơ cấu cây trồng là một trong những giải pháp quan trọng để thực hiện cơ cấu lại ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng, phát triển bền vững.

Tuy nhiên, theo ngành nông nghiệp, thời gian qua, việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng còn nhỏ lẻ, manh mún, mang tính tự phát, chưa tập trung vào các sản phẩm chủ lực, có thế mạnh. Việc xây dựng thương hiệu, tìm kiếm thị trường đầu ra cho sản phẩm còn khó khăn; chưa có nhiều doanh nghiệp đầu tư, liên doanh, liên kết trong khâu tiêu thụ…

Việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng và tổ chức sản xuất theo hướng liên kết áp dụng các tiêu chuẩn an toàn thực phẩm, GAP ngày càng được nông dân quan tâm.

Việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng và tổ chức sản xuất theo hướng liên kết áp dụng các tiêu chuẩn an toàn thực phẩm, GAP ngày càng được nông dân quan tâm.

Theo ông Nguyễn Văn Liêm- Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp-PTNT, thời gian qua, việc sử dụng linh hoạt đất trồng lúa đã đóng góp thiết thực vào việc tăng thu nhập trên một đơn vị diện tích và đáp ứng kịp thời thị trường.

Năm 2024, ngành nông nghiệp tiếp tục tăng cường các giải pháp hạ giá thành sản xuất; linh hoạt chuyển đổi cây trồng, vật nuôi và phương thức sản xuất thích ứng với biến đổi khí hậu, nhu cầu thị trường; sử dụng giống cây trồng có năng suất, chất lượng và giá trị kinh tế cao, thích ứng với biến đổi khí hậu.

Đồng thời, nhân rộng mô hình nông nghiệp hữu cơ, xây dựng mô hình điểm về nông nghiệp tuần hoàn; tuyên truyền hiệu quả của các ứng dụng công nghệ cao hiệu quả trong sản xuất nông nghiệp như: sử dụng thiết bị máy bay không người lái, công nghệ tưới nước tiên tiến, biện pháp quản lý cây trồng tổng hợp, ứng dụng phân bón, thuốc BVTV hữu cơ…

Xây dựng và quản lý mã số vùng trồng, khai thác chỉ dẫn địa lý phục vụ nhu cầu xuất khẩu; thu hút doanh nghiệp đầu tư ứng dụng máy móc, thiết bị, dây chuyền công nghệ vào khâu bảo quản và chế biến sản phẩm sau thu hoạch.

Theo NGUYÊN KHANG (Báo Vĩnh Long)